Xây dựng cơ chế vượt trội, đột phá cho các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt

14:02' - 23/05/2018
BNEWS Sáng 23/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN

Các đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành Luật để thể chế hóa kịp thời các nghị quyết của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, tạo cơ chế chính sách vượt trội, đột phá, tạo cực tăng trưởng mới không chỉ cho ba đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt mà còn cho ba tỉnh và cả nước.

*Đề xuất giao án hành chính cho tòa án đặc khu

Nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm là tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương và cơ quan khác của Nhà nước tại đặc khu.

Cho ý kiến về tổ chức và hoạt động của tòa án nhân dân và các cơ quan tư pháp khác tại đặc khu, một số ý kiến chỉ rõ, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng đối với các vụ án hành chính sẽ không tăng thẩm quyền cho tòa án đặc khu mà cơ bản giữ như thẩm quyền của tòa án cấp huyện hiện nay.

Theo đó, mọi khiếu kiện của người dân đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND và Chủ tịch UBND đặc khu sẽ do tòa án cấp tỉnh giải quyết, tòa án đặc khu không có thẩm quyền giải quyết loại việc này. Các đại biểu cho rằng, quy định này cần được xem xét, đánh giá cụ thể bởi cùng với sự phát triển năng động của các đặc khu, dự báo sự gia tăng các vụ án dân sự, vụ án hành chính, nhất là các vụ án liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng, bồi thường dự án…

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Thị Thủy phát biểu ý kiến. Ảnh: Văn Điệp -TTXVN

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho biết, theo số liệu thống kê, trong 3 năm từ năm 2015 tới nay, số lượng khiếu kiện đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND và Chủ tịch UBND cấp huyện đến tòa tăng mạnh, đáng lưu ý huyện Phú Quốc (Kiên Giang) tăng gần gấp 2 lần.

“Quy định như dự thảo Luật sẽ dẫn đến thực tế là đối với các vụ án dân sự, tòa án đặc khu thậm chí có thẩm quyền giải quyết các vụ án liên quan đến bắt giữ tàu bay quốc tế, là loại việc rất phức tạp; trong khi đó đối với các vụ án hành chính, tòa án đặc khu lại không có thẩm quyền giải quyết các khiếu kiện đối với UBND và Chủ tịch UBND cùng cấp hành chính với mình”, đại biểu Nguyễn Thị Thủy phân tích.

Bên cạnh đó, quy định như dự thảo Luật chưa tiết kiệm tối đa chi phí, thời gian của người dân và nhà đầu tư. Đại biểu Nguyễn Thị Thủy chỉ rõ, về điều kiện địa lý, cả ba đặc khu này đều cách xa trung tâm tỉnh, xa nhất là Phú Quốc.

Để đi được tới Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang, người dân và nhà đầu tư phải vượt qua 120 km đường biển. Nếu bản án sơ thẩm của tòa án cấp tỉnh bị kháng cáo, kháng nghị, việc xét xử phúc thẩm do tòa án cấp cao giải quyết. Trong khi đó, cả nước chỉ có ba tòa án cấp cao đặt tại Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh. Người dân và nhà đầu tư sẽ rất vất vả khi tiếp tục theo kiện để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy đánh giá, nếu so sánh mối tương quan giữa hành pháp và tư pháp trong dự thảo Luật thì còn khoảng cách rất lớn. Vì UBND và Chủ tịch UBND đặc khu được phân quyền rất mạnh, được giao nhiều thẩm quyền từ các cơ quan nhà nước cấp trên, cụ thể là 44 thẩm quyền ở tỉnh, 21 ở bộ và 8 thẩm quyền của Thủ tướng.

Nhưng cơ quan tư pháp đặc khu không có thẩm quyền giải quyết các khiếu kiện đối với UBND và Chủ tịch UBND cùng cấp hành chính với mình. Điều này chưa phù hợp nguyên tắc không dồn án cho cấp trên vì quy định như dự thảo Luật, các vụ án hành chính dồn lên cấp trên và thậm chí còn lên tận tòa cấp cao giải quyết.

Nhấn mạnh, một hệ thống cơ quan tư pháp đủ thẩm quyền, với những cải cách tối đa về thời hạn, thủ tục tố tụng chính là yếu tố quan trọng thu hút và giữ chân các nhà đầu tư, một số đại biểu đề nghị, dự thảo Luật cần giao cho các cơ quan tư pháp ở đặc khu có thẩm quyền giải quyết các khiếu kiện đối với UBND và Chủ tịch UBND cùng cấp, bảo đảm cho việc vận hành các cơ chế đặc thù tại đặc khu, thuận lợi cho người dân và nhà đầu tư trong quá trình tiếp cận công lý.

* Điều chỉnh thẩm quyền của Chủ tịch UBND đặc khu

Cho rằng chính sách ưu đãi chưa phải yếu tố mang tính quyết định mà môi trường đầu tư thông thoáng, thiết kế bộ máy hoạt động chất lượng, hiệu quả, thủ tục hành chính nhanh gọn, đảm bảo tính cạnh tranh mới là quan trọng hơn, các đại biểu nhất trí với mô hình chính quyền địa phương ở đặc khu như quy định trong dự thảo Luật.

Theo đó, mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở đặc khu gồm có HĐND và UBND với những đổi mới cơ bản về cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Cụ thể, HĐND đặc khu có không quá 15 đại biểu, trong đó đa số đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách; không tổ chức thường trực HĐND và các ban của HĐND; UBND đặc khu chỉ gồm Chủ tịch và hai Phó Chủ tịch. HĐND và UBND sẽ có một văn phòng giúp việc chung, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND đặc khu (không quá 7 cơ quan) và Trung tâm Hành chính công đặc khu.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) nhấn mạnh, trong đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt cần tổ chức HĐND để thực hiện nhiệm vụ giám sát, bởi quyền lực càng cao, càng đặc biệt, mô hình lại mới sẽ xuất hiện những vấn đề nóng. Vì thế, cần kiểm tra giám sát quyền lực, không để tiềm ẩn những hậu quả nghiêm trọng, làm xấu đi định hướng phát triển kinh tế, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và tránh gây lãng phí.

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đề nghị, ban soạn thảo cần xem xét, rà soát lại để điều chỉnh, giảm bớt quy định cho Chủ tịch UBND cùng với đó, giao cho UBND để UBND ủy quyền trách nhiệm cho Phó Chủ tịch UBND, một số ban, ngành chuyên môn.

Dự thảo Luật đang có quá nhiều nội dung Chủ tịch UBND ký, cấp quyết định, trong đó có những nội dung cụ thể như: Chủ tịch UBND đặc khu cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh,… "Chủ tịch UBND không thể kiểm soát hết mọi vấn đề, việc gì Chủ tịch cũng ký sẽ không có thời gian lo việc lớn", đại biểu Phương nhấn mạnh.

Liên quan đến quyền hạn của Chủ tịch UBND đặc khu trong việc quyết định các dự án đầu tư, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) phân tích: Theo dự án Luật, Chủ tịch UBND đặc khu có quyền quyết định đầu tư đối với các dự án nhóm A. Đây là những dự án có vai trò rất quan trọng với kinh tế, an ninh - quốc phòng, đặc biệt là các dự án sử dụng vốn đầu tư công. "Hiện nay, để đầu tư một dự án nhóm A, trình tự, thủ tục rất chặt chẽ, qua nhiều khâu, nhiều cơ quan xem xét, thẩm định. Nếu bây giờ chỉ giao cho một cá nhân, phải cân nhắc; vì thế cần xem xét lại quy định này", đại biểu Vũ Thị Lưu Mai kiến nghị.

 Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Dương Minh Tuấn phát biểu ý kiến. Ảnh: Văn Điệp -TTXVN

Đại biểu Dương Minh Tuấn (Bà Rịa – Vũng Tàu) cho rằng, phương án chính quyền đặc khu chỉ có một văn phòng giúp việc chung cho HĐND và UBND là phù hợp. “Qua tiếp xúc, nhiều nhà đầu tư mong muốn khi đã có đặc khu hành chính kinh tế, từ khi tìm hiểu dự án, làm thủ tục đến khi triển khai, xây dựng dự án, nhà đầu tư không phải đi làm thủ tục ở nhiều nơi, nhiều cấp mà chỉ liên hệ ở một nơi, đó là chính quyền đặc khu”, đại biểu Dương Minh Tuấn nêu.

* Cần thiết quy định ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt

Đối với nguồn lực thực hiện, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) phân tích, hiện nay theo ước tính, để đầu tư cho 3 đặc khu cần xấp xỉ khoảng 1 triệu 500 nghìn tỷ đồng. Với tính chất đặc thù của cả ba đặc khu về kinh tế, chính trị, quốc phòng an ninh, không thể thiếu vai trò của Ngân sách Nhà nước. “Chính vì vậy, chúng ta phải đưa ra một phương án tài chính hợp lý. Trong tổng số nguồn lực, Nhà nước sẽ phải đầu tư bao nhiêu, tính khả thi của phương án, huy động nguồn lực thực hiện và thời gian thực hiện. Các quy định của Luật phải được đặt trong mối quan hệ tổng thể với kế hoạch tài chính trung hạn, kế hoạch đầu tư công trung hạn để đảm bảo tính khả thi”, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nhấn mạnh.

Ngoài ra, đại biểu Mai đề xuất bỏ quy định về giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số dịch vụ liên quan đến kinh doanh casino, đặt cược, trò chơi điện tử. Theo đại biểu, bản chất của thuế tiêu thụ đặc biệt là định hướng, điều tiết tiêu dùng, vì thế chỉ áp dụng theo lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt. Nhiều nước trên thế giới khi áp dụng chính sách ưu đãi cũng không áp dụng ưu đãi đối với thuế tiêu thụ đặc biệt.

Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định chỉ rõ: Dịch vụ kinh doanh casino, trò chơi điện tử có thưởng, dịch vụ kinh doanh đặt cược được hưởng ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt theo dự thảo Luật đều gắn với các dự án khu dịch vụ, du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp có quy mô vốn đầu tư tối thiểu lớn (45.000 tỷ đồng) và được xác định thuộc ngành, nghề ưu tiên phát triển ở cả 3 đặc khu.

Theo kinh nghiệm quốc tế, đây là các hoạt động kinh doanh có lợi nhuận cao, trong dài hạn có khả năng đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước; nhiều đặc khu kinh tế của các nước cũng phát triển loại hình dịch vụ này. Do đó, việc quy định ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt trong dự thảo Luật là cần thiết. Tuy nhiên, đây cũng là ngành, nghề kinh doanh có sức hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư, do đó, chính sách ưu đãi cần được tính toán hợp lý, bảo đảm không gây thất thu cho ngân sách Nhà nước trong dài hạn.

Trên cơ sở ý kiến các đại biểu Quốc hội, sau khi đánh giá một cách toàn diện các chính sách ưu đãi áp dụng đối với loại dự án trên và tham khảo kết quả tính toán, phân tích tác động đối với giảm nguồn thu ngân sách của các mức ưu đãi thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt khác nhau, khoản 3 Điều 44 dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng quy định dịch vụ kinh doanh casino, trò chơi điện tử có thưởng, dịch vụ kinh doanh đặt cược được áp dụng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt 15% trong thời hạn 10 năm kể từ khi có doanh thu từ dịch vụ; đồng thời, quy định rõ chỉ áp dụng ưu đãi này đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ trên trong dự án khu phức hợp dịch vụ, du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp đáp ứng điều kiện của nhà đầu tư chiến lược.

Tại phiên thảo luận sáng 23/5, các nội dung về cơ chế, chính sách đặc biệt về đầu tư kinh doanh; ngân sách và ưu đãi đầu tư… cũng được các đại biểu Quốc hội phân tích, cho ý kiến cụ thể./.

>> Bên lề Kỳ họp Quốc hội: Cần thu hút đầu tư đặc biệt về giáo dục, đào tạo vào các đặc khu

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục