Xung quanh vụ Amazon thâu tóm Whole Foods với giá 13,7 triệu USD

20:07' - 18/06/2017
BNEWS Thương vụ của tập đoàn Amazon nhằm mua lại chuỗi siêu thị nông sản hữu cơ Whole Foods với giá 13,7 triệu USD được coi là một “cơn địa chấn” đối với ngành thực phẩm thế giới.

Thương vụ diễn ra giữa bối cảnh nhu cầu thương mại điện tử tăng cao trong thời gian qua đang khiến nhiều “đại gia” bán lẻ điêu đứng.

Xung quanh vụ Amazon thâu tóm Whole Foods với giá 13,7 triệu USD. Ảnh minh họa: Popsugar

Bên cạnh tạo điều kiện để một chuỗi siêu thị thực phẩm phi điện tử lần đầu lấn sân sang thị trường thương mại điện tử toàn cầu, việc mua lại Whole Foods còn giúp Amazon thâu tóm trên 450 cửa hàng của Whole Foods tại Mỹ, Canada và Anh quốc.

Thỏa thuận trị giá 13,7 triệu USD được cho là sẽ thúc đẩy những nỗ lực hiện nay của các cửa hàng thực phẩm nhằm đưa hình thức mua bán qua ứng dụng điện thoại di động gần gũi hơn tới người dùng, tăng cường việc thương hiệu hóa các sản phẩm, mua bán đặc sản và xóa bỏ những khó khăn trong quá trình giao hàng.

Đi kèm với đó, mức giá cạnh tranh của Amazon cũng tạo áp lực khiến các chuỗi siêu thị buộc phải cắt giảm chi phí để tiếp tục, hay thậm chí là “châm ngòi” cho những thương vụ mua bán và sáp nhập khác của các “đại gia” trong ngành thực phẩm.

Joe Agnese, chuyên gia phân tích đến từ hãng nghiên cứu CFRA, cho hay thương vụ này được quan tâm vì người ta kỳ vọng sự tham gia của Amazon vào thị trường thực phẩm sẽ mang lại sự thay đổi lớn, giúp cải thiện quá trình giao hàng cũng như mang lại một mức giá cạnh tranh hơn tới khách hàng.

Tuy nhiên, ở một góc độ khác, theo giới phân tích, cái bắt tay giữa Amazon và Whole Foods sẽ mang lại một sự gián đoạn nghiêm trọng.

Barry C. Lynn, Giám đốc Chương trình Thị trường Mở tại trung tâm nghiên cứu New America, nhận định các cơ quan thực thi chống độc quyền của chính phủ cần ngăn chặn thương vụ sáp nhập này, cho rằng sự tồn tại của Amazon vốn đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các thị trường sách và âm nhạc của Mỹ, và đang trên đà chuẩn bị thâu tóm những lĩnh vực chủ chốt khác.

Giám đốc Lynn nói Amazon đã thống lĩnh mọi ngóc ngách của thương mại điện tử và đang sử dụng quyền lực của mình để áp đặt các điều khoản cũng như mức giá đối với rất nhiều mặt hàng quan trọng tại Mỹ.

Và giờ, “gã khổng lồ” này đang tận dụng lợi thế đó để lấn sân sang lĩnh vực bán lẻ phi điện tử.

Theo hãng nghiên cứu GlobalData Retail, Whole Foods chỉ chiếm khoảng 1,2% thị phần của thị trường thực phẩm và tạp hóa Mỹ, trong khi con số này của Amazon là 0,2%. Đối thủ lớn nhất trong ngành là Wal-Mart với 14,5% thị phần và Kroger với 7,2%.

Thỏa thuận đang gây tranh cãi với Whole Foods đã củng cố thêm đà phát triển thần kỳ của Amazon, từ một nhà bán lẻ sách trực tuyến vào những năm 1990, đã vươn lên thành một tập đoàn bán lẻ đa dạng với những ưu thế vượt trội trong các chuỗi cung ứng và hậu cần.

Doanh thu của Amazon đã tăng từ 34 tỷ USD trong năm 2010 lên 136 triệu USD trong năm 2016./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục