PVFCCo và quyết tâm hiện thực hóa tầm nhìn trở thành doanh nghiệp toàn cầu
Năm 2023 đánh dấu cột mốc 20 năm trên hành trình đi tới tương lai của Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo)-một trong những đơn vị tiên phong, tiêu biểu trong lĩnh vực chế biến dầu khí của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Kể từ khi thành lập đến nay, PVFCCo đã sản xuất và cung ứng hàng chục triệu tấn phân bón và hóa chất dầu khí, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, an ninh nông nghiệp, tạo bệ đỡ cho nền kinh tế trong những giai đoạn khó khăn nhất.
Trên chặng đường đồng hành cùng nền nông nghiệp Việt Nam và những người nông dân một nắng hai sương cho mùa bội thu, PVFCCo đã đối mặt với không ít khó khăn thách thức, nhất là trong đại dịch toàn cầu COVID-19 vừa qua. Tuy nhiên, với bản lĩnh của một doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực phân bón và hóa chất dầu khí, PVFCCo đã vượt mọi khó khăn để lập nên những kỳ tích trong lịch sử phát triển doanh nghiệp.
PVFCCo đã được các tổ chức uy tín đánh giá là một trong các doanh nghiệp có quy mô lớn nhất, hoạt động tốt nhất, quản trị minh bạch nhất, thương hiệu có giá trị nhất Việt Nam. Nhà máy đạm Phú Mỹ của PVFCCo được đánh giá là một trong những dự án hiệu quả nhất không chỉ trong khối doanh nghiệp Nhà nước khi vốn đầu tư ban đầu chưa tới 4 nghìn tỷ đồng nhưng trong 2 thập kỷ qua đã mang lại lợi nhuận hơn 35 nghìn tỷ đồng, đóng góp cho ngân sách hơn 8 nghìn tỷ đồng.
Nhìn lại hành trình đã qua với những thành công nẩy mầm từ các nỗ lực không mệt mỏi, ông Lê Cự Tân - Tổng Giám đốc PVFCCo đã chia sẻ với phóng viên TTXVN về quyết tâm hiện thực hoá tầm nhìn trở thành doanh nghiệp nông nghiệp và hóa chất toàn cầu, tạo nên chuỗi giá trị phát triển bền vững trong xu thế tất yếu của thời đại gắn liền với chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Thưa ông, trong 2 thập kỷ vừa qua, PVFCCo đã vượt nhiều khó khăn, thách thức để lập nên những kỳ tích. Vậy ông có thể chia sẻ về một kỳ tích đáng nhớ nhất với tập thể lãnh đạo và người lao động PVFCCo?
Ông Lê Cự Tân: Gọi là kỳ tích sợ hơi quá, trong 20 năm qua quả thực PVFCCo đã có nhiều thành tựu trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, điều mà tất cả tập thể người lao động PVFCCo sẽ luôn nhớ mãi có lẽ là những nỗ lực phi thường để làm nên những thành tích đặc biệt trong hai năm 2021-2022 khi mà đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu, cộng thêm những tác động nặng nề của bất ổn kinh tế - chính trị trên thế giới khiến hàng loạt quốc gia và doanh nghiệp gặp phải khó khăn chưa từng thấy.
Trong hoàn cảnh đó, ngay khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, PVFCCo đã thực hiện giải pháp làm việc ba tại chỗ, tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 sớm cho người lao động và rất nhiều các biện pháp phòng chống dịch khác. Trong giai đoạn giãn cách toàn xã hội, Ban lãnh đạo Tổng công ty, Ban giám đốc Nhà máy Đạm Phú Mỹ đã trực tiếp bám trụ “3 tại chỗ”, cùng chia sẻ khó khăn, động viên đội ngũ CBNV tại Nhà máy cũng như tại trụ sở Tổng công ty.
Đặc biệt, ngay trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang ở giai đoạn cao điểm năm 2021, PVFCCo đã thực hiện thành công đợt bảo dưỡng tổng thể lần thứ 10 Nhà máy Đạm Phú Mỹ; đạt toàn bộ các mục tiêu: An toàn cao nhất, chất lượng tốt nhất, tiết kiệm nhiều nhất, tiến độ nhanh nhất.
Bên cạnh đó, PVFCCo đã nâng cao công tác dự báo, đánh giá các khó khăn, nhất là sự đứt gãy của chuỗi cung ứng, từ đó có các đối sách phù hợp. Nhờ vậy, chuỗi sản xuất cung ứng phân bón Phú Mỹ được duy trì liên tục, góp phần đáp ứng nhu cầu phân bón cho sản xuất nông nghiệp trong nước, cũng như chủ động, linh hoạt xuất khẩu khi nhu cầu trong nước vào thời kỳ thấp điểm.
Nhờ các nỗ lực vượt bậc đó, năm 2021 các kết quả về sản xuất, doanh thu, lợi nhuận đều vượt xa so với kế hoạch.
Tiếp nối năm 2021, năm 2022 nhà máy Đạm Phú Mỹ ghi nhận kỷ lục vận hành liên tục và dài ngày nhất từ trước đến nay. Xưởng Amonia đã chạy liên tục 464 ngày và xưởng ure chạy liên tục 279 ngày, bỏ xa kỷ lục năm 2016 trước đó. Thực tế là với một nhà máy có tuổi đời gần 2 thập kỷ, máy móc sau thời gian dài đã đến thời kỳ lão hóa, lại đã thực hiện thêm các hạng mục tăng công suất, việc lập kỷ lục này là kỳ tích hiếm có. Cho đến nay, Nhà máy Đạm Phú Mỹ là một trong số những nhà máy hiếm hoi trên thế giới được trao Chứng nhận vận hành xuất sắc của Nhà bản quyền Haldor Topsoe.
Cũng trong năm 2022, PVFCCo đã lập các kỷ lục về sản lượng xuất khẩu, doanh thu và lợi nhuận. Có thể nói, hai năm 2021 – 2022 là hai năm cực kỳ đáng nhớ trong lịch sử PVFCCo cho tới nay.
Năm 2014, PVFCCo đã quyết định đầu tư Tổ hợp Dự án tăng thêm 20% công suất xưởng NH3 và Nhà máy sản xuất NPK công nghệ hóa học với suất đầu tư khá lớn trong bối cảnh công suất thiết kế của các Nhà máy NPK trong nước ở thời điểm đó đã hơn 4 triệu tấn/năm tức là tương đương nhu cầu NPK của Việt Nam. Vậy ông có nghĩ đây là một trong những quyết định khó khăn nhất của PVFCCo? Đến nay thì Nhà máy NPK Phú Mỹ hoạt động ra sao thưa ông?
Ông Lê Cự Tân: Thực ra chủ trương đầu tư Nhà máy NPK đã được PVFCCo đưa ra xem xét ngay từ khi bước qua tuổi thứ 5. Với lợi thế về nguồn Amoniăc (NH3), việc triển khai đầu tư Tổ hợp dự án sẽ không chỉ tạo sự khác biệt về sản phẩm NPK so với các sản phẩm phối trộn giản đơn của công nghệ “cuốc xẻng” trên thị trường mà còn tạo tiền đề phát triển mảng hóa chất.
Dù có cơ sở thuyết phục như vậy, nhưng quyết định đầu tư dự án khi đó thực sự là khó khăn, đòi hỏi nhiều bản lĩnh, bởi Tổ hợp Dự án có suất đầu tư lên tới gần 5.000 tỷ đồng và Việt Nam chưa có đơn vị nào triển khai.
Không chỉ khó khăn khi ra quyết định đầu tư, việc triển khai dự án cũng gặp rất nhiều khó khăn.
Tiếp đó là những thách thức, cam go trong quá trình làm chủ công nghệ và vận hành Nhà máy NPK công nghệ hóa học đầu tiên tại Việt Nam. “Gian nan thử sức”, đội ngũ vận hành của PVFCCo đã nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu các giải pháp để ngày càng hoàn thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm. Sau 5 năm hoạt động, bộ sản phẩm NPK Phú Mỹ với gần 50 công thức đã trở thành một trong những bộ sản phẩm chủ lực của PVFCCo.
Như vậy với Tổ hợp dự án này PVFCCo đã cùng lúc đạt được hai mục tiêu chính trong chiến lược phát triển của mình. Thứ nhất là đa dạng hóa bộ sản phẩm phân bón – sản phẩm chủ lực của PVFCCo. Thứ hai là tạo tiền đề, cơ sở để phát triển mảng hóa chất. Sau khi dự án đi vào hoạt động, tỷ trọng của mảng hóa chất đã tăng mạnh trong sản lượng, doanh thu và lợi nhuận của Tổng công ty. Xưởng hóa phẩm dầu khí, xưởng UFC vận hành từ năm 2015-2016 đã giúp PVFCCo trở thành một trong những nhà cung cấp hóa chất chuyên dụng lớn của Việt Nam, trong đó có sản phẩm UFC85 thay thế hoàn toàn nguồn nhập khẩu. Sau khi xưởng NH3 nâng công suất thêm 90.000 tấn, PVFCCo trở thành đơn vị cung cấp NH3 lớn nhất tại phía Nam với khoảng 90% thị phần.
Thưa ông, sự phát triển của các doanh nghiệp hiện nay không thể tách rời xu thế tất yếu của thời đại như chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Vậy chiến lược phát triển của PVFCCo là gì để có thể thích ứng?
Ông Lê Cự Tân: Để tồn tại và phát triển bền vững trong bối cảnh đó, PVFCCo đã tiến hành cập nhật chiến lược phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035, với định hướng phát triển theo 3 trục chính gồm: Sản phẩm phân bón; Chuỗi các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến phân bón và nông nghiệp; Hóa chất và hóa dầu.
Trong giai đoạn từ nay tới 2030, PVFCCo tập trung đầu tư mở rộng quy mô sản xuất phân bón và hóa chất trên nguyên tắc sử dụng tối ưu cơ sở hạ tầng, nguồn lực của PVFCCo, tích hợp nhà máy Đạm Phú Mỹ hiện hữu với các dự án lọc hóa dầu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Trong giai đoạn 2031-2035, vận hành và khai thác các dự án mang lại hiệu quả tối đa, trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong nước về phân bón và hóa chất, có thương hiệu toàn cầu.
Để thực hiện chiến lược phát triển này, PVFCCo đang nỗ lực thực hiện các dự án đầu tư, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới.
Thưa ông, sản xuất phân bón là lĩnh vực cốt lõi của PVFCCo trong mọi giai đoạn phát triển. Vậy định hướng triển khai cụ thể của PVFCCo là gì?
Ông Lê Cự Tân: Xác định đây là lĩnh vực cốt lõi với nhiều thế mạnh, trong những năm gần đây PVFCCo đã liên tục nghiên cứu, phát triển các dòng sản phẩm như đạm Phú Mỹ + KeBo bổ sung vi lượng Boron và kẽm, giúp tăng sức chống chịu, đề kháng cho cây trồng, làm tăng hương vị và chất lượng nông sản; sản phẩm NPK vi sinh giúp cải tạo đất, tăng hiệu suất sử dụng và thân thiện môi trường.
Mới đây nhất PVFCCo cho ra mắt dòng sản phẩm cao cấp chuyên dùng cho nông nghiệp đô thị. Đây là một thị trường ngách nhưng rất tiềm năng, vì ngoài phân bón còn có thể cung cấp các dịch vụ liên quan khác với giá trị gia tăng cao, đúng với định hướng phát triển của PVFCCo.
Trong Chiến lược phát triển đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045, PVFCCo đặt mục tiêu tiếp tục đa dạng hóa bộ sản phẩm theo hướng phân bón hữu cơ, phân bón thông minh thế hệ mới. Ví dụ, sản phẩm ure sẽ được bổ sung trung vi lượng, các hoạt chất kích thích sinh học, điều hòa sinh trưởng, miễn dịch cây trồng, urea với công nghệ nano…
Nhóm NPK phát triển theo hướng phân bón thông minh, như NPK nhả chậm có kiểm soát, NPK khoáng sinh học và khoáng hữu cơ, NPK có bổ sung vi lượng nano…
Với nhóm phân hữu cơ cho sản xuất nông nghiệp xanh, PVFCCo định hướng 3 nhóm chính gồm phân hữu cơ sinh học, phân vi sinh và phân hữu cơ khoáng, khai thác các vùng có lợi thế về nguồn nguyên liệu hữu cơ thô để sản xuất quy mô lớn, ứng dụng công nghệ hiện đại.
Không chỉ đảm bảo cung ứng phân bón chất lượng cao ở trong nước, những năm gần đây, PVFCCo đã nỗ lực vươn ra thị trường thế giới với sản lượng xuất khẩu phân bón liên tục tăng cao, góp phần đưa Việt Nam từ một nước nhập khẩu phân bón lên bản đồ xuất khẩu phân bón thế giới. Thưa ông, đây có phải là một trong những bước triển khai cụ thể để hiện thực hoá tầm nhìn trở thành doanh nghiệp toàn cầu của PVFCCo?
Ông Lê Cự Tân: Đúng vậy, trong những năm gần đây, PVFCCo chú trọng phát triển kinh doanh quốc tế, lượng hàng xuất khẩu hàng năm tăng cao và uy tín, vị thế nhà xuất khẩu phân bón của PVFCCo đã được ghi nhận trên bản đồ kinh doanh phân bón quốc tế.
Các thị trường nước ngoài mà sản phẩm của PVFCCo có mặt hầu hết là các thị trường lớn, khó tính như Ấn Độ, Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc), Phillipinnes. Việc mở rộng kinh doanh quốc tế trong thời gian qua vừa là giải pháp kinh doanh quan trọng, vừa là tiền đề để PVFCCo hiện thực hóa tầm nhìn trở thành doanh nghiệp toàn cầu.
Trong những năm tới, PVFCCo phấn đấu đạt các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế về ứng dụng công nghệ sản xuất hiện đại để đáp ứng các tiêu chuẩn cao về chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường; thỏa mãn các tiêu chuẩn toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp và dịch vụ khách hàng, gia tăng trải nghiệm khách hàng.
Để hiện thực hoá chiến lược phát triển trong giai đoạn mới, PVFCCo đang đẩy mạnh tái cấu trúc, chuyển đổi số để thay đổi toàn diện mô hình, phương thức hoạt động của từng bộ phận và của toàn Tổng công ty. PVFCCo đã thành lập Trung tâm nghiên cứu ứng dụng để nghiên cứu sản phẩm mới, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh, quản trị doanh nghiệp. Với năng lực đã được vun trồng trong 2 thập kỷ qua và ý chí của mình, PVFCCo tin tưởng sẽ tiếp tục vững bước trên hành trình đi tới tương lai./.
Xin cảm ơn ông!
- Nguồn: Bnews
- Tác giả: Anh Nguyễn
- Biên tập: Lê Phương
- Đồ họa: Lê Phương