Trở ngại trong đàm phán tái cơ cấu nợ của Venezuela

06:30' - 29/11/2017
BNEWS Trang báo mạng tiếng Tây Ban Nha BBC Mundo có bài viết đánh giá về vấn đề "tái cấp vốn và tái cơ cấu nợ" nước ngoài mà Chính phủ của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đang nỗ lực thực hiện.
Fitch và Moody's công bố PDVSA bị vỡ nợ. Ảnh: AFP/TTXVN

Hãng xếp hạng tín nhiệm Standard and Poor's (S&P) đã tuyên bố quốc gia Nam Mỹ này đang ở trong tình trạng "vỡ nợ có chọn lọc". Theo bài viết trên, đây là thuật ngữ S&P đã sử dụng đối với Venezuela sau khi nước này không thể trả nợ trái phiếu toàn cầu đúng hạn.

Bên cạnh đó, các tổ chức đánh giá tín dụng Fitch và Moody's cũng công bố Tập đoàn Dầu khí quốc gia Venezuela (PDVSA) bị vỡ nợ. Cho đến nay, chính phủ nước này vẫn chưa đạt được thỏa thuận thanh toán với các trái chủ nên tình hình trên có thể còn trầm trọng hơn nữa.

Sau khi Tổng thống Maduro thông báo kế hoạch "tái cấp vốn, tái cơ cấu nợ nước ngoài và tất cả khoản chi trả khác”, hai bên đã họp ngày 13/11 vừa qua tại thủ đô Caracas để thảo luận đàm phán lại những cam kết tài chính.

Phát biểu với hãng Reuters, một số đại diện tham dự cho biết cuộc đối thoại trên diễn ra trong hơn 4 giờ, nhưng phía Chính phủ Venezuela không đưa ra bất cứ đề xuất giải pháp cụ thể nào. Một trong số những nhà đầu tư cho biết "Chẳng có gì đưa ra ở đây và cơ hội đã bị bỏ lỡ".

Trước đó một ngày, phát biểu trong một chương trình truyền hình trực tiếp, Tổng thống Maduro nhấn mạnh sẽ không có việc Venezuela bị vỡ nợ. Tuy nhiên trong cuộc họp trên, Chính phủ nước Nam Mỹ này đã không đạt được thỏa thuận tái cơ cấu khoản vay trái phiếu lên tới 60 tỷ USD, tương đương với 40% tổng số tiền vay nước ngoài của Caracas.

Do vậy, S&P đã tuyên bố Venezuela "vỡ nợ có chọn lọc" sau khi quốc gia này không thể trả được 200 triệu USD hai loại trái phiếu đã quá thời gian ân hạn vào ngày 12/11 vừa qua. Ngoài ra, Caracas cũng chậm thanh toán 4 loại trái phiếu khác dù khoản vay đó vẫn trong giai đoạn ân hạn.

Phóng viên khu vực Nam Mỹ của BBC, Katy Watson đã phân tính vấn đề nghiêm trọng trong các khoản nợ của Venezuela và những lựa chọn của Tổng thống Maduro.

Trong thông điệp ngày 12/11 vừa qua, Tổng thống Maduro tuyên bố Venezuela sẵn sàng "tái cấp vốn và tái cơ cấu" tất cả khoản vay nước ngoài. Caracas sẽ thương lượng lại điều kiện để thanh toán với các chủ nợ. Theo ông Maduro, Venezuela đang phải đối mặt với khó khăn trên do lệnh trừng phạt của Mỹ đối với các quan chức cấp cao của nước này.

Tuyên bố của người đứng đầu nhà nước Nam Mỹ nhằm "đấu tranh chống lại đàn áp về tài chính" của Washington. Caracas nợ trái phiếu nước ngoài 60 tỷ USD do Chính phủ và PDVSA phát hành. Tuy nhiên, tổng số tiền vay trên của nhiều nước như Nga và Trung Quốc thậm chí lên tới trên 140 tỷ USD.

Trở ngại chính trong đàm phán tái cơ cấu nợ của Venezuela là lệnh trừng phạt của Washington. Biện pháp đó ngăn cấm công dân Mỹ hợp tác kinh doanh với những quan chức cấp cao của chính quyền Venezuela có tên trong "danh sách đen" đang chịu lệnh cấm vận của Nhà Trắng.

Phó Tổng thống Tareck El Aissami và Bộ trưởng Kinh tế Simon Zerpa là hai nhân vật được Tổng thống Maduro tin tưởng giao phó đảm nhiệm việc thương lượng tái cơ cấu nợ, lại đang nằm trong danh sách đề cập. Bộ Ngoại giao Mỹ cáo buộc ông Aissami buôn bán ma túy, trong khi Bộ trưởng Zerpa bị cáo buộc tham nhũng và chống nền dân chủ.

Do đó, những công dân Mỹ vi phạm có thể bị phạt tù tới 30 năm và bị phạt tiền lên tới 5 triệu USD, và số tiền này có thể lên tới 10 triệu USD đối với các tổ chức.

Giám đốc Trung tâm quản lý quỹ đầu tư thuộc Tập đoàn Ashmore, Jan Dehn cho biết "Đàm phán nợ trực tiếp với Chính phủ Venezuela được coi như hành vi vi phạm lệnh trừng phạt và bất hợp pháp.

Tôi không tin rằng nhiều nhà quản lý sẵn sàng chấp nhận rủi ro để thương lượng, đặc biệt nếu trụ sở của họ đặt tại Mỹ”. Trên thực tế, tại cuộc họp ở Caracas, một vài đại diện tham dự đã phải ở trong phòng bên cạnh để tránh gặp riêng Phó Tổng thống El Aissami và Bộ trưởng Zerpa.

Chính phủ Venezuela khẳng định giá dầu xuống thấp làm mọi việc trở nên khó khăn, đồng thời đổ lỗi cho "cuộc chiến tranh kinh tế" của phe đối lập và các biện pháp trừng phạt của Mỹ đã gây ra nhiều vấn đề rắc rối cho nước này. Dầu mỏ là nguồn thu ngoại tệ chính, chiếm 95% tổng kim ngạch xuất khẩu của Venezuela. Giá và sản lượng dầu giảm là đòn giáng mạnh vào nền kinh tế của quốc gia Nam Mỹ này.

Luis Vicente Leon- Giám đốc Công ty nghiên cứu khảo sát về nhân quyền Datanalisis- ước tính kim ngạch xuất khẩu dầu mỏ của Venezuela hiện nay chỉ bằng 1/4 so với năm 2012.

Theo ông Leon, "Doanh thu bổ sung từ dầu mỏ là cái gì đó đôi khi thu được, nhưng không nên coi đây là nguồn thu sẽ tồn tại mãi mãi. Tiền cần phải được đầu tư để tạo lợi nhuận lâu dài như đầu tư vào giáo dục, hạ tầng và cải thiện dịch vụ y tế. Tuy nhiên, Venezuela vẫn chưa làm được gì tương tự như vậy".

Người dân xếp hàng mua lương thực và đồ gia dụng tại siêu thị ở Caracas, Venezuela ngày 10/11. AFP/TTXVN

Có khả năng Venezuela không thể đạt được thỏa thuận về chi trả nợ như thế nào trong tương lai. Các chủ nợ nước ngoài của Venezuela tham dự cuộc họp tại Caracas cho biết, nhiều đại diện nước này chính thức yêu cầu giúp đỡ để tránh bị ảnh hưởng bởi biện pháp trừng phạt của Mỹ, khiến họ gặp khó khăn trong việc sử dụng hệ thống thanh toán quốc tế. Chính phủ nước Nam Mỹ này tái khẳng định mong muốn tiếp tục trả tiền vay, nhưng không cho biết chi tiết thực hiện như thế nào.

Theo Giám đốc Công ty Datanalisis, trước đó, Venezuela luôn muốn trả khoản vay của các nhà đầu tư nước ngoài vì lo ngại rơi vào tình trạng vỡ nợ. "Để có thể chi trả số tiền, Venezuela phải ngừng thanh toán hàng nhập khẩu".

Do Caracas phải mua thực phẩm và thuốc men từ nước ngoài, quốc gia này hiện rất khó xử trong việc sử dụng tiền để mua hàng hóa đáp ứng nhu cầu cho người dân trong nước hay là trả nợ. Tình hình trên còn phức tạp hơn nữa vì lượng dự trữ ngoại tệ đã không còn được bổ sung từ một năm nay, trong khi Venezuela rất cần USD để mua lương thực, thuốc men và nhiều mặt hàng khác.

Chuyên gia Leon cảnh báo nếu Caracas không trả được nợ, ngành dầu khí Venezuela có thể bị cấm trên thị trường quốc tế. Nếu việc đó xảy ra, "Venezuela sẽ không thu được USD và nếu không có USD, nước Nam Mỹ này cũng chẳng có lương thực".

Risa Grais-Targow - chuyên gia của hãng tư vấn rủi ro địa chính trị Eurasia Group- tin rằng nếu Tổng thống Maduro chọn cách không thanh toán nợ nước ngoài để dành tiền mua thực phẩm và thuốc men, hành động này có thể giúp ông lấy lại lòng yêu mến của nhân dân trong thời gian ngắn.

Bên cạnh đó, Tổng thống Maduro cũng có thể đưa ra một quyết định chung, dành tiền chủ yếu để chi trả nợ các khoản mục xã hội, góp phần giúp ông củng cố vị trí trong cuộc bầu cử tổng thống dự kiến diễn ra vào năm tới.

Theo chuyên gia Targow, "Với sự hỗn loạn hiện nay trong phe đối lập, ông Maduro đang tương đối thoải mái. Nếu Chính phủ Venezuela chọn cách không thanh toán nợ nước ngoài, việc giảm bớt được khả năng đó sẽ tạo thêm hình ảnh cho ông trong cuộc vận động bầu cử tới".

Tuy nhiên, chuyên gia Dehn của Tập đoàn Ashmore để ngỏ khả năng Tổng thống Maduro có thể giữ được vị trí nếu Venezuela bị vỡ nợ. "Đây sẽ là rủi ro lớn ảnh hưởng tới tín nhiệm của chính phủ". Theo ông Dehn, quốc gia Nam Mỹ này có thể bị rơi vào tình trạng hầu như không có nguồn thu tài chính nào./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục