Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Xây dựng Việt Trì trở thành thành phố Lễ hội về nguồn

19:45' - 04/12/2016
BNEWS Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Đề án này phù hợp với truyền thống văn hóa, đoàn kết của nhân dân cả nước bởi Việt Trì, Phú Thọ chính là cái nôi của dân tộc Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Thống Nhất-TTXVN

Không chỉ có Việt Trì – trung tâm lễ hội về nguồn của người dân cả nước, quê hương đất Tổ Hùng vương Phú Thọ còn là địa phương có địa thế khá thuận lợi về giao thông phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế xã hội.

Chiều 4/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác của Trung ương đã có buổi làm việc với tập thể lãnh đạo chủ chốt của Phú Thọ để đánh giá một cách toàn diện tình hình và giải pháp phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh hướng đến mục tiêu xây dựng Phú Thọ trở thành Trung tâm của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, cửa ngõ Thủ đô Hà Nội.

Được thiên nhiên ưu đãi với ba con sông lớn là sông Hồng, sông Lô, sông Đà chảy qua, Phú Thọ còn nằm trên tuyến đường sắt quan trọng: Hà Nội – Lào Cai – Côn Minh và nằm trên tuyến huyết mạch quốc lộ 2, đường cao tốc xuyên Á - cầu nối giao lưu kinh tế giữa Trung Quốc với Việt Nam và các nước ASEAN. Nét nổi bật của Phú Thọ phải kể đến tiềm năng phát triển du lịch xoay quanh nền tảng giá trị văn hóa phi vật thể của nhân loại gồm: Tín ngưỡng thờ cùng Hùng Vương và Hát Xoan Phú Thọ.

Tuy nhiên, mặc dù trong những năm qua, GDP bình quân hàng năm đạt trên 9%, song Phú Thọ vẫn là tỉnh nghèo, hạ tầng kinh tế-xã hội còn khó khăn; nguồn lực đầu tư cho hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu, chủ yếu vẫn dựa vào vốn đầu tư công.

Thu hút đầu tư mặc dù đã có nhiều cố gắng, nhưng vẫn chưa có nhiều dự án quy mô lớn, công nghệ, giá trị gia tăng cao để bổ sung năng lực tăng thêm cho nền kinh tế, đóng góp vào ngân sách tỉnh. Các dự án phát triển nông nghiệp công nghệ cao còn hạn chế; du lịch chưa phát huy được lợi thế để đạt mục tiêu ngành kinh tế mũi nhọn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Thống Nhất-TTXVN

Theo thống kê của Bộ Tài chính, thu ngân sách của Phú Thọ đứng hàng thứ 33 trong 63 tỉnh, thành phố cả nước. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ, tăng thu ngân sách của Phú Thọ vẫn ở mức thấp, không đáp ứng yêu cầu chi của tỉnh, tỷ lệ trợ cấp ngân sách là 55%.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Phú Thọ đề nghị Trung ương ủng hộ và hỗ trợ để triển khai Đề án Xây dựng thành phố Việt Trì trở thành thành phố Lễ hội về với cội nguồn của dân tộc Việt Nam. Đề nghị này nhận được sự tán thành của đông đảo lãnh đạo các bộ, ngành tại buổi làm việc. Cho ý kiến chỉ đạo về nội dung này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Đề án này phù hợp với truyền thống văn hóa, đoàn kết của nhân dân cả nước bởi Việt Trì, Phú Thọ chính là cái nôi của dân tộc Việt Nam.

Trên cơ sở đó, Thủ tướng đề nghị triển khai đồng bộ việc thực hiện Đề án đi đôi với đảm bảo các tiêu chí của một thành phố sinh thái, du lịch và bảo vệ môi trường; đây cũng là những tiêu chí cần thiết của một thành phố Trung tâm lễ hội.

Thủ tướng cũng yêu cầu triển khai việc quy hoạch xây dựng Tượng đài Hùng Vương tại thành phố Việt Trì bằng nguồn vốn xã hội hóa kết hợp một phần ngân sách trung ương, phù hợp với Đề án thành phố trung tâm Lễ hội. Việc thực thi nội dung này phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật sau khi có ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư.

Việc xây dựng Tượng đài phải phù hợp với biểu tượng đồng thời mang đậm tính văn hóa, nghệ thuật cao, có ý nghĩa tâm linh sâu sắc, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần đại đoàn kết dân tộc và tiếp tục phát huy giá trị tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.

Đồng tình với đánh giá của các bộ, ngành về tiềm năng phát triển của Phú Thọ, Thủ tướng cho rằng, lợi thế lớn nhất của địa phương là vị trí cửa ngõ Thủ đô kết nối với hành lang kinh tế sôi động Hải Phòng – Côn Minh; đi cùng với truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc, biểu tượng của dân tộc.

Đặt ra chỉ tiêu tăng gấp đôi số doanh nghiệp trên địa bàn đến 2020, Thủ tướng yêu cầu Phú Thọ cần xây dựng một Chương trình hành động cụ thể để nâng cao hệ số môi trường đầu tư, kinh doanh. Ngoài ra, cần siết chặt hơn nữa hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản; tiếp tục xã hội hóa mạnh mẽ và đa dạng hóa các nguồn lực; đi đôi với sử dụng ngân sách tiết kiệm, hiệu quả.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục