Triển vọng chế biến thủy sản xuất khẩu ở Cà Mau

17:55' - 17/11/2017
BNEWS Với quyết tâm thực hiện kim ngạch xuất khẩu đạt 1,1 tỷ USD như kế hoạch đề ra, ngành chế biến thủy sản ở Cà Mau đang ''lội ngược dòng'' để phấn đấu đưa mục tiêu cán đích.
Ngành chế biến thủy sản ở Cà Mau đang ''lội ngược dòng'' để phấn đấu đưa mục tiêu cán đích. Ảnh minh họa: Trung Hiếu/TTXVN

Tính đến giữa tháng 11, giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt gần 900 triệu USD, tăng 8,5% so cùng kỳ. Đây là tín hiệu vui trong điều kiện xuất khẩu thủy sản, nhất là ngành hàng tôm Cà Mau đang phải đối mặt với nhiều rào cản, khó khăn trong việc cạnh tranh hàng hóa trên thị trường quốc tế.
Nếu như những tháng đầu năm, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt thấp thì kể từ đầu quý 3 đến nay, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Cà Mau dồn sức chỉ đạo với nhiều giải pháp quyết liệt; cùng với việc thực hiện chính sách hỗ trợ nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp theo chủ trương của Chính phủ giúp ngành chế biến thủy sản của tỉnh nhanh chóng vượt qua khó khăn, mở ra hướng đi đầy triển vọng.
Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh cho rằng, giá kim ngạch xuất khẩu của tỉnh tăng nhanh vào những tháng cuối năm là do hai yếu tố thuận lợi.

Thứ nhất phải kể đến nguồn nguyên liệu tăng cao, đáp ứng khoảng 60% công suất chế biến tôm xuất khẩu của toàn tỉnh. Người dân trên địa bàn tỉnh phấn khởi do vừa trúng đậm vụ tôm, vừa bán được tôm nguyên liệu với giá rất ổn định.
Hiện, diện tích nuôi tôm công nghiệp của tỉnh đạt trên 9.600 ha; trong đó diện tích ao nuôi tôm siêu thâm canh tăng nhanh, năng suất vượt trội gấp nhiều so với các hình thức nuôi khác.
Đáng lưu ý, nhiều hộ dân đã ứng nuôi ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nuôi tôm siêu thâm canh nên năng suất đạt từ 80 -100 tấn/ha/ vụ nuôi, đây là sản lượng nuôi chưa từng có ở Cà Mau so từ trước tới nay. Nhờ đó, sản lượng tôm chế biến tôm của tỉnh từ đầu năm đến nay đạt gần 150.000 tấn, tăng khoảng 10% so cùng kỳ.
''Các doanh nghiệp chế biến thủy sản ở Cà Mau hiện đang gặp thuận lợi về đầu ra đối với xuất khẩu ngành hàng tôm. Ngoài yếu tố phát triển thị trường xuất khẩu, tiêu thụ hàng hóa ổn định, không phát sinh những khó khăn đột xuất..., các doanh nghiệp rất chú trọng đến việc cải tiến công nghệ sản xuất, mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.

Từ những yếu tố thuận lợi nêu trên, có khả năng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh vượt con số 1,1 tỷ USD'', ông Bằng tự tin nói.
Để phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu, cơ quan chức năng tỉnh đang tập trung chỉ đạo, tăng cường nhiều giải pháp thúc đẩy ngành tôm phát triển theo hướng bền vững. Cùng đó, khuyến khích phát triển nhân rộng mô hình nuôi tôm siêu thâm canh gắn với bảo vệ môi trường và mô hình nuôi tôm đạt năng suất cao nhằm phục vụ chế biến và xuất khẩu.
Bên cạnh việc tăng cường quản lý chất lượng đầu vào, sản phẩm đầu ra để phục vụ cho việc thu mua nguyên liệu, chế biến xuất khẩu, tỉnh cũng lưu ý các nhà máy cần phát huy tối đa công suất có thể để tăng sản lượng chế biến hàng hóa cung ứng cho thị trường xuất khẩu.
Ngoài ra, UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành các quy định nghiêm ngặt nhằm nâng cao hiệu quả quản lý việc nuôi tôm theo quy hoạch, giải quyết tốt các vấn đề liên quan đến điều kiện môi trường, xử lý nước thải, kiểm dịch tôm giống...

Đồng thời, cơ quan chuyên môn chú trọng công tác tập huấn hướng dẫn về kỹ thuật, tăng cường kiểm tra các điều kiện vệ môi trường, quản lý và kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi trên địa bàn./.

>>> Đột phá kinh tế từ chăn nuôi thủy sản theo hướng an toàn sinh học


Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục