BNEWS
Internet cũng dẫn đến sự thay đổi nội dung cũng như công cụ tiếp thị của doanh nghiệp với xã hội, cộng đồng và khách hàng.
Trong hơn một thập kỷ qua, internet bùng nổ đã tác động, làm thay đổi các mô hình sản xuất kinh doanh, xu hướng, thói quen tiêu dùng. Internet cũng dẫn đến sự thay đổi nội dung cũng như công cụ tiếp thị của doanh nghiệp với xã hội, cộng đồng và khách hàng. Nói một cách khác, internet đã làm thay đổi cơ bản cách thức xây dựng thương hiệu, đặc biệt là thương hiệu điện tử trong không gian mạng thời đại kỷ nguyên số. Do đó, chú trọng đầu tư xây dựng thương hiệu trực tuyến là bước đi cần thiết để doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào thị trường, nắm bắt cơ hội thành công.
*Thương hiệu điện tử là xu thế tất yếu Trong kỷ nguyên số, thương mại điện tử ngày càng phổ biến và chiếm vị trí quan trọng trong nền kinh tế. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải thay đổi quan điểm về cách xây dựng thương hiệu truyền thống sang thương hiệu trực tuyến trên internet. Trong thương mại điện tử, trang thông tin điện tử (website) chính là "cửa hàng" trưng bày sản phẩm, giúp khách hàng có thể thấy hình ảnh và thông tin về sản phẩm. Do vậy, xây dựng website hấp dẫn, dễ hiểu, dễ sử dụng là yếu tố cần thiết để thu hút khách hàng, tạo độ tin tưởng đối với người xem, dẫn đến thành công của mỗi doanh nghiệp.
Theo nghiên cứu của Viện chiến lược thương hiệu và cạnh tranh: Việt Nam đứng thứ 16 trong số 20 quốc gia trên thế giới có số người sử dụng internet nhiều nhất. Với tốc độ tăng trưởng bình quân mỗi năm là 15%, internet trở thành nguồn thông tin quảng cáo phổ biến nhất để người dùng biết đến sản phẩm. Hiện tại có 73% số người tiêu dùng tìm hiểu thông tin sản phẩm trên mạng trước khi mua hàng; đa phần người tiêu dùng Việt Nam hiện nay chọn sản phẩm, dịch vụ theo thương hiệu. Điều này góp phần khẳng định, trong kỷ nguyên số, không thể bỏ qua thương hiệu điện tử bởi đây là môi trường tiếp thị có tính tương tác cao, chi phí cho hoạt động tiếp thị thấp. Theo đó, các doanh nghiệp cần tư duy để xây dựng thương hiệu trên kênh trực tuyến thay vì chỉ thiết kế logo, quảng cáo trên các kênh truyền thống.
Ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam khẳng định: Xây dựng website là bước đầu tiên để doanh nghiệp tham gia vào thương mại điện tử. Website có thể tạo ra ảnh hưởng lớn tới danh tiếng và độ tín nhiệm cho thương hiệu doanh nghiệp.
*Cần bảo vệ thương hiệu điện tử Trên môi trường internet, việc bảo vệ tên miền, cũng chính là thương hiệu điện tử thường phức tạp do sự rộng lớn, không giới hạn của môi trường mạng cũng như tốc độ phát triển thông tin trên mạng. Việc tranh chấp tên miền, thương hiệu là nguyên nhân chính gây ra mâu thuẫn, bất hòa, xung đột về quyền lợi giữa hai hay nhiều bên liên quan đến một hoặc nhiều tên miền khi quyền sở hữu, sử dụng tên miền không cùng một đối tượng. Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, mỗi doanh nghiệp phải quan tâm bảo vệ thương hiệu trong quá trình kinh doanh, đặc biệt phải chú trọng cách thức sở hữu, bảo vệ tên miền trên mạng internet.
Năm 2017, hàng loạt nhãn hàng lớn ở nước ngoài cũng như Việt Nam đã đồng loạt rút quảng cáo khỏi mạng xã hội YouTube, với lý do bị chen quảng cáo là những video clip có nội dung xấu. Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhiều lần làm việc với Google và Facebook để bàn về việc ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin xấu, độc hại, vi phạm quy định pháp luật Việt Nam, song cũng chưa có giải pháp triệt để.
Tháng 1/2018, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn đã đề nghị đại diện Google tích cực hợp tác với Bộ nhằm ngăn chặn, gỡ bỏ các video clip có nội dung xấu, vi phạm pháp luật Việt Nam trên Youtube. Google đã sử dụng nhiều thuật toán, thậm trí cả trí tuệ nhân tạo để loại bỏ nội dung không tốt bị chèn vào ứng dụng gây khó chịu cho người dùng. Nhằm hạn chế điều này, ông Lê Quang Tự Do (Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông) có đề cập đến giải pháp xây dựng “Danh sách Trắng” và “Danh sách Đen” gồm những đơn vị quảng cáo tốt và xấu để tiến hành ngăn chặn phát tán thông tin không tốt. Tuy nhiên ông Lê Quang Tự Do cũng cho biết thêm: Trên thế giới hiện có khoảng 350 triệu kênh thông tin trên Youtube, trong đó ở Việt Nam chỉ có 78.000 kênh. Với số lượng kênh thông tin đồ sộ như vậy, quản lý được hết nội dung các clip đăng là điều không thể.
Khi có thương hiệu điện tử, doanh nghiệp muốn quảng cáo càng rộng càng tốt. Tuy nhiên, nếu quảng cáo trên mạng không đúng cách sẽ là con dao hai lưỡi đối với chính doanh nghiệp... Để tránh hiện tượng quảng cáo không hợp lý, các công ty quảng cáo thường xuyên phân tích, tìm hiểu thông tin quảng cáo, đưa ra lời khuyên cho đối tác để đảm bảo được sự an toàn của thương hiệu. Về vấn đề này, ông Hoàng Quốc Quyền, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Flamingo nhấn mạnh việc sử dụng yếu tố con người để chọn lọc thông tin đưa lên mạng internet.
Vấn đề an toàn thương hiệu cũng ngày càng phức tạp hơn khi quảng cáo bị chạy trên các trang website cung cấp tin mạo danh. Cuối tháng 1/2018, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) phát hiện và cảnh báo có ít nhất 700 tên miền được sử dụng để phục vụ cho các chiến dịch tấn công lừa đảo, nhằm vào người sử dụng mạng internet tại Việt Nam, trong đó có rất nhiều người sử dụng mạng xã hội Facebook. Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương cho thấy, các doanh nghiệp cần nhìn nhận nghiêm túc về xây dựng thương hiệu điện tử, đưa thông tin quảng cáo hiển thị thương hiệu, sản phẩm lên các kênh như Youtube, Facebook... Khi doanh nghiệp chủ động đăng ký tên miền, có website chính thức sẽ góp phần hạn chế tối đa việc giả mạo thông tin.
Thương hiệu là thế mạnh để các doanh nghiệp tạo nên khác biệt trong chiến lược cạnh tranh. Do vậy, trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, các doanh nghiệp không thể bỏ qua lợi thế của các loại hình quảng cáo trực tuyến trên internet. Vấn đề quan trọng là doanh nghiệp phải chủ động bảo vệ thương hiệu số, tăng khả năng cạnh tranh bằng thương hiệu… để đạt được thành công ./.