Thủy điện xả nước cạn kiệt, người dân cơ cực lội bùn qua rẫy

06:00' - 07/08/2016
BNEWS Khi thủy điện Pleikrông xả nước, phía thượng nguồn sông Pô Kô lại “cạn trơ đáy” và kèm lớp bùn nhão. Để qua rẫy sản xuất, hàng trăm hộ dân ở Kon Tum phải vất vả băng qua lòng sông đầy bùn nhão.
Sông Pô Kô như dòng sông chết do thủy điện xả hết nước. Ảnh: Quang Thái-TTXVN
 

Cứ đến khoảng thời gian này, khi thủy điện Pleikrông xả nước thì phía thượng nguồn sông Pô Kô lại “cạn trơ đáy” và kèm lớp bùn nhão. Để qua rẫy sản xuất, hàng trăm hộ dân của các làng Kon Gung, Đăk Mút, xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum phải vất vả băng qua lòng sông đầy bùn nhão rộng hàng trăm mét. Tình trạng này đã diễn ra gần 10 năm nay nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân nơi đây. 
Theo quy luật, cứ từ tháng 5 đến tháng 9 hàng năm, nhà máy thủy điện Pleikrông tiến hành xả nước. Việc tích nước lâu ngày đã khiến lòng sông rộng hàng trăm mét nay được bồi thêm lớp bùn nhão ngập ngang thân người lớn. Để qua rẫy canh tác, người dân phải dùng thuyền nhỏ bỏ dụng cụ sản xuất rồi 4, 5 thanh niên khỏe mạnh cùng đẩy thuyền vượt sông. Hầu hết đất đai sản xuất của dân làng Kon Gung, Đăk Mút đều nằm phía bên kia sông, vì vậy dù khó khăn, nguy hiểm nhưng đã gần 10 năm nay, người dân vẫn phải bất chấp băng sông để mưu sinh. 
Gia đình anh A Reo, thôn Kon Gung, xã Đăk Mar, huyện Sa Thầy có hơn 2 ha cà phê phía bên kia sông. Đây là thời điểm cây cà phê cần chăm sóc nhiều nhất để có được năng suất cao. Tuy nhiên, việc băng sông quá vất vả, gia đình lại ít người khiến việc chăm sóc vườn cà phê của gia đình anh bữa được bữa bỏ.

Người dân phải rất vất vả để vượt sông. Ảnh: Quang Thái-TTXVN


“Mùa này muốn qua được bên đấy vất vả lắm, có khi phải mất cả ngày mới qua được bên kia sông. Sông rộng cùng với bùn ngập gần nửa thân người khiến việc qua bên đó rất khó khăn. Vườn cà phê nhà mình không chăm sóc được, cỏ mọc um tùm”, anh A Reo cho biết. 
Với những hộ gia đình có thanh niên khỏe mạnh, việc vượt sông qua rẫy còn đỡ vất vả, nhưng nhiều gia đình lao động chủ yếu là nữ giới thì việc vượt sông là điều không thể. Gia đình chị Y Giáo là một trong số đó, để qua được rẫy sản xuất, chị phải vượt quãng đường hơn 40 km ngược lên huyện Đăk Tô rồi vòng xuống, dù xa nhưng con đường bộ còn đỡ vất vả và nguy hiểm hơn là vượt sông. Chị Y Giáo cho biết, nước lên cao thì có thể đi xuồng, đi phà chứ mùa nước cạn này thì không thể. Mùa này để vượt sông qua rẫy chỉ có đàn ông và thanh niên mới đi qua được thôi. Nhà chị có hơn 3ha trồng sắn nhưng cũng bỏ đấy chứ không chăm sóc được. Lâu lâu chị qua thăm rẫy thì chạy xe máy lên huyện Đăk Tô rồi vòng xuống nhưng cũng mất cả ngày trời. 
Theo thống kê của UBND xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum, phía bên kia sông có hơn 300 ha đất canh tác của nhân dân, chủ yếu trồng cà phê, cao su, sắn của hơn 200 hộ dân. Để thuận tiện cho người dân qua lại sản xuất, phòng ngừa tình trạng tai nạn do đuối nước, gia đình anh A Hiếu đã đầu tư hơn 2,3 tỷ đồng đóng 3 phà mới. Thế nhưng, bến phà hơn 2,3 tỷ đồng của anh cũng chỉ hoạt động được lúc mùa nước lớn, còn thời gian này nằm im lìm trên bãi bùn ven bờ. 
Anh Hiếu xót xa, đầu tư số tiền lớn để vừa giúp đỡ nhân dân qua lại cho dễ dàng, an toàn vừa có nguồn thu nhỏ. Nhưng nước xuống thấp quá khiến bền phà của gia đình anh đã không hoạt động được hơn 3 tháng nay. Hy vọng nhà nước có phương án với thủy điện duy trì mực nước trên sông cho bà con đi lại dễ dàng. 
Về phía chính quyền xã, dù tình trạng trên đã diễn ra trong thời gian dài, xã đã kiến nghị nhiều giải pháp nhưng đến nay vẫn không có phương án hỗ trợ. Để đảm bảo nhân dân sản xuất ổn định, phòng tránh những tai nạn đáng tiếc do đuối nước thì chính quyền xã chỉ thực hiện tuyên truyền, khuyến cáo người dân ít đi lại, thực hiện canh tác dài ngày tại rẫy, khi nào xong việc rồi mới trở về. Thực hiện cắm biển báo nguy hiểm tại các khu vực nước sâu, bùn nhão dễ xảy ra tai nạn… 
Ông Nguyễn Chí Ánh, Phó Bí thư Đảng ủy xã, người đã có hơn 10 năm gắn bó với người dân hai làng cho biết, người dân đi lại vất vả lắm nhưng không thể yêu cầu thủy điện ngừng xả nước. Việc kiến nghị xây cầu cũng khó vì khu vực này nằm trên vùng lòng hồ của thủy điện. Bây giờ chỉ khuyến cáo nhân dân sắp xếp lịch sản xuất hợp lý, tiến hành canh tác dài ngày tại rẫy. Về lâu dài thì cần có biện pháp thông dòng, duy trì mực nước tối thiểu cho người dân chèo xuồng, phà qua lại thì mới đảm bảo được sản xuất./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục