Vụ khủng bố 11/9: Vết thương 15 năm không lành (Phần I)

12:45' - 20/09/2016
BNEWS Sau khi tòa tháp đôi WTC sụp đổ, người Mỹ mới bàng hoàng nhận ra rằng nước Mỹ chưa bao giờ dễ tổn thương tới vậy.
Vụ khủng bố 11/9: Vết thương 15 năm không lành. Ảnh: ibtimes.com

Trên các đại lộ của thành phố New York, thành phố Arlington (bang Virginia) và nhiều nơi ở Mỹ những ngày đầu tháng 9 hàng năm thường treo các lá quốc kỳ khổ lớn kèm dòng chữ “We Will Never Forget” (Chúng ta mãi không quên) như một lời nhắc nhở về một trong những sự kiện bi thương nhất trong lịch sử nước Mỹ.

15 năm trước, vào ngày 11/9/2001, các phần tử khủng bố Al-Qeada đã cướp 4 chiếc máy bay tại sân bay Logan ở Boston để tiến hành các vụ tấn công liều chết nhằm vào hai tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) và Lầu Năm Góc khiến khoảng 3.000 người thiệt mạng. Sự kiện 11/9 như một nhát dao đâm vào trái tim nước Mỹ, là cú đòn giáng mạnh vào những giá trị mà người Mỹ luôn kiêu hãnh.

Chưa có một thông kê chính thức nào về mức độ thiệt hại của các vụ tấn công khủng bố 11/9 và có lẽ không bao giờ có một thông kế như vậy vì mất mát và đau thương mà nước Mỹ phải hứng chịu là quá lớn. Tuy nhiên, đây chắc chắn là một trong những sự kiện “hao tiền, tốn của” nhất trong lịch sử.

Vụ khủng bố 11/9 không chỉ gây ra lập tức những thiệt hại khổng lồ về tài sản, mà 15 năm sau vẫn ảnh hưởng nghiêm trọng đối với nền kinh tế Mỹ.   

Những thiệt hại tức thời và khủng hoảng kinh tế

Theo số liệu trong Báo cáo Khủng bố Toàn cầu năm 2015, thiệt hại của việc tòa tháp đôi WTC đổ sập và 45 tòa nhà xung quanh bị hư hại trong vụ tấn công 11/9 lên tới 12 tỷ USD và nếu tính gộp cả chi phí sửa chữa cơ sở hạ tầng, dọn dẹp đống đổ nát, chi phí bảo hiểm và thuê nhân công thì vụ tấn công khủng bố 11/9 trong 15 năm qua đã khiến thành phố New York thiệt hại hơn 95 tỷ USD.

Kinh tế Mỹ chịu thiệt hại nặng nề sau vụ khủng bố 11/9. Ảnh: youtube.com

Sự kiện lịch sử đau thương này cũng làm chao đảo thị trường tài chính Phố Uôn. Bốn ngày sau khi thị trường Phố Uôn được mở cửa trở lại, chỉ số công nghiệp Dow Jones mất tới 600 điểm, mức sụt giảm lớn nhất kể từ cuộc Đại Suy thoái (1930-1931). Vụ khủng bố đã làm trầm trọng hơn cuộc suy thoái kinh tế bùng phát từ tháng 3/2001.

Hàng trăm doanh nghiệp phá sản, hàng nghìn người mất việc làm và kinh tế Mỹ trong quí 3/2001 chỉ còn 1,1%, giảm mạnh so với mức tăng trưởng 2,7% của quí II. Thị trường Phố Uôn tiếp tục hứng chịu dư chấn trong ít nhất 2 năm sau đó, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao kỷ lục vào tháng 6/2003 và nền kinh tế chỉ bắt đầu có dấu hiệu phục hồi từ tháng 3/2003.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng nỗi đau 11/9 còn khiến nước Mỹ nhức nhối bằng cuộc khủng hoảng tài chính giai đoạn 2007-2008. Khi hai chiếc máy bay lao vào tòa tháp đôi ngày 11/9/2001, lãi suất cơ bản ở mức 3,5%.

Chỉ vài tuần sau biến cố này, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã giảm lãi suất xuống còn 2,5% với lý do vụ tấn công khủng bố khiến nền kinh tế vốn đang phục hồi yếu ớt trở nên bấp bênh hơn bao giờ hết. Trong giai đoạn từ 2002-2007, các thị trường tài chính Mỹ liên tục bất ổn, tăng trưởng kinh tế ảm đạm và đỉnh điểm là cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008. 

Sau tháng 9/2008, nền kinh tế Mỹ đã thiệt hại 648 tỷ USD; chi phí bảo hiểm bắt nguồn từ nỗi lo khủng bố tăng với cấp số nhân; Chương trình Giải cứu Tài sản Xấu (TARP) phải chi trả cho người nộp thuế 230 tỷ USD; thị trường nhà đất sụt giảm 3.400 tỷ USD và thị trường chứng khoán mất tới 7.400 tỷ USD.

Xem tiếp phần II tại đây     

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục