Tiết kiệm gần 6% tổng mức tiêu thụ năng lượng quốc gia

19:45' - 30/10/2015
BNEWS Kết quả này đã đạt mục tiêu đề ra trong giai đoạn này là tiết kiệm từ 5-8% tổng mức tiêu thụ năng lượng quốc gia.

Ngày 30/10, tại Hội nghị 5 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2011-2015 do Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương), Hội Khoa học và Công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Trịnh Quốc Vũ, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và tiết kiệm năng lượng (Tổng cục Năng lượng) cho biết, thực hiện Chương trình trong giai đoạn vừa qua mức năng lượng tiết kiệm được đạt gần 6% trên tổng mức tiêu thụ năng lượng quốc gia.

Ông Trịnh Quốc Vũ cho biết, kết quả này đã đạt mục tiêu đề ra trong giai đoạn này là tiết kiệm từ 5-8% tổng mức tiêu thụ năng lượng quốc gia. Tuy nhiên, cường độ sử dụng năng lượng của Việt Nam vẫn còn rất cao, chỉ thấp hơn Trung Quốc và cao gần 6 lần so với Nhật Bản, điều này cho thấy khoảng cách khá xa về trình độ khoa học kỹ thuật giữa Việt nam và các quốc gia phát triển.

Ảnh minh họa (Nguồn: TTXVN)

Một trong những tồn tại sau 5 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là nhận thức cộng đồng và doanh nghiệp còn hạn chế, chưa sẵn sàng chủ động tiếp cận với thông tin về công nghệ và các giải pháp tiết kiệm năng lượng.

Bên cạnh đó, cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư để thay thế công nghệ lạc hậu bằng dây chuyền công nghệ hiện đại hiệu suất cao tiết kiệm năng lượng vẫn còn nhiều vướng mắc, cụ thể như doanh nghiệp chưa tiếp cận được những khoản vay tín dụng ưu đãi cho các dự án tiết kiệm năng lượng.

Các chuyên gia và nhà quản lý nhận định, nhiều năm qua Nhà nước đã đặc biệt chú trọng phát triển năng lượng, việc thăm dò, khai thác, sản xuất, truyền tải, phân phối các nguồn năng lượng được chú trọng đẩy mạnh nhằm đảm bảo cho phát triển kinh tế - xã hội với tốc độ cao, tuy nhiên vẫn có khả năng mất cân đối về cung – cầu năng lượng.

Những giới hạn về trình độ công nghệ, nguồn tài chính, năng lực đầu tư… là nguyên nhân làm cho việc cung cấp năng lượng không theo kịp mức tăng nhu cầu sử dụng năng lượng. 

Ảnh minh họa (Nguồn: TTXVN)

Để khắc phục tình trạng trên, thời gian qua Chính phủ đã ban hành nhiều quy định nhằm đẩy mạnh việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Cụ thể như ban hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2011-2015.

Đánh giá về tác động của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, ông Nguyễn Đình Hiệp, Phó Chủ tịch Hội Khoa học và công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam nhận định: Việc Luật này ra đời là rất cần thiết, kịp thời và phù hợp với xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế cũng như điều kiện thực tế của Việt Nam.

Luật đã giúp nâng cao ý thức của doanh nghiệp, người dân về sử dụng năng lượng, cùng với đó tháo gỡ nhiều rào cản, tạo điều kiện thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Theo ông Nguyễn Đình Hiệp, trong điều kiện hiện nay khi chưa có nguồn năng lượng bổ sung thay thế thì việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là lựa chọn chủ yếu của các quốc gia; trong đó có Việt Nam.

Đơn cử, nếu không áp dụng các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thì nhu cầu năng lượng của riêng ngành công nghiệp được dự báo đến năm 2030 sẽ tăng gấp 4 lần so với năm 2007.

Để hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong thời gian tới, các chuyên gia cho rằng một trong những giải pháp cần đẩy mạnh đó là nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức toàn xã hội, đồng thời thúc đẩy xây dựng các cơ chế tài chính, khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư thực hiện giải pháp tiết kiệm năng lượng./.

Thu Hoài

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục