Thử nghiệm thành công tử cung nhân tạo mang lại hy vọng cho các ca sinh non

10:43' - 26/04/2017
BNEWS Các nhà khoa học công bố thử nghiệm thành công tử cung nhân tạo có môi trường nuôi dưỡng lý tưởng giúp khắc phục các vấn đề thường mắc phải và giảm thiểu nguy cơ tử vong ở các ca sinh non.

Trong nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Nature Communications, các nhà khoa học đã thực hiện thí nghiệm với 6 bào thai cừu có tuổi thai tương ứng 23 đến 24 tuần.

Chúng được nuôi dưỡng trong tử cung nhân tạo được thiết kế để duy trì môi trường sinh trưởng tự nhiên cho cừu non giống hệt như trong bụng mẹ. Dây rốn của cừu được nối với một hệ thống thiết bị hỗ trợ bên ngoài thông qua các ống nhỏ.

Hệ thống này có nhiệm vụ lọc khí CO2 và đẩy khí O2 vào trong máu truyền qua dây rốn vào cho cừu sinh non. Các cá thể cừu được nuôi dưỡng thêm tối đa 28 ngày.

Kết quả chỉ ra các cá thể cừu sinh non vẫn tiếp tục giữ nhịp thở như bình thường và có các sử động nuốt, mở mắt, lông tiếp tục phát triển, linh hoạt hơn và duy trì các quy trình sinh trưởng và phát triển của hệ thần kinh và nội tạng. Các cá thể cừu sau đó được đưa ra khỏi tử cung giả, nuôi dưỡng và trải qua các bài kiểm tra chức năng não bộ, phổi và các nội tạng khác.

Hầu hết đều phát triển bình thường, có cá thể đã được đưa về nuôi dưỡng ở trang trại. Ngoài hiệu quả giảm nguy cơ tử vong, đột phá mới còn có hệ thống phổi và tim siêu nhỏ với trọng lượng chưa đến 500g đề phòng các trường hợp trục trặc kỹ thuật ở các bộ phận hỗ trợ như ống nội khí quản, thông hơi và bơm nhân tạo.

Đáng chú ý, toàn bộ quy trình hoạt động đều dựa theo nhịp tim đập của cừu đã tạo ra điểm ưu việt của hệ thống là giúp tránh được nguy cơ tim ngừng đập do mất cân bằng dòng máu trong quá trình bơm máu nuôi.

Các nhà nghiên cứu đang xin giấy phép từ Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ để có thể tiến hành các thử nghiệm ở người. Chuyên gia phẫu thuật thai đến từ Viện Nhi Philadelphia, đồng thời cũng là tác giả chính của nghiên cứu Alan Flake tỏ ra lạc quan với khả năng thử nghiệm thành công thiết bị mới trên người.

Hệ thống mới có cấu tạo mô phỏng tử cung của người mẹ nếu thành công trong các thử nghiệm lâm sàng dành cho người sẽ góp phần cải thiện đáng kể những dị tật và các vấn đề sức khỏe mà các bé không may mắn sinh non phải chịu đựng.

Trên thực tế, những trẻ sinh non ở tuần tuổi thứ 22 hoặc 23 hiện chỉ có 50% cơ hội sống sót và 90% các bé sống sót sẽ phải chịu đựng những dị tật và các vấn đề sức khỏe cả đời.

Các chuyên gia đánh giá đây là một bước tiến quan trọng trong nghiên cứu hỗ trợ điều trị trẻ sinh non. Các biện pháp điều trị hiện tại có thể giúp trẻ sinh non từ 22 đến 23 tuần tuổi sống sót nhưng chi phí rất cao./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục