Xuất khẩu 2016: Bài 2 - Đơn giản hóa thủ tục để tận dụng ưu đãi từ FTA

09:45' - 06/11/2016
BNEWS Kinh tế Việt Nam đang phát triển nên việc tăng khả năng cạnh tranh hàng hoá vào các thị trường xuất khẩu lớn thông qua việc ký kết các FTA có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Việc ký kết các FTA có ý nghĩa vô cùng quan trọngđối với xuất khẩu Việt Nam. Ảnh: Quách Lắm-TTXVN

Theo đánh giá của giới chuyên gia, là nền kinh tế đang phát triển nên việc tăng khả năng cạnh tranh hàng hoá của Việt Nam vào các thị trường xuất khẩu lớn thông qua việc ký kết các FTA có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Điều này càng trở nên ý nghĩa hơn khi những lợi thế cạnh tranh khác trong thương mại như giá nhân công rẻ, lợi thế tài nguyên đã bão hòa, không có tính bền vững. Cùng với đó, những yếu tố như thương hiệu, chất lượng sản phẩm cũng cần một chiến lược phát triển lâu dài.

Thông qua các lộ trình cắt giảm và xóa bỏ hàng rào thuế quan và phi thuế quan, hàng hoá Việt Nam có thể dễ dàng tiếp cận các thị trường cũng như các quốc gia đối tác trong FTA. Hơn nữa, trước làn sóng FTA song phương và đa phương đang diễn ra sôi động, Việt Nam nếu không tích cực tham gia các FTA sẽ bị gạt ra khỏi sân chơi toàn cầu.

Nhận định về những hiệu quả mà những Hiệp định FTA mang lại, ông Trần Bá Cường, Trưởng phòng Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) - chuyên gia đàm phán Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua, không ít các doanh Việt Nam đã tận dụng được những ưu thế của FTA.

Tuy nhiên, những thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam là chưa hiểu biết nhiều về FTA và các cách tận dụng FTA. Một số doanh nghiệp mặc dù có hiểu biết về quy tắc xuất xứ nhưng việc áp dụng vào thực tế còn lúng túng.

Tuy nhiên ông Trần Bá Cường cũng thẳng thắn thừa nhận việc  không ít doanh nghiệp chưa cập nhật đầy đủ về cam kết cắt giảm thuế quan hàng năm của các đối tác trong các FTA với Việt Nam như Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc...

Cùng với đó, hầu hết doanh nghiệp chưa nắm bắt được hay cập nhật đầy đủ các thông tin về hàng rào kỹ thuật và các biện pháp kiểm dịch động thực vật. Doanh nghiệp chưa nghiên cứu cụ thể về quy tắc xuất xứ, mức cắt giảm thuế quan trước khi lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu. Điều này dẫn đến những rủi ro có thể phát sinh khi xuất khẩu.

Đóng gói cà phê xuất khẩu của Tổng công ty Cà phê Việt Nam tại tỉnh Bình Dương. Ảnh: Vũ Sinh-TTXVN

Xuất phát từ những bất cập này mà Bộ Công Thương đã xây dựng và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tăng cường quản lý chứng nhận xuất xứ nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian cấp C/O thông qua việc tăng cường cấp C/O điện tử cũng như hoàn thiện hệ thống cấp giấy chứng nhận xuất xứ điện tử, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cho phép doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho mình.

Đây là bước tiến lớn trong lộ trình giúp doanh nghiệp tận dụng tốt những ưu đãi trong FTA. Ngoài ra, bên cạnh việc tuyên truyền, một số giải pháp thiết thực khác đã và đang được triển khai như rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận xuất xứ cho hàng hóa từ 3 ngày làm việc xuống còn 4 - 8 tiếng trong ngày.

Song hành với đó, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Bộ Công Thương đang triển khai Đề án phát triển xuất khẩu bền vững; trong đó đề ra những giải pháp cụ thể nhằm cơ cấu lại thị trường, đổi mới tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm và sản phẩm xuất khẩu nhằm giúp doanh nghiệp không bị vấp bởi các rào cản thương mại khi xuất khẩu sang các thị trường.

Đặc biệt, nhiệm vụ trọng tâm cho năm 2016 và những năm tiếp theo của Bộ Công Thương là tổ chức tuyên truyền, giới thiệu, cung cấp thông tin về hội nhập, đặc biệt là những cơ hội, thách thức tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Không chỉ vậy, Bộ Công Thương đang nỗ lực triển khai có hiệu quả và trọng tâm Đề án thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp vào mạng phân phối toàn cầu giai đoạn đến 2020.

Bên cạnh đó, đa dạng các hình thức, phương thức xúc tiến thương mại, tăng cường hợp tác với các nước bạn trong tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại theo chuỗi giá trị vào sâu trong hệ thống phân phối nội địa của các nước.

Riêng với các nhóm hàng, mặt hàng có khả năng cạnh tranh, thị trường ổn định, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh việc tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu các mặt hàng chủ lực, bảo đảm chất lượng gắn với xây dựng thương hiệu.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng khuyến cáo doanh nghiệp ngoài những chính sách hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý Nhà nước cần nắm rõ về khung pháp lý của thị trường, nhất là vệ sinh, an toàn thực phẩm và các rào cản kỹ thuật để chủ động xây dựng các biện pháp khắc phục kịp thời.

Cùng đó, chủ động triển khai thực hiện hiệu quả các cam kết hội nhập quốc tế, nhất là trong khuôn khổ Cộng đồng ASEAN và các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết, góp phần đưa xuất khẩu phát triển nhanh và bền vững./.

Xem thêm:

>> Xuất khẩu 2016: Nhiều khó khăn nảy sinh

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục