TP. Hồ Chí Minh triển khai các biện pháp để phòng ngừa virus Zika

21:27' - 24/03/2016
BNEWS Do chưa xác định ổ dịch hay nơi chính xác bệnh nhân người Australia bị nhiễm vi rút Zika nên ngành y tế TP. Hồ Chí Minh sử dụng ba giải pháp tổng thể để phòng chống dịch bệnh nguy hiểm này.

TP. Hồ Chí Minh triển khai ba giải pháp tổng thể để phòng chống Zika. Ảnh: Reuters.

Liên quan đến trường hợp một du khách người Australia nhiễm virus Zika sau khi trở về từ Việt Nam, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh cho biết căn cứ vào thời điểm ủ bệnh của bệnh nhân, có khả năng du khách này đã lây nhiễm vi rút Zika tại các điểm đã đi qua ở Việt Nam, trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh.

Do đó, dù chưa xác định chính xác ổ dịch Zika nhưng Thành phố Hồ Chí Minh đã áp dụng trường hợp cảnh báo thứ 2 đó là xác định có ca nhiễm Zika xâm nhập. 

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, trước mắt chưa xác định ổ dịch hay nơi chính xác bệnh nhân người Australia bị nhiễm vi rút Zika nên ngành y tế sử dụng 3 giải pháp tổng thể, bao gồm dịch tễ học, xét nghiệm và can thiệp tổng thể để phòng chống dịch bệnh nguy hiểm này. 

Cụ thể, đối với biện pháp dịch tễ học, ngành y tế tiếp tục phối hợp với các nước để làm rõ đường đi của người bệnh này vào các điểm đã đi qua, để có can thiệp chính xác hơn. Về mặt xét nghiệm, riêng khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Pasteur thành phố phối hợp với Sở Y tế thành phố triển khai giám sát tại 30 điểm nguy cơ trên toàn thành phố. Đối với 24 quận, huyện cùng với các bệnh viện lớn trên địa bàn, ngành chức năng sẽ thực hiện lấy mẫu hàng ngày; trong đó, đặc biệt chú trọng các mẫu có đặc điểm lâm sàng gần giống với Zika như sốt, phát ban…để gửi về Viện Pasteur thành phố làm xét nghiệm truy tìm vi rút Zika. 

Theo nhận định của Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay có nhiều nước nhiễm vi rút này nên nguy cơ xâm nhập vào Thành phố Hồ Chí Minh luôn hiện hữu. Do đó, ngành y tế sẽ tiếp tục giám sát xét nghiệm 100% ca nghi ngờ xâm nhập. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các địa phương thực hiện diệt lăng quăng và phun hóa chất diệt muỗi tại một số nơi trọng điểm có nhiều khách du lịch; tăng cường vận động, tuyên truyền người dân tích cực tham gia vào chiến dịch diệt muỗi, lăng quăng. 

Ngoài ra, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh cũng sẽ phối hợp với Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố và các bệnh viện giám sát các ca bệnh teo não ở trẻ em để phân tích, từ đó có thể phát hiện sớm vi rút Zika và không để dịch lan rộng. Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tập huấn các biện pháp ứng phó và lấy mẫu ca bệnh nghi ngờ nhiễm vi rút Zika cho 30 cơ sở y tế gồm 23 bệnh viện quận huyện và 6 bệnh viện lớn trên địa bàn thành phố. 

Để chủ động phòng chống bệnh do vi rút Zika xâm nhập và lây lan tại nước ta, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau: Phụ nữ có thai hoặc dự định có thai trong vòng 6 tháng tới không nên đến các quốc gia đang có dịch bệnh do vi rút Zika khi không cần thiết. Danh sách các quốc gia lưu hành hoặc ghi nhận vi rút Zika được cập nhật trên website của Cục Y tế dự phòng: http:www.vncdc.gov.vn. 

Bên cạnh đó, người đi, đến, về từ quốc gia đang có dịch bệnh do vi rút Zika chủ động theo dõi sức khỏe trong vòng 12 ngày, nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe hãy đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị. Điện thoại đường dây nóng của Bộ Y tế tiếp nhận các thông tin liên quan đến việc phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika là 0989. 671.115. 

Người trở về từ quốc gia đang có dịch bệnh do vi rút Zika, cần sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục hoặc không quan hệ tình dục với vợ (bạn tình) đang trong quá trình mang thai hoặc dự định có thai để tránh những biến chứng có thể xảy ra đối với thai nhi. 

Người dân cũng cần áp dụng các biện pháp chống muỗi đốt, chủ động diệt muỗi và bọ gậy (lăng quăng); thu dọn các vật dụng phế thải xung quanh nhà như vỏ chai, lon, hộp bia nước ngọt, lốp xe, vật dụng phế thải; thay nước bình bông, bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê ở chân chạn…/. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục