Tiêu điểm trong ngày: 50 năm viết tiếp giấc mơ

14:10' - 04/04/2018
BNEWS Tròn 50 năm trước, ngày 4/4/1968 -trái tim của mục sư da màu Martin Luther King đã ngừng đập, song ước mơ của ông về sự bình đẳng giữa người da trắng và người da màu vẫn cháy bỏng.

“Cuộc sống của chúng ta kết thúc vào ngày mà ta im lặng trước những vấn đề hệ trọng”. Tròn 50 năm trước, ngày 4/4/1968 - trái tim của mục sư da màu Martin Luther King, người nói câu "tuyên ngôn" bất hủ trên, đã ngừng đập, song ước mơ của ông về tương lai nước Mỹ, khi người da trắng và người da màu có thể sống chung hòa thuận, bình đẳng, thì vẫn cháy bỏng.

50 năm sau, nước Mỹ vẫn đang nỗ lực vì một giấc mơ xã hội công bằng, nơi con người được đánh giá không phải vì màu da, tài sản hay tôn giáo, sắc tộc..., mà được tôn trọng bởi nhân cách, phẩm giá và năng lực. 50 năm trôi qua, nhân loại tiến bộ trên thế giới vẫn nhớ Martin Luther King như một trong những nhân vật "sống vĩ đại và ngã xuống vinh quang" vì sự nghiệp đấu tranh cho quyền con người.

Sinh ngày 15/1/1929, cũng như rất nhiều người Mỹ gốc Phi lớn lên trong thời kỳ này, mục sư Martin Luther King đã phải chứng kiến và cũng từng là nạn nhân trực tiếp của nạn phân biệt chủng tộc trong xã hội Mỹ. Do đó, ngay từ thời sinh viên ông đã tham gia nhiều hoạt động đấu tranh vì quyền lợi của cộng đồng người Mỹ gốc Phi và chống nạn phân biệt chủng tộc.

Ông chính thức trở thành người dẫn dắt cuộc đấu tranh vì quyền lợi của người da màu khi đang làm mục sư nhà thờ Baptist ở thành phố Montgomery. Tại đây, ông đã khởi xướng chiến dịch “Tẩy chay xe buýt” kéo dài 382 ngày. Trong thời gian đó, những người da màu kiên quyết không sử dụng xe buýt sau vụ một phụ nữ gốc Phi bị cảnh sát bắt giữ vì từ chối nhường chỗ cho một người đàn ông da trắng trên xe buýt, theo một đạo luật có tính phân biệt chủng tộc của thành phố này.

Cuộc đấu tranh đã khiến Tòa án Tối cao Mỹ phải ra sắc lệnh bãi bỏ đạo luật trên và “Tẩy chay xe buýt” được xem là một trong những chiến thắng đầu tiên và quan trọng của phong trào đấu tranh vì quyền con người tại Mỹ.

Từ đây, Martin Luther King phát động phong trào biểu tình không bạo lực trên toàn quốc chống lại tình trạng phân biệt chủng tộc. Tháng 8/1963, tổ chức do ông đứng đầu đã tiến hành cuộc diễu hành rầm rộ tới thủ đô Washington với mục tiêu đấu tranh vì việc làm và tự do.

Tại thủ đô nước Mỹ, tên tuổi của Martin Luther King đã vươn lên một tầm cao mới khi ông có bài diễn văn bất hủ "Tôi có một giấc mơ" (I have a dream) ngay ở Đài tưởng niệm Lincoln ngày 28/8/1963, mang theo niềm tin về một xã hội tương lai công bằng và bình đẳng, nơi mỗi công dân đều được hưởng quyền sống, quyền tự do và quyền được mưu cầu hạnh phúc. Cuộc tuần hành cùng với bài diễn văn lay động lòng người đã gây áp lực lên chính quyền Mỹ, thúc đẩy việc thông qua Đạo luật Dân quyền đầu tiên tại Quốc hội vào ngày 2/7/1964.

Những hoạt động đấu tranh không mệt mỏi vì quyền lợi của người da màu và chống kỳ thị chủng tộc đã giúp Martin Luther King trở thành một trong những người trẻ nhất đoạt giải Nobel Hòa bình năm 1964, khi ông 35 tuổi. Bài phát biểu nhận giải của ông ở Na Uy cũng gây xúc động mạnh với tuyên bố nổi tiếng: “Tôi tin rằng sự thật không cần vũ khí và tình yêu vô điều kiện sẽ có tác động cuối cùng lên thực tế.

Đó là lý do vì sao lẽ phải dù có tạm thời bị đánh bại vẫn mạnh hơn chiến thắng của điều ác”. Ông bị ám sát vào ngày 4/4/1968, nhưng trong suốt 12 năm đấu tranh, ông đã đi qua nhiều nơi, thực hiện hơn 2.500 bài diễn thuyết để truyền cảm hứng và niềm tin cho cộng đồng.

Martin Luther King được đánh giá là một trong những nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ, cũng như lịch sử đương đại của phong trào đấu tranh bất bạo động. "Tôi có một giấc mơ" thường xuyên xuất hiện trong danh sách những bài diễn văn chính trị xuất sắc nhất nước Mỹ trong thế kỷ 20. Sức mạnh của bài diễn văn là người mục sư da màu đã chạm vào trái tim của người nghe khi ông đề cao quyền bình đẳng, tự do và dân chủ trong xã hội.

50 năm sau ngày Martin Luther King ra đi, những vấn đề mà ông nêu ra vẫn mang tính thời sự, bởi dù nước Mỹ đã đạt được nhiều tiến bộ về quyền của cộng đồng người Mỹ gốc Phi so với hơn nửa thế kỷ trước, song tình trạng phân biệt chủng tộc nói riêng và bất bình đẳng nói chung vẫn đang là vết thương nhức nhối trong xã hội. Vào thời điểm ông còn phải đấu tranh để người da màu có quyền được đi bầu cử, khó có thể tưởng tượng nước Mỹ sẽ có ngày chào đón một vị tổng thống da màu như người dân Mỹ đã lựa chọn luật sư Barack Obama trong cuộc bầu cử năm 2008.

Tuy nhiên, hàng loạt các vụ bạo lực giữa cảnh sát người da trắng nhằm vào người da màu không ngừng làm chao đảo nước Mỹ vài năm trở lại đây. Vụ Michael Brown, 18 tuổi, ở Ferguson, bang Missouri bị cảnh sát da trắng bắn chết tháng 8/2014, hay Alton Sterling, 37 tuổi ở bang Louisiana, và Philando Castile, 32 tuổi ở bang Minnesota cùng thiệt mạng trước mũi súng của cảnh sát vào tháng 7/2016 từng dẫn đến hàng loạt cuộc biểu tình lớn chống phân biệt chủng tộc trên quy mô toàn nước Mỹ.

Bên cạnh đó là các vụ người da màu ở Mỹ bị kỳ thị, phân biệt đối xử, tấn công, thậm chí sát hại, như vụ 9 người Mỹ gốc Phi ở Charleston, bang South Carolina bị một kẻ cực đoan da trắng sát hại ngày 26/6/2015.

Theo một báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu luật người nghèo miền Nam Mỹ (SPLC), một tổ chức phi lợi nhuận chuyên theo dõi các nhóm cực đoan, số lượng các nhóm mang tư tưởng chống người Hồi giáo ở nước Mỹ đã tăng lên gần gấp 3 lần, từ 34 lên tới hơn 100 tổ chức chỉ riêng trong năm 2016.

Hiện các tổ chức có quan điểm cực đoan, bao gồm các nhóm phát xít mới, các tổ chức kỳ thị người da màu, người Hồi giáo và người Do Thái lên tới 1.600 nhóm, gấp đôi so với năm 1999. Năm ngoái, làn sóng bạo động liên quan những người theo chủ nghĩa dân tộc thượng đẳng da trắng ở thành phố Charlottesville bang Virginia càng làm lộ rõ một thực tế rằng vấn nạn phân biệt chủng tộc vẫn là "vết thương nhức nhối" trong lòng xã hội Mỹ.

Giáo sư lịch sử tại Đại học Buffalo, Taylor Branch, cho rằng giấc mơ của Martin Luther King không chỉ bó hẹp trong vấn đề bình đẳng sắc tộc mà là khát khao về một thế giới dựa trên công bằng, bình đẳng về kinh tế, xã hội, chính trị và chủng tộc – nơi mọi cá nhân đều được hưởng một nền giáo dục có chất lượng, có nhà ở tốt, có việc làm với mức lương ổn định, được hưởng chăm sóc sức khỏa. Từ góc nhìn này, nước Mỹ hôm nay vẫn chưa thể hiện thực trọn vẹn giấc mơ của Martin Luther King khi vẫn đang phải đối mặt với tình trạng bất bình đẳng.

Tinh thần của mục sư Martin Luther King hơn 50 năm trước do đó có thể được nhìn thấy trong phong trào phản đối bạo lực của cảnh sát đối với người da màu (Black Lives Matter), phong trào đòi bình đẳng giữa nam và nữ giới (MeToo) hay mới đây nhất là làn sóng phản đối bạo lực súng đạn. Hàng triệu học sinh và những người ủng hộ đã đổ ra các đường phố ở Washington D.C. và nhiều thành phố khác tại Mỹ trong cuộc tuần hành có quy mô toàn quốc lớn nhất nước Mỹ trong gần 2 thập niên trở lại đây để kêu gọi các nhà lập pháp thông qua luật kiểm soát súng đạn chặt chẽ hơn.

Như lời cô Yolanda Renee King, cháu gái của Mục sư Martin Luther King, phát biểu khi tham gia cuộc tuần hành phản đối bạo lực súng đạn vừa qua: "Ông tôi có một mong muốn rằng 4 đứa con của ông sẽ không bị đánh giá bởi màu da thay vì tính cách và kiến thức của mình. Còn tôi, tôi có một mơ ước về một thế giới không có súng đạn”. Chính những ước mơ của thế hệ hôm nay đang tiếp nối "giấc mơ 55 năm trước" của Martin Luther King.

Dẫu ông đã đi xa 50 năm, lời nói của mục sư Martin Luther King từ năm 1963: "Tôi có một giấc mơ" như vẫn văng vẳng đâu đây. Ở nơi nào đó trên Trái Đất còn tồn tại bất công và định kiến, còn những tư tưởng kỳ thị, phân biệt chủng tộc hay bạo lực tôn giáo, thì cuộc đấu tranh vì quyền bình đẳng, công lý và tiến bộ xã hội vẫn còn tiếp tục, và giấc mơ về một thế giới tốt đẹp hơn vẫn hiện hữu.

Phát súng nghiệt ngã ngày 4/4/1968 có thể cướp đi tính mạng của mục sư Martin Luther King, song không thể làm phai nhạt tinh thần, nhiệt huyết, lòng quả cảm, và trên hết là không thể xóa nhòa ước mơ mãnh liệt của con người ưu tú đã cống hiến cả cuộc đời vì sự tiến bộ xã hội. Ước mơ chưa trọn vẹn của Martin Luther King đang được các thế hệ sau viết tiếp, không chỉ bằng tiếng nói đấu tranh mạnh mẽ mà còn bằng những hành động cụ thể./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục