Vụ chung cư The Harmona: Phơi bày những kẽ hở của pháp luật

15:05' - 31/05/2016
BNEWS Vụ tranh chấp giữa chủ đầu tư chung cư The Harmona (TP.HCM) với BIDV Bắc Sài Gòn tiếp tục phơi bày những kẽ hở của hệ thống pháp luật nước ta trong việc quản lý tín dụng trong lĩnh vực bất động sản.

Đây là ý kiến của Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) liên quan đến vụ tranh chấp giữa chủ đầu tư chung cư The Harmona (quận Tân Bình, TP.HCM) với Ngân hàng TMCP đầu tư và phát triển Việt Nam – Chi nhánh Bắc Sài Gòn (BIDV Bắc Sài Gòn).

Để làm rõ quan điểm này, phóng viên VNEWS/TTXVN đã có cuộc trao đổi trực tiếp với Luật sư Trương Thanh Đức.

Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC). Nguồn: VNEWS

PV: Thưa ông, NHNN vừa có văn bản kết luận về vụ việc của chung cư The Harmona (quận Tân Bình, TP.HCM). Theo đó, BIDV Bắc Sài Gòn sẽ phải tự giải quyết khoản nợ đối với chủ đầu tư mà không được làm ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Ông đánh giá như thế nào về bản kết luận này của NHNN và vụ việc chung cư The Harmona nói chung?

Luật sư Trương Thanh Đức: Kết luận của NHNN hoàn toàn hợp lý và đúng với pháp luật. Trong trường hợp này, luật nhà ở đã quy định rất rõ ràng rằng khi người dân đã mua nhà hoặc đã trả tiền đủ hoặc đã nhận nhà thì đương nhiên người dân đã có quyền sở hữu.

Người dân trong trường hợp này không xuất hiện bất cứ hồ sơ nào có quan hệ với ngân hàng. Do đó, ngân hàng không thể bắt người dân ra khỏi nhà.

Tuy nhiên, trong trường hợp này, người dân hoang mang cũng là lẽ đương nhiên. Bởi họ sợ mất nhà do không hiểu rõ luật pháp quy định như thế vào và người ta có quyền thế nào.

Ngay cả khi người ta đúng hết, không phải ra khỏi nhà thì vẫn còn có rủi ro là khi có tranh chấp như vậy thì sẽ khó hoàn thiện được thủ tục cấp giấy tờ sở hữu nhà, không thể mua bán, giao dịch, từ đó, ảnh hưởng đến cuộc sống và quyền sở hữu tài sản của họ trong thời gian trước mắt.

PV: Việc chủ đầu tư thế chấp cả dự án hay một phần dự án có phổ biến hay không trong quá khứ?

Luật sư Trương Thanh Đức: Trường hợp như vậy là hoàn toàn bình thường. Đại đa số các chủ đầu tư đều phải vay vốn để hoàn thiện công trình. Tất nhiên, khi hoàn thiện, họ sẽ phải bán nhà - tài sản - để hoàn trả vốn vay cho ngân hàng. Không thể nào có khả năng chủ đầu tư đảm bảo 100% vốn xây hoàn chỉnh  rồi mới bán cho người dân mà không cần vay ngân hàng.

PV: Việc quản lý các hoạt động thế chấp của các chủ đầu tư cần phải thực hiện như thế nào trong tương lai để tránh những tranh chấp như vụ việc vừa qua?

Luật sư Trương Thanh Đức: Thứ nhất, luật của chúng ta chưa thực sự rõ ràng. Những năm trước đây, đối với một dự án, chủ đầu tư có thể mang thế chấp 5-7 trạng thái khác nhau từ thế chấp quyền sử dụng đất, thế chấp chính dự án, thế chấp những căn hộ cụ thể trong dự án đấy, thế chấp nguyên liệu, vật tư, hàng hóa, thiết bị liên quan đến dự án… dẫn đến tình trạng chồng chéo nhau, rất rủi ro và phức tạp, khó xử lý.

Đến bây giờ, pháp luật đã quy định rõ hơn. Nhưng tổng hợp lại, bên nhận thế chấp (tức ngân hàng) vẫn là bên quyết định. Nếu một ngân hàng nhận thế chấp tất cả các trạng thái, nhiều ít không quan trọng, nhưng quản lý được nguồn thu, dòng tiền thì tương đối an toàn.

Nhưng nếu ngân hàng chỉ nhận thế chấp một phần và nhiều ngân hàng khác nhau cùng nhận mà không phối hợp tốt với nhau thì sẽ có nguy cơ thất thoát, rủi ro xảy ra mà không quản lý được.

Trong trường hợp này, quan trọng nhất là phải quản lý được nguồn đầu tư vào có thực chất và đúng mục đích hay không và khi bán nhà, chuyển nhượng các công trình nợ thì ngân hàng có quản lý được không.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

>>>BIDV mở tài khoản thu ngân sách nhà nước tại Hà Nội

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục