Xây dựng thương hiệu cho làng nghề - Chặng đường gian nan

16:57' - 05/08/2015
BNEWS Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm làng nghề truyền thống không chỉ góp phần khôi phục, mở rộng sản xuất, tăng giá trị sản phẩm mà còn đảm bảo sự bình đẳng, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm. Tuy nhiên, tại Nghệ An, việc xây dựng thương hiệu đối với sản phẩm làng nghề truyền thống còn gặp không ít khó khăn.

Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm làng nghề truyền thống không chỉ góp phần khôi phục, mở rộng sản xuất, tăng giá trị sản phẩm mà còn đảm bảo sự bình đẳng, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm. Tuy nhiên, tại Nghệ An, việc xây dựng thương hiệu đối với sản phẩm làng nghề truyền thống còn gặp không ít khó khăn.

Gian nan xây dựng thương hiệu

Lực Thanh là một trong những cơ sở sản xuất kẹo lạc bằng phương pháp thủ công truyền thống ở xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Để duy trì sản xuất, mỗi năm cơ sở này thu mua hàng nghìn tấn lạc, mạch nha, bánh đa, mật, đường, vừng để sản xuất các loại kẹo lạc, cu đơ (giòn, dẻo)... 

Sản phẩm sơn mài của cơ sở Ánh Thái, làng nghề sơn mài Hạ Thái (Hà Nội)

Sản phẩm của cơ sở sản xuất này nổi tiếng thơm ngon, giòn, dẻo. Nhưng trước sự cạnh tranh khốc liệt, các sản phẩm ở làng nghề truyền thống nói chung và cơ sở sản xuất Lực Thanh nói riêng đang đối mặt với không ít khó khăn về nguồn vốn đầu tư, nguyên liệu, nhất là mẫu mã và giá cả. 

Khó khăn nhất của người sản xuất kẹo lạc, cu đơ truyền thống là có quy mô nhỏ và phải mua nguyên liệu tươi, ngon nên giá thu mua đắt; giá bán theo đó cũng cao hơn. Trong khi, sản phẩm kẹo lạc, cu đơ công nghiệp có quy mô lớn gấp nhiều lần, chi phí đầu tư sản xuất ít, giá thành sản phẩm thấp hơn.

Sản phẩm kẹo lạc, cu đơ Nghệ An đã có tiếng từ lâu và đáp ứng được nhu cầu ẩm thực, nhất là khách du lịch đến Nghệ An. 7 tháng qua, giá trị thu nhập từ sản phẩm kẹo lạc, cu đơ của làng nghề xã Diễn Vạn lên tới 20 tỷ đồng. Mức thu nhập này là khá cao so với vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

“Trước sự cạnh tranh gay gắt của các sản phẩm kẹo lạc sản xuất công nghiệp, chúng tôi vẫn cố gắng giữ gìn theo quy trình sản xuất truyền thống, không phẩm màu, hóa chất, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng. Chúng tôi không phát triển ồ ạt mà chỉ hỗ trợ người sản xuất nâng cao chất lượng, thương hiệu sản phẩm mà vẫn giữ được môi trường, gắn với phát triển du lịch”, ông Nguyễn Hoài An – Phó phòng Nông nghiệp huyện Diễn Châu cho biết.

Thực tế cho thấy, hoạt động của các làng nghề ở Nghệ An sản xuất chủ yếu tại các hộ gia đình dưới hình thức tự phát, quy mô sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, manh mún, công nghệ thiết bị lạc hậu. Trình độ tay nghề kỹ thuật chưa cao nên năng suất thấp, mẫu mã sản phẩm đơn giản, độ tinh xảo của sản phẩm thiếu sức cạnh tranh trên thị trường.

Hiện, sản phẩm làng nghề chủ yếu phục vụ nhu cầu nội địa. Hầu hết, ở Nghệ An chưa xây dựng được sản phẩm đặc trưng của mỗi làng và nhãn mác sản phẩm. Phương thức tiêu thụ sản phẩm các làng nghề là tự tiêu thụ ở các chợ hoặc qua thương lái. Số làng nghề có Ban quản lý, Hiệp hội làng nghề hoặc có các Hợp tác xã, doanh nghiệp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm đếm trên đầu ngón tay như: các sản phẩm mây tre đan, dệt thổ cẩm, chế biến hải sản nên giá sản phẩm thấp, không ổn định.

Ở Nghệ An, các khu công nghiệp nhỏ đã hình thành nhưng chưa thu hút được nhiều làng nghề vào sản xuất. Lao động làng nghề chưa được chú trọng đào tạo chuyên sâu để tạo ra sản phẩm có độ tinh xảo, nghệ thuật phục vụ xuất khẩu. Bởi vậy, ở Nghệ An, nhiều doanh nghiệp, tổ chức nhận được đơn đặt hàng với số lượng lớn từ đối tác nước ngoài về sản phẩm dệt thổ cẩm, mây tre đan nhưng người lao động không đáp ứng được về chất lượng cũng như thời gian hoàn thành sản phẩm. Vì vậy, các cơ hội "vàng" này đã bị tuột mất. Bên cạnh đó, công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa được mở rộng, không đáp ứng yêu cầu cạnh tranh và xuất khẩu.

Nâng cao chất lượng sản phẩm làng nghề

Tỉnh Nghệ An hiện có 133 làng nghề truyền thống và 400 làng có nghề đang được khôi phục và phát triển. Để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm làng nghề truyền thống, tỉnh Nghệ An đẩy mạnh công tác hỗ trợ các cơ sở sản xuất làng nghề thủ công truyền thống nói chung ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất, cải tiến mẫu mã, chủng loại sản phẩm, nâng chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh.

Sản phẩm gạch – ngói Cừa của Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ làng nghề xã Nghĩa Hoàn, huyện Tân Kỳ là một trong tám làng nghề đã xây dựng thành công nhãn hiệu sản phẩm trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Ngoài sản phẩm gạch ngói Cừa, các sản phẩm rượu Phúc Mỹ (Hưng Nguyên), hương trầm, hương thẻ (Thái Hòa, Quỳ Châu), gà đồi (Thanh Chương), mực khô (Quỳnh Lưu), nước mắm (Cửa Lò, Diễn Châu)…cũng đã được xây dựng thương hiệu.

Thực tế, tại Nghệ An nhiều địa phương có làng nghề nhưng sản phẩm làm ra lại không trở thành hàng hoá. Trong khi đó, chủ trương của tỉnh ưu tiên những sản phẩm trở thành hàng hóa để tập trung xây dựng thương hiệu. Từ nay đến năm 2020, tỉnh xây dựng 100 sản phẩm mang thương hiệu Nghệ An. Theo đó, các địa phương lựa chọn những sản phẩm có thế mạnh, đặc trưng để đầu tư, nâng giá trị gia tăng của sản phẩm đó.

Ông Nguyễn Viết Hùng, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An cho biết, muốn đạt mục tiêu trên, mỗi cơ sở sản xuất, kinh doanh trong làng nghề không ngừng cải tiến mẫu mã, tạo sản phẩm mới, độc đáo, phù hợp với thị hiếu khách hàng. Bên cạnh đó, các làng nghề cần nâng cao trình độ người lao động, tiếp thu công nghệ mới, phát huy thế mạnh của nghệ nhân trong cải tiến mẫu mã, truyền nghề cho lớp trẻ. Giữa các cơ sở cùng nghề, cùng làng hợp lực nâng sức cạnh tranh. Các làng nghề thường xuyên tổ chức giới thiệu sản phẩm, hàng hóa mới thông qua hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước, từng bước tiến tới giao dịch bán hàng trực tiếp giữa cơ sở sản xuất với cơ sở tiêu thụ để giảm bớt chi phí trung gian, giá cả công khai hoặc thông qua kênh bán hàng trên Internet, website của Sở Công Thương, Liên minh Hợp tác xã…

Nghệ An cũng tạo điều kiện cho các làng nghề phát triển bằng các chính sách hỗ trợ về vốn vay nhằm phát triển mạnh các cụm công nghiệp làng nghề. Cách làm này giúp các hộ, cơ sở sản xuất mở rộng sản xuất kinh doanh tạo việc làm, tăng thu nhập và giải quyết cho lao động địa phương, góp phần chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế nông thôn./.

Bích Huệ

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục