Việt Nam chuyển mục tiêu từ phòng chống đến loại trừ sốt rét

08:31' - 24/04/2018
BNEWS Bộ Y tế đang triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm phòng tránh nguy cơ bệnh sốt rét bùng phát trở lại.
Xét nghiệm sinh hóa cho người bệnh tại Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN

Tại Việt Nam, năm 2017, số trường hợp mắc bệnh sốt rét giảm 35,4 % so với năm 2016. Tuy nhiên, khu vực miền Trung-Tây Nguyên vẫn là vùng lưu hành sốt rét cao nhất toàn quốc, hàng năm số bệnh nhân sốt rét chiếm gần 50%, ký sinh trùng sốt rét chiếm 75%, số bệnh nhân sốt rét ác tính và tử vong do sốt rét chiếm tỷ lệ cao trong cả nước.

Trước tình hình đó, Bộ Y tế đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm phòng tránh nguy cơ bệnh bùng phát trở lại.
Số trường hợp mắc sốt rét vẫn cao
Theo Báo cáo sốt rét thế giới năm 2017 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sau những thành công trên toàn cầu về kiểm soát sốt rét, tiến trình đã bị đình trệ. Trong năm 2016, ước tính toàn cầu có thêm khoảng 5 triệu ca mắc sốt rét so với năm 2015.

Tử vong do sốt rét ở mức khoảng 445.000 ca, tương tự năm 2015. Báo cáo cho thấy trong năm 2016, ước tính có khoảng 216 triệu ca mắc sốt rét ở 91 quốc gia, so với 211 triệu trường hợp trong năm 2015. Như vậy, nếu không có hành động khẩn cấp, các quốc gia có nguy cơ bị lạc hậu và bỏ lỡ các chỉ tiêu về bệnh sốt rét toàn cầu vào năm 2020 và các năm tiếp theo.
Bộ Y tế cho biết: Ghi nhận đến tuần 14 của năm 2018, cả nước có 1.702 trường hợp mắc sốt rét; so với cùng kỳ 2017 tăng 7,45% (1.584 trường hợp). Trong đó, các tỉnh khu vực Tây Nguyên và Bình Phước là những tỉnh trọng điểm có số người mắc cao, duy trì số mắc sốt rét cao so với các tỉnh còn lại. Khu vực miền Trung, miền Bắc số mắc giảm.

Cụ thể là: Bình Phước có 738 ca mắc, tăng 0,7 lần so với cùng kỳ năm 2016; Gia Lai có 201 trường hợp mắc, tăng 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2016; Đắk Lắk 89 ca mắc, tăng 1,6 lần và Đắk Nông có 78 ca mắc, tăng 0,3 lần so với cùng kỳ năm 2016.
Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cũng cho biết: Số bệnh nhân mắc sốt rét ở nước ta vẫn ở mức cao, hàng năm ghi nhận trung bình khoảng 30.000 trường hợp; trong đó hơn 100 trường hợp sốt rét ác tính và gần 10 trường hợp tử vong do sốt rét.

Nguyên nhân là do nước ta nằm trong vùng nhiệt đới, điều kiện khí hậu thuận lợi cho côn trùng gây bệnh tồn tại và phát triển. Muỗi truyền bệnh sốt rét, sốt xuất huyết có mặt ở 63/63 tỉnh, thành phố. Công tác phòng chống côn trùng bao gồm phòng chống muỗi truyền bệnh sốt rét, bệnh sốt xuất huyết và các côn trùng truyền bệnh khác còn gặp nhiều khó khăn.

Đặc biệt, trong bối cảnh biến đổi bất thường của khí hậu toàn cầu, côn trùng gây bệnh xuất hiện nhiều loài, thay đổi tập tính trú đậu ngoài nhà, trong nhà; muỗi sốt rét và muỗi sốt xuất huyết kháng hóa chất diệt tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh…
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), hoạt động phòng chống bệnh sốt rét hiện nay đang gặp nhiều thách thức. Sốt rét hiện nay tập trung ở những địa bàn gặp nhiều khó khăn, nhận thức của người dân về phòng chống sốt rét còn hạn chế.

Sự gia tăng tình trạng di biến động dân cư từ vùng không có lưu hành sốt rét vào vùng lưu hành sốt rét, giao lưu, đi lại của lao động Việt Nam đến các quốc gia có lưu hành sốt rét (như: châu Phi, Lào, Campuchia… làm gia tăng nguy cơ mắc và lan rộng sốt rét và ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc tại Việt Nam.

Ngoài ra còn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu dẫn đến muỗi thay đổi tập tính, kháng hóa chất diệt; sự thiếu quan tâm của các cấp chính quyền và người dân dẫn đến nguy cơ dịch sốt rét quay trở lại ở một số vùng khi miễn dịch sốt rét không bền vững.
Mặt khác, ngân sách nhà nước đầu tư cho công tác phòng chống sốt rét giảm mạnh trong những năm gần đây. Ngoài ra, hoạt động phòng chống sốt rét không thu hút được cán bộ có trình độ chuyên môn cao do thu nhập thấp; phụ cấp cho cán bộ thực hiện hoạt động giám sát, phun tẩm hóa chất thấp...
Tăng cường quản lý, tiếp cận với các nhóm đối tượng nguy cơ
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu khẳng định: Trước diễn biến sốt rét ở một số vùng, Cục đã thành lập đoàn kiểm tra, giám sát làm việc với tỉnh Bình Phước về phòng chống sốt rét với sự tham gia của Văn phòng UBND tỉnh, sở y tế, các ban, ngành liên quan và các huyện có sốt rét gia tăng.

Các Viện Sốt rét-Ký sinh trùng- Côn trùng đã thành lập các đoàn giám sát đến địa phương có sốt rét gia tăng để phối hợp với ngành y tế địa phương điều tra nguyên nhân gia tăng, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật, đề xuất các biện pháp phòng chống.

Đồng thời, các địa phương đã có văn bản chỉ đạo tăng cường các biện pháp phòng chống sốt rét ở các điểm nóng; thành lập đoàn công tác xuống điểm nóng về sốt rét để chỉ đạo, thực hiện các hoạt động phòng chống.
Thời gian tới, ngành y tế sẽ tăng cường các hoạt động giám sát phát hiện sớm, điều trị kịp thời các trường hợp mắc sốt rét tại các vùng trọng điểm nhằm ngăn chặn bùng phát thành dịch.

Đồng thời, ngành tăng cường truyền thông về phòng chống sốt rét cho nhân dân vùng trọng điểm; thực hiện quản lý, tiếp cận với các nhóm đối tượng nguy cơ như: lao động thời vụ, người dân địa phương đi rừng ngủ rẫy, khai thác gỗ và lâm sản, công nhân lâm nghiệp, cán bộ quản lý rừng, người dân qua lại Campuchia để truyền thông các biện pháp phòng chống.

Đồng thời, ngành y tế cung cấp màn, võng, kem xua muỗi, thuốc điều trị; cấp thuốc tự điều trị cho người đi rừng, ngủ rẫy; bảo đảm người bị bệnh sốt rét và người có nguy cơ mắc bệnh sốt rét được tiếp cận với các dịch vụ chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.
Theo Viện trưởng Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương Trần Thanh Dương: Ngày sốt rét thế giới (25/4) nằm nay có chủ đề “Sẵn sàng đánh bại sốt rét” nhằm thống nhất mục tiêu chung về một thế giới không sốt rét; cảnh báo xu hướng lo ngại về tình hình sốt rét như Báo cáo sốt rét thế giới năm 2017 đã nêu.
Việt Nam đã chuyển từ hoạt động phòng chống sang phòng chống và loại trừ sốt rét. Mục tiêu Chiến lược quốc gia phòng chống và loại trừ sốt rét giai đoạn 2011 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 ở Việt Nam là đảm bảo tất cả người dân đều được tiếp cận với chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời và hiệu quả tại các cơ sở y tế; những người có nguy cơ mắc sốt rét được bảo vệ bằng cách phù hợp.
Thời gian tới, Viện sẽ đẩy mạnh công tác phòng chống sốt rét, tập trung vào vùng trọng điểm; hoàn thiện phòng xét nghiệm ký sinh trùng, vi sinh đạt tiêu chuẩn ISO; tiếp tục tăng cường năng lực cho khoa Khám bệnh chuyên ngành, bổ sung cán bộ, trang thiết bị, cơ sở vật chất; xây dựng mở rộng khu khám và điều trị bệnh.

Đồng thời, Viện sẽ nâng cao năng lực chuyên môn cho các Trung tâm tuyến tỉnh, tuyến huyện để thực hiện công tác giám sát, phát hiện, điều trị kịp thời bệnh sốt rét, ký sinh trùng, côn trùng
Để phòng bệnh sốt rét hiệu quả, Bộ Y tế khuyến cáo: Hiện nay, chưa có vắc xin phòng ngừa sốt rét, chính vì vậy việc phòng chống muỗi truyền bệnh vẫn được xem là biện pháp hữu hiệu nhất. Có nhiều phương pháp khác nhau để phòng chống muỗi truyền bệnh sốt rét (như: diệt muỗi bằng hóa chất hoặc ngăn sự tiếp xúc giữa người và muỗi truyền bệnh).
Ở các vùng có bệnh sốt rét lưu hành, người dân cần mặc quần dài, áo tay dài khi đi làm nương, làm rừng, bôi thuốc xua muỗi lên những nơi da hở, đốt hương muỗi, dọn dẹp nhà cửa gọn gàng…

Người dân cũng có thể làm cửa lưới, mành rèm chống muỗi ở các cửa sổ để giảm tối đa sự xâm nhập của muỗi vào nhà. Điều quan trọng nhất, hữu hiệu nhất để phòng chống sốt rét hiện nay là phải ngủ màn thường xuyên, màn phải được tẩm hóa chất và phun hóa chất diệt muỗi.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục