Xây dựng định giá thương hiệu doanh nghiệp

16:13' - 04/07/2017
BNEWS Xây dựng, phát triển và định giá đúng giá trị thương hiệu là nhu cầu thiết thực đối với mọi loại hình doanh nghiệp
Hội thảo xây dựng, phát triển và định giá thương hiệu doanh nghiệp. Tác giả: Thùy Dương/BNEWS/TTXVN

Tại Hội thảo xây dựng, phát triển và định giá thương hiệu doanh nghiệp diễn ra ngày 4/7, tại Hà Nội, các chuyên gia đã tập trung bàn về câu chuyện xây dựng, phát triển và định giá thương hiệu doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh chưa có sự thống nhất về phương pháp đánh giá "tài sản vô hình" này của doanh nghiệp.

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục phó Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính ) cho biết, xây dựng, phát triển và định giá đúng giá trị thương hiệu là nhu cầu thiết thực đối với mọi loại hình doanh nghiệp. Trên thế giới, thương hiệu được coi là giá trị cốt lõi của doanh nghiệp; có thương hiệu trị giá đến 70% tổng giá trị tài sản doanh nghiệp.

Theo ông Đặng Quyết Tiến, tại Việt Nam một số doanh nghiệp nhà nước được các tổ chức uy tín quốc tế ghi nhận giá trị thương hiệu cao như Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) đã có bước tiến ngoạn mục khi vươn lên Top 400 Thương hiệu ngân hàng toàn cầu với giá trị thương hiệu đạt 249 triệu USD năm 2016 theo đánh giá của Công ty Tư vấn chiến lược và đánh giá thương hiệu hàng đầu thế giới Brand Finance.

Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) đạt 2,686 tỷ USD; giá trị của Tổng Công ty Dịch vụ Viễn thông-VNPT VinaPhone (Vinaphone) là 1,04 tỷ USD; Tổng công ty Viễn thông MobiFone (Mobiphone) là 391 triệu USD.

Nhưng ở Việt Nam, việc xây dựng, phát triển và định giá thương hiệu vẫn còn bỏ ngỏ. Nhiều doanh nghiệp Việt đã sản xuất được những sản phẩm có chất lượng cao, song khi “xuất ngoại” vẫn phải núp dưới tên của các thương hiệu có giá trị trên thế giới mới có thể vào được thị trường quốc tế.

Mặt khác, doanh nghiệp mạnh tay chi để xây dựng thương hiệu, nhưng lại không xác định được giá trị của tài sản vô hình này nên rơi vào tình cảnh ném tiền qua cửa sổ.

Ông Lê Ngọc Lâm, Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam đang chịu nhiều thách thức như việc bị xâm phạm quyền sở hữu. Đơn cử như Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba), Tập đoàn Trung Nguyên có thương hiệu cafe Trung Nguyên, nước nắm Phú Quốc, kẹo dừa Bến Tre... đều trở thành nạn nhân của việc bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuế.

Nhấn mạnh thêm về điều này, ông Đặng Quyết Tiến cho biết thêm, ngay cả những doanh nghiệp nhà nước khi tiến hành cổ phần hóa thuê các nhà tư vấn chuyên nghiệp song cũng đưa ra các giá trị doanh nghiệp nói chung và giá trị thương hiệu nói riêng rất khác nhau.

Điều này khiến Nhà nước có thể bị thất thoát lớn trong quá trình cổ phần hóa; doanh nghiệp thiệt thòi trong quá trình cạnh tranh, nhượng quyền thương mại, mua bán sáp nhập...

Ở khía cạnh pháp lý, giữa các văn bản vẫn chưa có sự thống nhất về phương pháp đánh giá. Từ Nghị định 109/2008/NĐ-CP ngày 10/10/2008 của Chính phủ về bán, giao doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đến Nghị định 59/2011/NĐ-CP về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đều xác định “lợi thế kinh doanh” bao gồm cả “giá trị thương hiệu”. Điều này lại không phù hợp với chuẩn mực kế toán Việt Nam số 04, “Giá trị thương hiệu” hay “Nhãn hiệu hàng hóa” được coi là tài sản cố định vô hình.

Như vậy, cho đến nay, việc xác định giá trị, nhượng quyền sử dụng thương hiệu, góp vốn liên doanh, liên kết... bằng giá trị thương hiệu đối với các doanh nghiệp tư nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đến nay vẫn còn là... một khoảng trống bỏ ngỏ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục