Tổng thống Nga: Chính sách bảo hộ thương mại mới đang kìm hãm kinh tế thế giới

10:54' - 26/05/2018
BNEWS Tổng thống Vladimir Putin cho rằng các biện pháp trừng phạt đang ngày càng bị xem như một công cụ chính trong chính sách thương mại của nhiều quốc gia.
Ngày 25/5 đã diễn ra Phiên toàn thể - sự kiện quan trọng nhất của Diễn đàn kinh tế quốc tế St-Peterburg năm nay với các bài phát biểu của các vị khách mời đặc biệt: Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Pháp Emanuel Macron, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn và Tổng Giám đốc điều hành Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde.

Ngày 25/5 đã diễn ra Phiên toàn thể - sự kiện quan trọng nhất của Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg (SPIEF) năm 2018. Tham dự sự kiện này có các vị khách mời đặc biệt là Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Pháp Emanuel Macron, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn và Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde.
Bám sát chủ đề “Tạo dựng nền kinh tế tin cậy” của diễn đàn năm nay, các đại biểu đã trình bày những phát biểu và cùng thảo luận về việc xây dựng niềm tin trong các mối quan hệ quốc tế nói chung và trong quan hệ kinh tế nói riêng.

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại Diễn đàn.

Tổng thống Vladimir Putin cho rằng các biện pháp trừng phạt đang ngày càng bị xem như một công cụ chính trong chính sách thương mại của nhiều quốc gia, buộc các nước khác cũng phải thích nghi và áp đặt các biện pháp đáp trả. Đây được coi là chính sách bảo hộ thương mại mới, kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế thế giới.
Tổng thống Putin khẳng định giống với mọi quốc gia, Nga ưu tiên lợi ích quốc gia, song Moskva vẫn luôn nhận thức mình là một phần của nền kinh tế thế giới trong "thế giới kết nối".

Ông khẳng định cạnh tranh là tất yếu trong kinh tế, song theo Tổng thống Putin, các quốc gia cần phải tôn trọng lẫn nhau, trên cơ sở đối thoại mang tính xây dựng và cùng có lợi.
Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emanuel Macron cho rằng lòng tin đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, tuy nhiên, thế giới lại đang cho thấy ngày càng nhiều bất đồng, không tin tưởng lẫn nhau.

Ông thừa nhận giữa Nga và Pháp tồn tại nhiều bất đồng, nhưng hai bên cũng có những quan điểm chung trong một số vấn đề và đang tích cực xây dựng lộ trình để thúc đẩy phát triển hợp tác song phương.
Về phần mình, Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde đánh giá cao nền kinh tế Nga trong điều kiện khó khăn vẫn duy trì được nhiều chỉ số tích cực như lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp đều ở mức thấp. Bà Lagarde khẳng định việc các quốc gia sử dụng biện pháp bảo hộ thương mại là một sai lầm, và không ai có thể giành chiến thắng trong một cuộc chiến tranh thương mại.
Đoàn công tác cấp cao Việt Nam do đồng chí Nguyễn Văn Bình - Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế trung ương dẫn đầu, tiếp tục tham gia các hoạt động trong ngày thứ hai của diễn đàn. Trong ngày 25/5, Đoàn đã có cuộc tiếp xúc song phương với Tổng Giám đốc IMF Lagarde, thảo luận về phương hướng hợp tác thời gian tới.
Cũng trong ngày làm việc thứ hai của diễn đàn, Đại sứ Việt Nam tại Nga Ngô Đức Mạnh đã chứng kiến lễ ký kết giữa Nhóm doanh nhân người Việt sinh sống tại thành phố St. Petersburg với chính quyền thành phố dự án sửa chữa, cải tạo tổ hợp khách sạn quy mô hơn 130 phòng ở trung tâm thành phố với vốn đầu tư ban đầu hơn 10 triệu USD.

>>> Nguy cơ Mỹ thiệt hại 1 tỷ USD do các biện pháp đáp trả thương mại của Nga và Nhật Bản

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục