Việt Nam có nên mua điện có điều kiện từ Lào và Campuchia?

19:14' - 02/12/2017
BNEWS Theo gợi ý của đại diện Trung tâm Stimson, Việt Nam cần tăng cường hợp tác với Lào và Campuchia để thúc đẩy lập kế hoạch cấp khu vực đầu tư vào năng lượng tái tạo và mua bán điện xuyên biên giới.
Quang cảnh tọa đàm "Vai trò, tiềm năng của quy hoạch nước và năng lượng ở cấp độ hệ thống trong việc gìn giữ Đồng bằng sông Cửu Long". Ảnh: Ngọc Thiện - TTXVN

Ngày 2/11, tại thành phố Cần Thơ, Chương trình Kết nối lưu vực Mê Kông bao gồm Trung tâm Stimson phối hợp với Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN) Việt Nam, Trường đại học California Benkeley và Học viện Ngoại giao đã tổ chức buổi Tọa đàm với chủ đề "Vai trò tiềm năng của quy hoạch nước và năng lượng ở cấp độ hệ thống trong việc gìn giữ Đồng bằng sông Cửu Long".

Vấn đề được các nhà khoa học, các tổ chức quốc tế quan tâm thảo luận nhiều nhất tại buổi tọa đàm đó là Việt Nam có nên mua điện có điều kiện từ Lào và Campuchia như theo đề xuất của các tổ chức quốc tế.

Theo gợi ý của ông Brian Eyler, của Trung tâm Stimson, Việt Nam cần tăng cường hợp tác với Lào và Campuchia để thúc đẩy lập kế hoạch cấp khu vực đầu tư vào năng lượng tái tạo và mua bán điện xuyên biên giới.

Việt Nam cần tăng cường mua điện từ Lào và Campuchia để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của Việt Nam, giảm phát thải cac-bon nhờ giảm nhu cầu xây dựng thêm các nhà máy điện than, tăng cường cơ hội đầu tư của Việt Nam tại Lào và Campuchia, tăng cơ hội việc làm và hợp tác quốc tế.

Việc đầu tư mua điện từ Lào và Campuchia sẽ làm giảm số lượng các đập thủy điện sẽ phát triển trong tương lai tại khu vực sông Mê Kông, giảm đáng kể các nguy cơ về sinh thái, xã hội và chính trị đối với Việt Nam và giảm sức ép lên Đồng bằng sông Cửu Long.

Cũng theo ông Brian Eyler, vì nhu cầu điện năng của Việt Nam tăng hàng năm từ 10-12% và lượng điện tiêu thụ đến năm 2030 sẽ tăng gấp 3 lần hiện nay, Việt Nam là quốc gia hạ nguồn không còn khả năng phát triển thủy điện.

Việt Nam cần phải đầu tư vào Lào và Campuchia với tỷ trọng tương đương như Thái Lan và Trung Quốc và cần tận dụng cơ hội này để nổi lên như quốc gia đi đầu khu vực về phát triển bền vững....

Gợi ý của ông Brian Eyler đã vấp phải sự phản ứng của các nhà khoa học, nghiên cứu của Việt Nam.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, Chuyên gia nghiên cứu độc lập cho rằng, Việt Nam đang có cơ hội giảm sử dụng năng lượng rất nhiều nếu như được cải tạo cơ sở hạ tầng đường truyền tải điện đang bị lạc hậu sẽ tạo ra nguồn năng lượng rất lớn.

Đồng thời, hiện nay Việt Nam đang hướng tới nền kinh tế xanh nhiều hơn là nền kinh tế "bê tông cốt thép" như trước đây, đặc biệt là sau hội nghị của Chính phủ về phát triển Đồng bằng sông Cửu Long một cách bền vững vào cuối tháng 9/2017 vừa qua tại Cần Thơ theo định hướng phát triển xanh thích ứng với biến đổi khí hậu; đồng thời Chính phủ cũng đang chỉ đạo triển khai lắp đặt thí điểm hệ thống điện năng lượng mặt trời ở một số địa phương cho thấy rất có hiệu quả.

Thay vì mua điện từ Lào, theo ông Thiện, Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn cho năng lượng tái tạo trong nước để không phải hao phí về đường truyền tải, tạo an ninh năng lượng không bị phụ thuộc nước ngoài. Và sắp tới Việt Nam vẫn phải tiếp tục đi theo con đường của thế giới là tăng cường đầu tư vào năng lượng tái tạo vì đây sẽ là nguồn năng lượng chính của nhân loại trong thế kỷ 21.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ, giá bán điện của Lào cho Việt Nam không hề rẻ hơn giá bán điện cho Thái Lan hiện nay, trong khi ước tính chi phí làm đường dây truyền tải điện từ Lào về Việt Nam là từ 10.000 đến 15.000 USD/km đường dây.

Ở những vùng hiểm trở thuộc dãy Trường Sơn thì chi phí này còn cao hơn. Ngoài ra, để làm đường dây tải điện từ Lào về Việt Nam thì nhiều cánh rừng sẽ tiếp tục bị tàn phá và việc bảo dưỡng cho đường truyền tải sẽ rất tốn kém, rủi ro rất lớn.

Theo ông Tuấn, Đồng bằng sông Cửu Long có rất nhiều điều kiện, triển vọng để phát triển khai thác nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện sinh khối để giảm bớt tác động, phục vụ cho nhu cầu phát triển nông nghiệp, thủy sản của vùng.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục