Việt Nam cam kết thúc đẩy cơ chế pháp lý về hòa giải thương mại

17:01' - 07/03/2018
BNEWS Trong thời gian gần đây, hoà giải thương mại đã từng bước đã được luật hoá tại Việt Nam, nên kỳ vọng sắp tới hòa giải thương mại sẽ được khuyến khích và thúc đẩy mạnh mẽ hơn tại Việt Nam.

Ngày 7/3, tại Hội thảo quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam và kinh nghiệm thực tiễn quốc tế về hoạt động hòa giải thương mại, do Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), thuộc Nhóm Ngân hàng Thế giới (Wold Bank Group) phối hợp với Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, bà Nina Mocheva, Chuyên gia Tài chính cao cấp, Bộ phận Nâng cao tính sáng tạo, cạnh tranh và phát triển thị trường tài chính (Wold Bank Group) đánh giá, Việt Nam luôn cam kết và thúc đẩy các cơ chế pháp lý về hòa giải thương mại. Đồng thời, tăng cường giải quyết các vụ việc tranh chấp bằng hòa giải thương mại trong những năm qua.

Theo bà Nina Mocheva, ngày càng có nhiều đối tác Việt Nam, kể cả các tổ chức, cá nhân và cơ quan quản lý Nhà nước tham gia cũng như cam kết với Wold Bank Group về đẩy mạnh các giải pháp giải quyết tranh chấp thương mại theo những phương thức hòa giải thương mại dựa trên cơ sở pháp lý.

Thời gian vừa qua, Việt Nam đã và đang không ngừng hoàn thiện thể chế pháp luật, khuyến khích các bên tranh chấp sử dụng hòa giải thương mại để giải quyết tranh chấp ở lĩnh vực thương mại và các tranh chấp khác mà pháp luật quy định được giải quyết bằng hòa giải thương mại. Đồng thời, huy động các nguồn lực tham gia hoạt động hòa giải thương mại, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực hòa giải viên thương mại tổ chức hòa giải thương mại.

Riêng VIAC, đang là một trong những đơn vị đi đầu xây dựng cơ sở nền tảng cho lĩnh vực hòa giải thương mại thông qua Bộ quy tắc dành cho hòa giải viên của VIAC.

Tính đến nay, thông qua Trung tâm VIAC, đã có 19 vụ giải quyết bằng hòa giải thương mại và các doanh nghiệp trong cũng như ngoài nước trong các vụ việc vẫn tiếp tục duy trì được mối quan hệ thương mại với nhau.

Ông Vũ Xuân Phong, Phó Chủ tịch VIAC cho rằng, hoạt động thương mại, đầu tư ngày càng phát triển tại Việt Nam, đồng nghĩa với việc phát sinh các vụ việc tranh chấp thương mại cũng tăng lên, nên cần có những phương thức hòa giải thương mại hiệu quả trên cơ sở quy định pháp luật.

Bên cạnh đó, hiện nay ở nhiều quốc gia luôn khuyến khích các doanh nghiệp giải quyết vụ việc tranh chấp thương mại bằng hòa giải thương mại, do đó chính sách của Việt Nam không nằm ngoài xu hướng này trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Liên quan đến hành lang pháp lý đối với lĩnh vực hòa giải thương mại, ông Nguyễn Mạnh Dũng, chuyên gia hòa giải thương mại cho hay, Nghị định 22/2017/NĐ-CP về hòa giải thương mại quy định nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại, là các bên tranh chấp tham gia hòa giải hoàn toàn tự nguyện và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ; trong đó, các thông tin liên quan đến vụ việc hòa giải phải được giữ bí mật, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác.

Bên cạnh đó, nội dung thỏa thuận hòa giải không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ, không xâm phạm quyền của bên thứ ba.

Còn ông Nguyễn Công Phú, Phó Chánh toà, Toà Kinh tế, Toà án nhân dân Tp. Hồ Chí Minh, nhấn mạnh thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án được quy định tại Chương XXXIII Phần thứ 6 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, bao gồm 4 điều, từ Điều 416 đến Điều 419. Có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016.

Đây là những quy định hoàn toàn mới mà Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (kể cả Luật sửa đổi, bổ sung năm 2011) cũng như các văn bản quy phạm pháp luật khác trong lĩnh vực tố tụng dân sự được ban hành trước đây chưa đề cập tới.

Ngoài ra, cần lưu ý là kết quả hòa giải thành được Tòa án công nhận theo thủ tục nói trên là kết quả của việc hòa giải được thực hiện ngoài Tòa án (không phải do Thẩm phán tiến hành) và thủ tục công nhận được áp dụng chung cho các loại tranh chấp, không chỉ riêng tranh chấp thương mại./.

>>>Quy định chung đối với Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục