Việt Nam khó đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế khi năng suất giảm

17:41' - 15/05/2017
BNEWS Năng suất là nền tảng của GDP, do đó tốc độ tăng trưởng năng suất cao thì tốc độ tăng trưởng GDP cao.

Con đường tăng trưởng bền vững của nền kinh tế Việt Nam về dài hạn là phải có giải pháp để cải thiện tốc độ tăng trưởng năng suất, vốn đang có xu hướng giảm.

Việt Nam khó đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế khi năng suất giảm. Ảnh: Hoàng Nguyên - TTXVN

Đây là vấn đề được đặt ra tại Tọa đàm "Đánh giá kinh tế Việt Nam 4 tháng đầu năm - Nhận định các chính sách nổi bật của Chính phủ", do Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao và Đại học Fulbright, tổ chức ở Tp. Hồ Chí Minh, chiều 15/5.

Đánh giá mục tiêu tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2017, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc nghiên cứu,

Đại học Fulbright, cho rằng, muốn đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% và kiểm soát lạm phát 4% như đã đề ra từ đầu năm 2017, trong ba quý còn lại của năm nay, nền kinh tế Việt Nam phải tăng trưởng trên 7%. Điều này là khó thực hiện trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang bị thâm hụt thương mại và phụ thuộc vào các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Liên quan đến chiến lược bù đắp GDP, một số chuyên gia phân tích, trong ngắn hạn, muốn tăng trưởng GDP thì có thể tăng "bơm dầu", "bơm tiền", tức là đẩy mạnh khai thác khoáng sản để xuất khẩu hay tăng cung tiền cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, những giải pháp này không mang lại hiệu quả cao mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tổn thương đến nền kinh tế và bất ổn về kinh tế vĩ mô.

Đánh giá về tác động của GDP tăng trưởng thấp trong 4 tháng đầu năm, các doanh nghiệp nhìn nhận, nền kinh tế Việt Nam đang có những khiếm khuyết cơ bản về năng lực cạnh tranh; đồng thời, GDP giảm không thuần túy về mức tăng trưởng, mà đằng sau là những năng lực cốt lõi của nền kinh tế Việt Nam chưa được cải thiện hiệu quả.

Theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 4/2017 của Chính phủ, kinh tế vĩ mô ổn định và có nhiều diểm sáng như chỉ số giá tiêu dùng không tăng, tăng trưởng các ngành kinh tế tiếp tục phục hồi, sản xuất công nghiệp tăng 7,4% và cao hơn 4,2% của quý I.

Bên cạnh đó, lĩnh vực xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh 15,4% và tập trung các nhóm hàng công nghiệp chế biến, nông sản...

Về vốn FDI đăng ký mới, góp cổ phần và đăng ký bổ sung tăng mạnh, đạt 10,6 tỷ USD, tăng 40,5%. Số lượng các doanh nghiệp thành lập mới cũng tăng cao, với gần 40.000 doanh nghiệp đăng ký mới đạt tổng số vốn đăng ký mới và bổ sung là 825.000 tỷ đồng./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục