Truy xuất nguồn gốc để xây dựng nền kinh tế số minh bạch và cạnh tranh

19:01' - 08/07/2025
BNEWS Việc kết hợp công nghệ và các giải pháp đồng bộ, Việt Nam có thể tận dụng tối đa tiềm năng của truy xuất nguồn gốc để xây dựng một nền kinh tế số minh bạch, hiệu quả và cạnh tranh.
Xác thực truy xuất nguồn gốc là xu hướng tất yếu trong nền kinh tế số và là động lực quan trọng để phát triển bền vững kinh tế quốc gia. Trong bối cảnh gian lận thương mại đang là vấn đề nóng của toàn xã hội, thông qua truy xuất nguồn gốc, người tiêu dùng có thể xác minh nhanh chóng và minh bạch nguồn gốc sản phẩm, phân biệt rõ hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Bằng việc kết hợp công nghệ và các giải pháp đồng bộ, Việt Nam có thể tận dụng tối đa tiềm năng của truy xuất nguồn gốc để xây dựng một nền kinh tế số minh bạch, hiệu quả và cạnh tranh.

 
* Nhiều bất cập trong truy xuất nguồn gốc

Tại hội thảo "Xác thực truy xuất nguồn gốc – động lực phát triển bền vững của kinh tế số Việt Nam” do Hiệp hội Dữ liệu quốc gia tổ chức ngày 8/7 tại Hà Nội, Đại tá Phạm Minh Tiến (Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia - Bộ Công an, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Dữ liệu quốc gia) cho biết, việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa hiện nay còn nhiều bất cập.

Đó là mã định danh không thống nhất trên toàn quốc; dữ liệu phân tán theo các bộ ngành, lĩnh vực; việc truy xuất nguồn gốc đã được thực hiện nhưng chưa thể hiện được chuỗi cung ứng (từ nguyên liệu, sản xuất đến người tiêu dùng); không kiểm soát hiệu quả hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử; người tiêu dùng chưa có một công cụ thể xác thực. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng xử lý thủ công; doanh nghiệp không bắt buộc phải tham gia hệ thống truy xuất nguồn gốc hàng hóa; thiếu liên thông giữa truy xuất nguồn gốc và kiểm tra chất lượng hàng hóa…

Số liệu từ Trung tâm Mã số Mã vạch quốc gia (Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ) cho thấy trên phạm vi toàn cầu, hàng giả gây thiệt hại tới 467 tỷ USD/năm (dẫn thống kê từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế), trong đó chủ yếu là giày dép, quần áo, mỹ phẩm, dược phẩm.

Ở trong nước, tình trạng hàng giả cũng ngày càng phức tạp. Trên 47 nghìn vụ hàng giả/gian lận bị xử lý trong năm 2024 và có xu hướng gia tăng trên sàn thương mại điện tử, mạng xã hội. Ông Bùi Bá Chính, Quyền giám đốc Trung tâm Mã số Mã vạch quốc gia nhận định, hiện nay các loại hình hàng giả chủ yếu được chia làm 3 nhóm là giả thương hiệu, giả chất lượng và giả xuất xứ. Nhiều nước trên thế giới như Hoa Kỳ, Canada, châu Âu thực hiện truy xuất nguồn gốc được mã hóa định danh trên toàn chuỗi sản xuất và đến khâu xuất khẩu. Sử dụng mã vạch để truy xuất nguồn gốc sản phẩm chính là “hộ chiếu” số cho sản phẩm và hướng đến thị trường quốc tế, đảm bảo mục tiêu xuất khẩu hàng hóa, nâng tầm quốc gia. “Việt Nam có thể kiểm soát và truy xuất nguồn gốc để định danh sản phẩm, kê khai một cách minh bạch với sự giám sát của toàn dân”, ông Bùi Bá Chính nhấn mạnh.

Là doanh nghiệp hoạt động trong 3 lĩnh vực chính gồm nhập khẩu ủy thác, phân phối thuốc - thực phẩm chức năng và hệ thống nhà thuốc bán lẻ, ông Hoàng Tuấn Anh, Giám đốc Công nghệ thông tin, Công ty Cổ phần Dược phẩm ECO chia sẻ, công ty đã đưa ra các giải pháp về truy xuất nguồn gốc sản phẩm như mã QR tuy nhiên, hàng giả như "ma trận". Thêm vào đó, những giải pháp xác thực hiện nay chủ yếu do doanh nghiệp tự mày mò hoặc từ các công ty công nghệ nhưng chưa được cơ quan nhà nước kiểm chứng.

Từ thực tiễn áp dụng các giải pháp truy xuất nguồn gốc tại doanh nghiệp, ông Hoàng Anh Tuấn chỉ ra năm vấn đề tồn tại. Đó là hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc chỉ phục vụ nội bộ doanh nghiệp; thiếu đồng bộ quy chuẩn, quy định về dữ liệu ở quy mô quốc gia; các giải pháp phân mảnh dẫn đến doanh nghiệp phải tăng chi phí đầu tư; chưa có nền tảng định danh được Nhà nước bảo chứng dẫn đến thiếu tính xác thực. Cuối cùng là thông tin vòng đời sản phẩm thiếu minh bạch do dữ liệu rời rạc, phân tán. Vì vậy theo ông Hoàng Anh Tuấn, truy xuất nguồn gốc không chỉ giúp kiểm soát chất lượng mà còn là “bảo chứng niềm tin” với người tiêu dùng, đặc biệt trong lĩnh vực dược phẩm.

* NDA Trace - giải pháp truy xuất nguồn gốc toàn diện

“Không thể chấp nhận để hàng giả, hàng nhái tồn tại trong nền kinh tế, đặc biệt là hàng giả trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Phải kiên quyết bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ người làm ăn chân chính và danh dự quốc gia”, trích dẫn ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Đại tá Phạm Minh Tiến khẳng định, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thể hiện rõ tinh thần quyết liệt, nhất quán của Đảng, Nhà nước trong bảo vệ sức khỏe nhân dân, phòng chống tiêu cực, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác quản lý.

Từ góc độ cơ quan quản lý dữ liệu quốc gia, Đại tá Phạm Minh Tiến cho rằng, việc xây dựng, triển khai các nền tảng công nghệ truy xuất nguồn gốc hiện đại, ứng dụng công nghệ mới như blockchain chính là giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng và doanh nghiệp, góp phần nâng cao uy tín quốc gia và thúc đẩy phát triển nền kinh tế số có trách nhiệm.

Theo Đại tá Phạm Minh Tiến, điều có ý nghĩa hơn cả là những nền tảng này do chính các doanh nghiệp Việt Nam làm chủ, phát triển dựa trên năng lực nội tại, phù hợp với đặc thù của thị trường Việt Nam và từng bước được chuẩn hóa, kết nối vào hạ tầng dữ liệu quốc gia. Trung tâm Dữ liệu quốc gia cam kết đồng hành, hỗ trợ về thể chế, kỹ thuật và an ninh để các nền tảng truy xuất phát triển bền vững, đóng góp cho công tác quản lý nhà nước cũng như lợi ích của người tiêu dùng.

Quán triệt tinh thần đó, Hiệp hội Dữ liệu quốc gia đã xây dựng nền tảng định danh, xác thực NDA Trace. Với hệ thống truy xuất nguồn gốc dựa trên công nghệ nội địa (blockchain, định danh số…), Việt Nam có thể kiểm soát dữ liệu trong nước, hạn chế phụ thuộc vào nền tảng ngoại và giữ vững chủ quyền dữ liệu.

Ông Nguyễn Huy, Trưởng ban Công nghệ Hiệp hội Dữ liệu quốc gia cho biết, NDA Trace là hệ thống định danh (tổ chức, doanh nghiệp, sản phẩm) - xác thực (thông tin hàng hóa và hoạt động chuỗi cung ứng ) - truy xuất (tra cứu vòng đời, nguồn gốc sản phẩm). Nhờ ứng dụng nền tảng blockchain quốc gia (NDA Chain) và công nghệ định danh phi tập trung (NDA DID), mỗi sản phẩm được gắn một mã định danh duy nhất, giúp theo dõi minh bạch toàn bộ hành trình từ sản xuất đến tay người tiêu dùng. Mọi thao tác của các chủ thể trong chuỗi cung ứng đều được ghi nhận và xác thực, không thể làm giả, không thể chỉnh sửa, bảo đảm minh bạch tuyệt đối.

Thông qua cổng dịch vụ NDA Trace Portal, doanh nghiệp dễ dàng khởi tạo thông tin định danh sản phẩm - mã NDA Trace UID. NDA Trace UID được gắn trên bao bì sản phẩm dưới dạng mã QR hoặc chip RFID, không chỉ bảo đảm tính an toàn mà còn giúp dễ dàng xác thực sản phẩm qua từng công đoạn.

NDA Trace UID đáp ứng chuẩn quốc tế GS1 và tương thích với hệ thống xác thực, truy xuất toàn cầu EBSI TRACE4EU, hỗ trợ toàn diện cho doanh nghiệp kết nối chuỗi cung ứng xuyên biên giới, từ sản xuất, xuất nhập khẩu đến phân phối và tiêu dùng trong nước.

Các chủ thể trong chuỗi cung ứng, từ nhà máy sản xuất, đơn vị nhập khẩu, đơn vị kiểm định, kho vận cho tới các cửa hàng, kênh phân phối, sử dụng NDATrace quét mã UID trên từng sản phẩm để ký xác thực hoạt động sản xuất, nhập khẩu, kiểm định chất lượng, đóng gói, vận chuyển và bán hàng. Hoạt động xác thực này được ghi nhận đầy đủ dưới dạng chứng chỉ số (VC) xuyên suốt vòng đời sản phẩm.

Người dùng có thể dễ dàng quét mã UID để truy xuất nguồn gốc từng sản phẩm; có thể xác nhận mua hàng, tham gia các chương trình tích luỹ điểm thành viên và chăm sóc khách hàng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục