Tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2018: Tìm hướng đi cho các trường Sư phạm

15:55' - 16/03/2018
BNEWS Trong mùa tuyển sinh năm học 2017-2018, có những học sinh chỉ được 3 điểm/môn thi có thể đỗ vào trường Sư phạm đã khiến dư luận băn khoăn về chất lượng giáo dục những người thầy tương lai.

Vì vậy, Quy chế tuyển sinh sửa đổi mới ban hành có nêu rõ là từ năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với nhóm ngành Sư phạm. Tuy nhiên, điều khiến các trường trăn trở là việc thắt chặt đầu vào trong bối cảnh học sinh không mấy “mặn mà” với ngành Sư phạm sẽ khiến các trường càng gặp khó khăn khi tuyển sinh.

*“Quay lưng” với ngành Sư phạm

Tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2018: Tìm hướng đi cho các trường Sư phạm. Ảnh: BNEWS

Trong Ngày hội tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp diễn ra tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội mới đây có thể nhận thấy tình trạng vắng vẻ, đìu hiu tại các gian tư vấn khối ngành Sư phạm. Ngay cạnh đó lại là cảnh chen chúc, chờ đợi để đến lượt tư vấn tại khối ngành Kinh tế, Kỹ thuật. Có lẽ, khó xin việc là lý do chính khiến học sinh và phụ huynh từ chối ngành học này.

Em Hồ Thị Hà, Trường Trung học Phổ thông Hữu Nghị T78 (Phúc Thọ - Hà Nội) chia sẻ: Lúc nhỏ, em cũng có ước mơ sẽ trở thành cô giáo. Nhưng từ khi vào học Trung học Phổ thông, em đã từ bỏ ý định thi vào ngành Sư phạm vì em nghĩ khó có khả năng xin được việc.

Em Bàn Thị Mai (Hà Nội) cho rằng: Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định học sinh giỏi mới được xét vào Đại học Sư phạm là đúng. Tuy nhiên, như trường em, khá nhiều học sinh giỏi không lựa chọn sư phạm mà ưu tiên khối ngành Kinh tế, Y học…. Bản thân Mai cũng đắn đo rất nhiều bởi vẫn phải đảm bảo đầu ra làm việc sau này.

Theo thống kê của Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai, trường đứng thứ 4 trong bảng xếp hạng các trường công lập tại Hà Nội về điểm đầu vào trong năm 2017 - 2018, chỉ có 2% học sinh đăng ký dự thi ngành Sư phạm. Các thầy cô, khi tư vấn hướng nghiệp cho học sinh cũng khuyên các em nên lựa chọn ngành nghề khác.

Cô Vũ Việt Nga, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai (Hà Nội) chia sẻ: "Chúng tôi dù yêu nghề nhưng cũng lo cho học sinh. Nếu các em đăng ký vào Sư phạm, học xong 4 năm, cơ hội để đứng trên bục giảng là bao nhiêu? Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lo đảm bảo chất lượng đầu vào các trường Sư phạm, nhưng điều cần nhất mà mọi người quan tâm hiện nay là đầu ra. Như năm trước, 2% học sinh đăng ký vào Sư phạm ở trường đều không phải những học sinh xuất sắc”...

Tình trạng thí sinh ngày càng "nói không" với ngành Sư phạm đã tái diễn trong nhiều năm gần đây. Điều này khiến cho nhiều trường Đại học, Cao đẳng Sư phạm trong mùa tuyển sinh năm 2017 đã phải lấy xuống mức điểm thấp kỷ lục. Lo ngại về chất lượng đội ngũ giáo viên tương lai, trong quy chế tuyển sinh mới, Bộ Giáo dục và đào tạo ban hành quy định, từ năm 2018, các trường Sư phạm muốn xét tuyển ở đại học phải đảm bảo là học sinh có học lực giỏi. Nhiều trường coi đây là một động thái tốt của Bộ về việc đảm bảo chất lượng cho ngành đặc biệt này.

*Băn khoăn về “đầu ra”

Ông Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng: Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với khối ngành Sư phạm là điều cần thiết để nâng cao chất lượng đội ngũ thầy cô giáo.

Tuy nhiên, điều khiến nhiều trường băn khoăn là Bộ mới chỉ thắt chặt được “cửa vào” mà chưa tính đến “cửa ra”. Đặc biệt mới đây nhất, vụ cho thôi việc 500 giáo viên tại Đắk Lắk không chỉ khiến cho dư luận hoang mang mà có thể dẫn đến việc, các trường Sư phạm không tuyển sinh được người học.

Ông Đặng Lộc Thọ, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương nhận định: Khi tuyển sinh khó khăn sẽ dẫn đến khó khăn chung cho các trường Sư phạm. Vì vậy, nếu không làm có lộ trình, chính sách hiệu quả đi kèm thì không thể giải quyết được vấn đề. Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa bao giờ thống kê tổng số giáo viên cần ở từng chuyên ngành, từng vùng miền để đào tạo đúng số lượng, không dư thừa. Sở dĩ việc đào tạo xảy ra thừa, thiếu cục bộ một phần là do chưa tính toán đầy đủ.

Ba tháng nữa, các thí sinh sẽ bước vào kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia. Các trường Sư phạm cũng không còn nhiều thời gian để tìm hướng đi cho mùa tuyển sinh mới. Lời hứa về kiểm duyệt chất lượng đầu vào đối với các trường Sư phạm đang được Bộ Giáo dục và đào tạo thực hiện, nhưng bài toán về đảm bảo đầu ra cho các sinh viên Sư phạm và để họ sống được với nghề vẫn chưa có đáp án.

Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, Vụ trưởng Vụ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết: Việc quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với ngành Sư phạm là một trong những giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo của ngành. Điều này có thể khiến số lượng trúng tuyển, đăng ký xét tuyển vào nhóm ngành này ít đi.

Do đó, năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ cùng với các bộ, ban, ngành khảo sát nhu cầu sử dụng giảng viên của địa phương, tổng hợp thành nhu cầu toàn quốc trong 6 năm tới. Đồng thời, chỉ tiêu tuyển sinh sẽ được khống chế bằng hoặc thấp hơn nhu cầu tuyển dụng để đảm bảo sinh viên ra trường có việc làm đạt tỷ lệ cao hơn.

Ngoài việc khảo sát thị trường lao động để có định hướng đào tạo cho các ngành Sư phạm, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang cùng các trường khảo sát thông tin để quy hoạch mạng lưới các trường Sư phạm.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Kim Phụng nhận định: Khi chỉ tiêu tuyển sinh đã căn cứ vào nhu cầu sử dụng lao động có nghĩa là tỷ lệ việc làm sau khi học sẽ đảm bảo hơn. Đây cũng là yếu tố để thu hút sinh viên giỏi vào trường Sư phạm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục