Triển khai Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững

12:50' - 21/12/2016
BNEWS Mục tiêu của Chương trình Nghị sự đến năm 2030 là duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái.
Bà Nguyễn Lệ Thủy, Phó Vụ trưởng, Phó Chánh Văn phòng phát triển bền vững, Vụ Kế hoạch Giáo dục Tài nguyên môi trường phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN.

Sáng 21/12, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội thảo “ Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và cập nhật tình hình triển khai thực hiện ở Việt Nam” nhằm nâng cao nhận thức và cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí về Chương trình Nghị sự 2030.

Thông qua các thông tin báo chí, các nội dung liên quan đến Chương trình Nghị sự 2030 và các mục tiêu phát triển bền vững sẽ được phổ biến sâu rộng và lan tỏa trong xã hội và cộng đồng người dân.

Mục tiêu của Chương trình Nghị sự đến năm 2030 là duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái; quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đồng thời, bảo đảm mọi người dân được phát huy mọi tiềm năng; tham gia và thụ hưởng bình đẳng thành quả của phát triển; xây dựng một xã hội Việt Nam hòa bình, thịnh vượng, bao trùm, dân chủ, công bằng, văn minh và bền vững.

Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Lệ Thủy, Phó Vụ trưởng, Phó Chánh Văn phòng phát triển bền vững, Vụ Kế hoạch Giáo dục Tài nguyên môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, để thực hiện thành công Chương trình Nghị sự 2030 và các mục tiêu phát triển bền vững, việc huy động sự tham gia của tất cả các bên liên quan bao gồm các bộ, ngành, cơ quan từ Trung ương đến địa phương; trong đó, có các cơ quan báo chí, các tổ chức chính trị, xã hội, cộng đồng doanh nghiệp, các đối tác phát triển và toàn thể người dân là hết sức cần thiết. Vai trò của báo chí là hết sức quan trọng trong việc truyền tải thông tin, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc đã được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc diễn ra từ ngày 25-27/9/2015 tại NewYork.

Tại hội nghị, lãnh đạo Nhà nước Việt Nam đã khẳng định, Việt Nam ủng hộ và cam kết sẽ tập trung mọi nguồn lực cần thiết, huy động tất cả các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cộng đồng và người dân để thực hiện thành công Chương trình Nghị sự 2030 và các mục tiêu phát triển bền vững.

Chương trình Nghị sự 2030 đã đưa ra tầm nhìn cho giai đoạn phát triển 15 năm với 17 mục tiêu phát triển bền vững và các hành động tiếp nối. Mỗi quốc gia trên thế giới sẽ đặt ra các mục tiêu phát triển bền vững phù hợp với bối cảnh của quốc gia; đồng thời, quyết định cách thức thực hiện lồng ghép các mục tiêu và chỉ tiêu phát triển bền vững vào quá trình lập kế hoạch và xây dựng các chiến lược, chính sách phát triển của quốc gia.

Trong thời gian qua, Việt Nam đã tích cực tổ chức các hoạt động nhằm triển khai thực hiện Chương trình Nghị sự 2030. Chương trình Nghị sự 2030 đã được đưa vào các Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Quốc hội và Chính phủ.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan và các địa phương, các tổ chức trong và ngoài nước và quốc tế cộng đồng doanh nghiệp xây dựng kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và đã trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 11 vừa qua.

Kế hoạch hành động của Chương trình Nghị sự của Việt Nam gồm 115 mục tiêu. Theo đó, các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam đến năm 2030 bao gồm: chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi; xóa đói, bảo đảm an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững; đảm bảo khả năng tiếp cận nguồn năng lượng bền vững, đáng tin cậy và có khả năng cho trả cho tất cả mọi người; đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững, toàn diện, liên tục; tạo việc làm đầy đủ, năng suất và việc làm tốt cho tất cả mọi người; tăng cường phương thức thực hiện và thúc đẩy đối tác toàn cầu vì sự phát triển bền vững…

Các nhiệm vụ chủ yếu thực hiện trong giai đoạn 2017-2020 là hoàn thiện hệ thống thể chế phát triển bền vững, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về phát triển bền vững quốc gia; tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp, cơ chế chính sách theo hướng điều chỉnh, bổ sung, ban hành mới nhằm đảm bảo khung pháp lý đầy đủ cho việc thực hiện Kế hoạch hành động và các mục tiêu phát triển bền vững.

Kế hoạch hành động này sẽ là căn cứ pháp lý để Việt Nam thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đất nước; đồng thời, thực hiện cam kết với cộng đồng quốc tế, đóng góp có trách nhiệm vào các nỗ lực chung của toàn cầu về phát triển bền vững./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục