Học tập kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng Khu thương mại tự do Đà Nẵng

17:22' - 22/11/2024
BNEWS Vừa qua, tại Nghị quyết số 136/2024/QH15 ngày 26/6/2024 của Quốc hội đã cho phép nghiên cứu thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng.

Đây là mô hình thí điểm đầu tiên của nước ta, nhưng đã được phát triển thành công tại nhiều quốc gia trên thế giới. Vì vậy thành phố Đà Nẵng đang nghiên cứu, học tập, chọn lọc các kinh nghiệm thực tiễn của các nước trong quá trình xây dựng Khu thương mại tự do.

Xây dựng mô hình phức hợp, đa chức năng

Đại diện Tổ tư vấn xây dựng đề án Khu thương mại tự do Đà Nẵng, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Quang Bình (Trường đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng) cho biết, hiện thành phố đã lựa chọn, đề xuất 10 vị trí cho Khu thương mại tự do Đà Nẵng theo mô hình phức hợp, với tổng diện tích khoảng gần 2.500 ha; trong đó, gồm các khu như logistics, sản xuất, thương mại - dịch vụ, đổi mới sáng tạo, du lịch MICE, mua sắm miễn thuế…

Đến năm 2030, Khu thương mại tự do Đà Nẵng đặt mục tiêu đóng góp trực tiếp từ 1-2% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) thành phố Đà Nẵng, thu hút khoảng 21.000 lao động. Đến năm 2040, mục tiêu đóng góp 9,5% GRDP Đà Nẵng và thu hút khoảng 90.000 lao động. Đến năm 2050, kỳ vọng đóng góp 17,9% GRDP Đà Nẵng và là nơi làm việc của 127.000 lao động.

 

Cũng theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Quang Bình, Tổ tư vấn đã xây dựng mô hình phát triển Khu thương mại tự do Đà Nẵng trên cơ sở tổng kết, đối chứng 6 khu thương mại tự do trên thế giới. Qua đó rút ra mô hình của thành phố Đà Nẵng sẽ là mô hình phức hợp, đa chức năng theo cơ chế liên thông “khu trong khu”. Từ kinh nghiệm các khu thương mại tự do trên thế giới thì không thể chuyên biệt, mà phải đa chức năng; do đó mô hình phát triển của Đà Nẵng mang tính kế thừa, tính toán dựa trên điều kiện thực tế của Thành phố.

Với tổng diện tích hơn 1.060 ha, Khu thương mại tự do Colon (Panama) là một trong những khu thương mại tự do lớn nhất và năng động bậc nhất trên thế giới, nằm ở vị trí chiến lược của châu Mỹ, cửa ngõ của các tuyến thương mại quốc tế. Mô hình của Khu thương mại tự do Colon được xây dựng dựa trên việc miễn thuế, dịch vụ hậu cần hiệu quả và các quy định linh hoạt. Điều này khiến Khu thương mại tự do Colon trở thành môi trường lý tưởng cho các doanh nghiệp tập trung đầu tư vào tái xuất khẩu, phân phối, sản xuất và thương mại quốc tế.

Chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng thành công khu thương mại tự do, Ông Josima Ortiz, Giám đốc Marketing Khu thương mại tự do Colon cho rằng, thành phố Đà Nẵng cần tập trung vào các giá trị cốt lõi là: xây dựng khung pháp lý phù hợp; xác định rõ các ngành nghề chiến lược thu hút đầu tư; phát huy lợi thế cạnh tranh của địa phương; phát triển các chương trình phối hợp giữa Chính phủ và khu vực tư nhân; hoàn thiện các cơ chế thí điểm.

Bên cạnh đó, thành phố Đà Nẵng cần thu hút các nhà đầu tư chiến lược quốc tế vào khu thương mại tự do, bằng các phương pháp: xây dựng chương trình xúc tiến thu hút đầu tư hiệu quả; hệ sinh thái kinh doanh phát triển; phát triển quan hệ đối tác chiến lược; có cơ sở hạ tầng đẳng cấp thế giới. Ông Josima Ortiz cũng cho rằng trong thời gian tới, chính quyền thành phố Đà Nẵng nên thúc đẩy quan hệ, hợp tác với Khu thương mại tự do Colon để sớm hiện thực hóa mô hình Khu thương mại tự do Đà Nẵng.

Học hỏi các giải pháp sáng tạo từ nhiều quốc gia

Là người dành nhiều thời gian nghiên cứu, tìm hiểu kinh nghiệm từ các Khu thương mại tự do của Đức, Hà Lan, Singapore, Trung Quốc và UAE, Tiến sỹ Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, thành phố Đà Nẵng có thể áp dụng nhiều giải pháp sáng tạo để xây dựng Khu thương mại tự do hiệu quả và bền vững.

Để hiện thực hóa tầm nhìn phát triển Khu thương mại tự do Đà Nẵng, Tiến sỹ Trần Thị Hồng Minh cho rằng, việc đầu tư vào hạ tầng logistics hiện đại là yếu tố then chốt. Kinh nghiệm từ Singapore cho thấy, nhờ hệ thống cảng biển và sân bay hiện đại, quản lý bằng công nghệ cao đã đưa quốc gia này thành trung tâm logistics hàng đầu khu vực.

Đối với Đà Nẵng, các cảng Tiên Sa và Liên Chiểu cần được nâng cấp, xây dựng đồng bộ để mở rộng năng lực tiếp nhận hàng hóa và đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng. Song song đó, Đà Nẵng cần phát triển hệ thống giao thông, kho bãi, các trung tâm logistics nội địa để kết nối khu thương mại tự do với các khu vực lân cận và mở rộng thị trường quốc tế.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng cho rằng Đà Nẵng cần xây dựng khung pháp lý và các chính sách ưu đãi linh hoạt để thu hút đầu tư vào khu thương mại tự do. Kinh nghiệm từ Khu thương mại tự do Thượng Hải của Trung Quốc đã thành công nhờ các chính sách miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu và ưu đãi thuế xuất khẩu, giúp tăng khả năng cạnh tranh và tiết kiệm chi phí.

Đà Nẵng có thể tham khảo mô hình này để xây dựng các ưu đãi tương tự, kết hợp với cơ chế pháp lý minh bạch nhằm bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, tạo môi trường kinh doanh ổn định và an toàn. Chính quyền thành phố cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Trung ương trong việc phát triển hạ tầng, đơn giản hóa thủ tục hành chính và ưu đãi thuế, như miễn thuế VAT cho hàng hóa trong quá trình lưu kho và ưu đãi về sử dụng đất, nhằm thu hút đầu tư mạnh mẽ vào khu thương mại tự do.

Cũng theo Tiến sỹ Trần Thị Hồng Minh, một yêu cầu quan trọng để phát triển bền vững là áp dụng các tiêu chuẩn môi trường cao trong Khu thương mại tự do Đà Nẵng. Thành phố nên khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo, giảm phát thải carbon, và thúc đẩy sản xuất xanh trong khu vực.

Các khu thương mại tự do tại Đức và Costa Rica là minh chứng thành công trong việc kết hợp sản xuất xanh với các quy định nghiêm ngặt về bảo vệ môi trường, tái chế và tiết kiệm năng lượng. Áp dụng mô hình này sẽ giúp Đà Nẵng không chỉ bảo vệ môi trường mà còn nâng cao hình ảnh của thành phố như một điểm đầu tư thân thiện, đáp ứng xu hướng phát triển bền vững toàn cầu.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục