Thực hư chuyện có sinh vật lạ trong mỳ tôm

19:20' - 18/11/2015
BNEWS Theo kết quả kiểm nghiệm của cơ quan chức năng, sản phẩm mỳ tôm Kokomi không có dị vật hay sinh vật lạ như thông tin phản ánh.
Không phát hiện sinh vật lạ trong mỳ tôm Kokomi. Ảnh: Internet

Chiều 18/11, ông Đỗ Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Thanh Hóa cho biết: Liên quan đến thông tin cho rằng sản phẩm mỳ Kokomi tôm chua cay của Công ty cổ phần hàng tiêu dùng Masan có dị vật như giun, sán... Chi cục đã tiến hành lấy mẫu sản phẩm cùng loại trên thị trường để phân tích.

Kết quả kiểm nghiệm cho thấy sản phẩm này đạt các tiêu chuẩn kiểm nghiệm, không có các dị vật hay sinh vật lạ như các thông tin đã nêu. 

Trước đó, trên địa bàn một số xã của huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) rộ lên thông tin người dân phát hiện có các sinh vật lạ ngọ nguậy trong bát mỳ ăn liền Kokomi sau khi pha chế, dù các sản phẩm này vẫn còn hạn sử dụng.

Cụ thể, ngày 7/11, chị Lê Thị Liên (xã Ngọc Lĩnh, huyện Tĩnh Gia) sau khi pha gói mỳ tôm Kokomi cho con trai ăn thì chị phát hiện thấy sợi mỳ cựa quậy giống như những con sán.

Tiếp đó ngày 11/11, gia đình ông Lê Ngọc Quang (xã Thanh Thủy, huyện Tĩnh Gia) có báo cáo với chính quyền địa phương về việc có sinh vật lạ xuất hiện trong gói mỳ tôm ăn liền nhãn hiệu Kokomi.

Ngay sau khi nhận được những phản ánh từ nhân dân và chính quyền địa phương, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Thanh Hóa đã phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa xác minh và xử lý sự việc theo thẩm quyền.

Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Thanh Hoá đã phối hợp với Trung tâm kiểm nghiệm, Sở Y tế tỉnh Thanh Hoá tiến hành lấy mẫu sản phẩm mỳ Kokomi tôm chua cay cùng lô, cùng loại, cùng cửa hàng mà các gia đình trên đã mua để phân tích.

Ông Đỗ Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Thanh Hóa cũng cho biết thêm: Vẫn chưa thể khẳng định được việc vì sao các sinh vật lạ xuất hiện trong bát mỳ như người dân phản ánh.

Nhưng có thể khẳng định rằng các dị vật hay sinh vật lạ có trong bát mỳ tôm sau khi pha (như người dân đã phản ánh) là từ môi trường bên ngoài chứ không phải trong gói mỳ.

Quy trình sản xuất mì tôm được thực hiện khép kín, nhiệt độ làm chín cũng như sấy mì từ 100 -150 độ C. Mặt khác, mỳ tôm được pha bằng nước đun sôi 100 độ C thì các sinh vật như giun, sán không thể chịu được nhiệt độ này.

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Thanh Hóa khuyến cáo người dân không nên quá hoang mang, lo lắng trước các thông tin chưa được kiểm chứng. Người dân thực hiện ăn chín, uống sôi; bảo quản bát, đũa và các nguồn thực phẩm chín, tăng cường các biện pháp vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường.../.

Hoa Mai

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục