Thuốc lá, đường cát vẫn nhập lậu về Tp. Hồ Chí Minh

10:43' - 14/10/2016
BNEWS Trong 9 tháng năm 2016, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra, xử phạt và tiêu hủy lượng hàng hóa trị giá hơn 110 tỷ đồng, trong đó dẫn đầu nhóm hàng hóa nhập lậu là thuốc lá, đường cát...

Đây là thông tin được ông Nguyễn Văn Bách, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Quản lý thị trường Tp. Hồ Chí Minh cho biết.

Theo ông Nguyễn Văn Bách, đối với hàng nhập lậu, lực lượng quản lý thị trường thành phố đã kiểm tra và phát hiện gần 1.180 doanh nghiệp, hộ kinh doanh buôn bán hàng nhập lậu, hàng không có chứng từ hóa đơn, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Còn đối với lĩnh vực hàng giả, lực lượng quản lý thị trường thành phố đã tăng cường kiểm tra gần 360 vụ sản xuất, kinh doanh, chứa trữ hàng giả... tại các trung tâm thương mại, chợ, kho hàng và cửa hàng trên địa bàn thành phố.

Hiện nay, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại tại Tp. Hồ Chí Minh vẫn diễn biến phức tạp.

Tại các tuyến đường từ tỉnh Long An, Tây Ninh về Tp. Hồ Chí Minh, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra hơn 720 vụ mặt hàng thuốc lá nhập lậu, qua đó tạm giữ hơn 259.720 bao thuốc lá, gần 300 xe gắn máy hai bánh và ô tô.

Ngoài mặt hàng thuốc lá thì đường cát cũng nằm trong nhóm mặt hàng dẫn đầu nhóm hàng hóa nhập lậu vào địa bàn Tp. Hồ Chí Minh để tiêu thụ và phân phối đi các địa phương khác.

Mặc dù, lực lượng quản lý thị trường thành phố đã tăng cường nắm tình hình, kiểm tra, xử lý vi phạm cũng như ngăn chặn hàng loạt vụ buôn lậu đường, nhưng đường cát Thái Lan, Campuchia nhập lậu từ các tỉnh biên giới Tây Nam về thành phố diễn ra ồ ạt và khó kiểm soát.

Hiện nay, giá đường trên thị trường trong nước thường cao hơn khoảng 20% so với đường nhập lậu nên tình hình nhập lậu cũng càng khó kiểm soát.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, hàng năm, đường lậu nhập về Việt Nam lên đến 500.000 tấn, trong khi các quy định pháp luật về sản xuất, kinh doanh mặt hàng này chưa phát huy được hiệu quả trong thực tế.

Đơn cử, quy chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn kỹ thuật của ngành đường đã ban hành nhưng với các chỉ số quá thấp đã tạo kẽ hở cho đường nhập lậu và thâm nhập vào thị trường nội địa ngày càng nhiều.

Theo ông Nguyễn Hải, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã từng gửi văn bản kiến nghị Bộ Công Thương về một số trường hợp doanh nghiệp kinh doanh đường cát, nhưng thực tế là nhập lậu từ Thái Lan, Campuchia, sau đó đóng bao để phân phối ra thị trường nội địa.

Đây là hình thức kinh doanh không minh bạch, cạnh tranh không công bằng, gây thiệt hại cho doanh nghiệp trong nước và ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.

Theo đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh mặt hàng đường cần đưa vào danh mục hàng hóa kinh doanh có điều kiện như doanh nghiệp phải có nhà máy, sản phẩm ghi rõ nguồn gốc xuất xứ...

Nhận định từ đây đến cuối năm, là thời điểm các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng gian, hàng giả hoạt động sôi động, Chi cục Quản lý thị trường Tp. Hồ Chí Minh đã có kiến nghị chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với các cơ quan chức năng của thành phố, địa phương lân cận để thực hiện công tác phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại trên các khu vực, tuyến đường trọng điểm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục