Vụ người dân mất đất do góp vốn trồng cà phê: Gỡ bỏ nút thắt

17:18' - 30/09/2015
BNEWS Nhiều năm qua, hơn 500 hộ dân tại huyện Mường Ảng (Điện Biên) có nguy cơ bị mất phần đất góp vào đầu tư với Công ty cổ phần cà phê Thái Hòa Mường Ảng. Tuy nhiên, nút thắt này đang dần được gỡ.

Ngày 23-24/9, Tòa án nhân dân huyện Mường Ảng (Điện Biên) đã mở phiên tòa sơ thẩm, xét xử vụ tranh chấp giữa Công ty cổ phần cà phê Thái Hòa Mường Ảng với 24 hộ dân của xã Nậm Lịch.

Nhiều hộ dân có nguy cơ bị mất đất do góp vốn với Công ty cổ phần cà phê Thái Hòa. Ảnh: Quốc Hùng/TTXVN

Căn cứ những luận cứ mà Trợ giúp viên pháp lý Đỗ Xuân Toán đưa ra, Tòa án nhân dân huyện Mường Ảng đã tuyên Công ty cổ phần cà phê Thái Hòa Mường Ảng và Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Ảng: Trả lại toàn bộ diện tích đất và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà 24 hộ dân trên đã góp vốn vào Công ty cổ phần cà phê Thái Hòa Mường Ảng.

Phán quyết của Tòa án nhân dân huyện Mường Ảng được dư luận quần chúng tỉnh Điện Biên rất hoan nghênh; bước đầu cởi được “nút thắt” trong nhiều năm qua đã gây bức xúc trong dư luận quần chúng; làm phức tạp tình hình và gây khó khăn cho công tác điều hành quản lý sản xuất của chính quyền địa phương.

Ngoài 24 hộ dân đã đòi lại được quyền lợi chính đáng của mình, gần 500 hộ dân khác có hy vọng thoát ra khỏi tình trạng bế tắc như hiện nay.

Trước đó, hơn 500 hộ dân tại huyện Mường Ảng (Điện Biên) có nguy cơ bị mất phần đất góp vào đầu tư với Công ty cổ phần cà phê Thái Hòa Mường Ảng.

Sự việc bắt đầu từ năm 2009, khi chính quyền huyện Mường Ảng kêu gọi thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất - chế biến cà phê trên địa bàn, đồng thời vận động nhân dân tham gia đóng cổ phần bằng đất với các doanh nghiệp này để sản xuất kinh doanh.

508 hộ dân thuộc các xã Nậm Lịch, Búng Lao, Mường Lạn, Mường Đăng và Xuân Lao góp trên 500 ha đất sản xuất vào Công ty cổ phần cà phê Thái Hòa Mường Ảng. Cam kết ban đầu giữa Công ty này với các hộ dân là mỗi ha, người dân góp vốn bằng đất trị giá 10 triệu đồng; Công ty đầu tư 40 triệu đồng/ha.

Người góp đất được hưởng cổ tức hàng năm bắt đầu từ khi cây cho thu hoạch; đồng thời được giao canh tác trên chính diện tích đất của mình góp vốn và được trả công theo từng công việc.

Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Ảng đã chấp nhận đầu tư vốn tín dụng cho Công ty cổ phần cà phê Thái Hòa Mường Ảng với số vốn cam kết 50 tỷ đồng, bằng tài sản thế chấp là toàn bộ diện tích cà phê của dự án.

Từ khi góp đất, Công ty cổ phần cà phê Thái Hòa Mường Ảng đã thực hiện đúng cam kết của mình, nhiều hộ dân có thu nhập đáng kể, nhất là từ khi cây cà phê bắt đầu cho thu hoạch kể từ năm 2012.

Tháng 12/2011, Công ty cổ phần vận tải biển và thương mại Hàng hải (thuộc Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng hải) đã mua lại tới 98% cổ phần của Công ty cổ phần cà phê Thái Hòa Mường Ảng (thực chất là chuyển toàn bộ khoản nợ mà Công ty đã vay của Ngân hàng này thành vốn góp cổ phần).

Do làm ăn thua lỗ, từ năm 2013 đến nay, chủ đầu tư của dự án đã không thực hiện các nghĩa vụ của mình như đầu tư phân bón, trả công chăm sóc cho người lao động, trả lợi tức cho người góp đất… Toàn bộ diện tích cây cà phê của dự án này bị bỏ hoang và gần như hư hỏng hoàn toàn, không còn giá trị sản xuất kinh doanh.

Trước thực trạng này, các hộ dân góp đất vô cùng bức xúc vì toàn bộ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã bị chủ đầu tư đem đi thế chấp. Vườn cà phê trên đất của họ bị bỏ hoang, trong khi họ không thể lấy lại quyền sử dụng đất để tự mình đầu tư chăm sóc, vì theo quy định của pháp luật thì đây vẫn thuộc tài sản của chủ đầu tư.

Trong vụ thu hoạch cà phê năm 2014, nhiều người đã tràn vào các diện tích này thu hái bừa bãi. Họ tuốt cả quả non lẫn quả già bán ra thị trường, làm suy giảm chất lượng sản phẩm vùng cà phê Mường Ảng. Cây cà phê bị thu hoạch theo kiểu tận diệt này cũng vì thế bị hư hại hoàn toàn. Hơn 500 hộ dân đã đồng loạt làm đơn khiếu kiện, đòi lại quyền sử dụng đất của mình.

Ông Lò Văn Khính, trú tại bản Lịch Cang, xã Nậm Lịch, cho biết: Nhà ông đã đóng góp toàn bộ đất sản xuất của gia đình với diện tích gần 2ha vào Công ty cổ phần cà phê Thái Hòa Mường Ảng. Năm 2012, khi cây cà phê bắt đầu cho thu hoạch, gia đình ông thực sự vui mừng vì đã có thu nhập cao hơn so với trước đây, khi tự mình canh tác cây lương thực.

Thế nhưng từ khi Công ty ngừng hoạt động, gia đình ông thiếu đất sản xuất, phải đi làm thuê khắp nơi kiếm sống, lo chạy ăn từng ngày. Chịu không nổi, ông và các hộ cùng cảnh ngộ đã phải làm đơn kêu cứu khắp nơi.

Ông Đỗ Xuân Toán, Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh Điện Biên là người trực tiếp hỗ trợ pháp lý miễn phí cho các hộ dân cho biết: Trung tâm đã nhận được đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý của hơn 400 hộ dân. Tuy nhiên bước đầu, đơn vị chỉ nhận trợ giúp cho 24 hộ dân của xã Nậm Lịch có đủ điều kiện nhất./.

Chu Quốc Hùng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục