Việt Nam ứng phó với "bão" lạm phát toàn cầu

Cùng ứng phó với "bão" lạm phát toàn cầu

Những đứt gãy của chuỗi cung ứng do đại dịch COVID-19 và sau đó là những tác động từ xung đột giữa Nga và Ukraine đã khiến giá năng lượng và lương thực tăng vọt trên toàn cầu.

Bắt đầu từ các nền kinh tế phát triển, lạm phát trở thành câu chuyện chung của không ít các quốc gia. Tuy nhiên, với Việt Nam, lạm phát hiện nay vẫn được kiểm soát tốt nhờ chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và tự chủ được nguồn cung cấp nhu yếu phẩm ở trong nước.

TTXVN thực hiện chùm bài "Lạm phát thế giới tác động ra sao tới Việt Nam?", trong đó nêu bật nỗ lực ứng phó với tình trạng lạm phát phi mã của các ngân hàng trung ương trên thế giới cùng với sự điều hành nhịp nhàng chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác của Chính phủ Việt Nam để đạt được các mục tiêu về tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát. Những nỗ lực này đã được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.

Cùng ứng phó với "bão" lạm phát toàn cầu

Kinh tế thế giới rơi vào trạng thái lạm phát đình đốn sau một thời gian chống chọi với khủng hoảng dịch bệnh. Thêm vào đó, áp lực tăng lãi suất ở các nền kinh tế chủ chốt ngày càng gia tăng. Những điều này đã và sẽ tác động không nhỏ đến Việt Nam.

Trong bối cảnh đó Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023 được Quốc hội thông qua vào ngày 10/11/2022 tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao năng lực nội tại, tính tự lực, tự chủ, khả năng chống chịu và thích ứng của nền kinh tế...

Tại Mỹ, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 9/2022 tăng 8,2% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi tăng 8,3% trong tháng Tám, trong đó giá thực phẩm, chi phí cho nhà ở và y tế tăng đã gây khó khăn cho người tiêu dùng.

Nhà Trắng ra thông cáo cho biết Tổng thống Joe Biden nhận định tỷ lệ lạm phát trong tháng Chín cho thấy một số tiến triển trong cuộc chiến chống lại giá tiêu dùng tăng cao, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm. Vì vậy, Tổng thống Biden coi việc chống lạm phát là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ.

Theo những công bố mới nhất, lạm phát ở nhiều nền kinh tế châu Âu lúc này đã chạm đến mức 2 con số. Lạm phát ở Đức, Italy, Pháp tiếp tục ghi nhận các kỷ lục mới, cao nhất trong vài chục năm. Tại những nước phát triển như Anh, lạm phát và giá năng lượng cao cũng đang khoét sâu vào túi tiền của nhiều hộ gia đình. Ngày càng nhiều người không còn khả năng thanh toán tiền khí đốt hoặc tiền điện.

Đồng Euro và đồng USD. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo số liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), chỉ số CPI tháng 10/2022 trong Khu vực đồng euro (Eurozone) đã tăng 10,1% so với mức 9,9% trong tháng 9/2022. Số liệu trong tháng 9/2022 tương đương với mức ghi nhận được trong tháng 7/2022 và là mức cao nhất trong 40 năm do hóa đơn năng lượng tăng vọt.

Tại Nhật Bản, chỉ số CPI cơ bản ở nước này trong tháng 9/2022 tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tháng thứ 13 liên tiếp chỉ số này tăng, nhưng là lần đầu tiên chạm ngưỡng 3% kể từ năm 2014. Đáng chú ý, đây là tháng thứ 6 liên tiếp chỉ số này cao hơn mức mục tiêu 2% của Ngân hàng trung ương Nhật Bản. Nếu loại trừ tác động của các đợt tăng thuế tiêu dùng, đây là mức tăng CPI cơ bản (không bao gồm biến động giá thực phẩm tươi sống) cao nhất kể từ năm 1991.

Tại Argentina, tỷ lệ lạm phát thậm chí có thể lên tới 100% trong năm nay. Bãi rác ở ngoại ô thủ đô Buenos Aires ngày càng có đông người đến kiếm sống. Họ tìm kiếm tất cả những gì có thể bán được như bìa carton, kim loại, nhựa. Thậm chí có cả những người tìm kiếm thức ăn hay quần áo còn sử dụng được tại bãi rác này.

Hàng triệu người dân Sri Lanka cũng đang lao đao khi lạm phát tăng lên hơn 70%. Sri Lanka đang vật lộn với cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ qua. Các mặt hàng thiết yếu từ thực phẩm đến nhiên liệu đều tăng phi mã.

Để hạ nhiệt lạm phát, tăng lãi suất là một giải pháp được các ngân hàng trung ương lựa chọn. Mục tiêu là giảm cung tiền trong nền kinh tế, qua đó giảm sự tăng giá hàng hoá. Xu hướng tăng lãi suất cũng nhằm bảo vệ đồng nội tệ trước sự tăng giá của đồng USD.

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Kristalina Georgieva nêu rõ: "Lạm phát cao đang làm suy yếu tăng trưởng và tác động nặng nề nhất tới những nhóm người nghèo nhất trong nền kinh tế. Đó là lý do tại sao các ngân hàng trung ương cần phải can thiệp chính sách nhằm kìm hãm lạm phát. Thời gian qua, các ngân hàng trung ương tăng lãi suất để đạt tới một mức lãi suất phù hợp kiềm chế lạm phát".

Theo thống kê của hãng tin Bloomberg, tính đến cuối quý III/2022, khoảng 90 ngân hàng trung ương trên thế giới đã nâng lãi suất. Các ngân hàng đã thực hiện 257 lượt tăng, cao hơn gấp đôi so với cả năm 2021. Một nửa trong số đó có ít nhất một lần tăng với mức từ 0,75 điểm phần trăm trở lên.

Trụ sở Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tại Washington, DC. Ảnh: THX/TTXVN

Để kiềm chế giá tiêu dùng tăng vọt, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang hành động với tốc độ nhanh nhất trong nhiều thập kỷ. Fed tăng lãi suất lần đầu tiên vào tháng Ba với 0,25 điểm phần trăm, tiếp đến là một lần tăng 0,5 điểm phần trăm sau đó và được tiếp nối bởi 4 lần tăng mạnh liên tiếp 0,75 điểm phần trăm mỗi lần, lên 3,75-4% tính đến đầu tháng 11.

Trong bối cảnh các cơ quan giám sát tiền tệ châu Âu đang phải gồng mình ứng phó với mức lạm phát cao kỷ lục ở Eurozone, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tại cuộc họp ngày 27/10 thông báo tiếp tục tăng các mức lãi suất chủ chốt thêm 0,75 điểm phần trăm lên 2%. Đây là lần tăng lãi suất thứ ba liên tiếp và là lần tăng lớn thứ hai trong lịch sử của ngân hàng này.

Tại Anh, Ngân hàng trung ương (BoE) ngày 3/11 đã công bố quyết định tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm lên 3%, lần tăng lãi suất lớn nhất kể từ năm 1989. Đây là lần tăng lãi suất thứ tám liên tiếp của BoE, làm tăng chi phí đi vay, dù có những dự báo ảm đạm cho thấy triển vọng kinh tế Anh xấu đi trong năm tới. BoE cho biết sẽ vẫn cần phải tăng thêm lãi suất để kiềm chế lạm phát, kéo lạm phát trở lại mục tiêu 2%, nhưng tỷ lệ đỉnh sẽ thấp hơn mức mà thị trường tài chính dự báo hiện nay.

Tuy nhiên, lạm phát toàn cầu dường như dai dẳng và khó giải quyết hơn so với dự tính ban đầu. Nhiều ngân hàng trung ương đã phát đi những tín hiệu về việc sẽ tiếp tục sử dụng công cụ lãi suất để ứng phó lạm phát trong thời gian tới.

Đặc biệt, động thái tăng lãi suất của Fed đang đẩy đồng USD tăng mạnh trong năm nay so với các đồng tiền khác. Thêm một áp lực lên tỷ giá để ít ngân hàng trung ương nào có thể đứng ngoài các can thiệp lãi suất.

Chủ tịch ECB Christine Lagarde. Ảnh: AFP/TTXVN

Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết ngân hàng này sẽ tiếp tục tăng lãi suất để chống lạm phát, ngay cả khi nguy cơ suy thoái tại Eurozone gia tăng. Bà Lagarde khẳng định nhiệm vụ của ECB là ổn định giá cả và ngân hàng sẽ sử dụng tất cả các công cụ có sẵn để đưa lạm phát trở lại mức mục tiêu. Nhiều nhà hoạch định chính sách hiện đang ủng hộ một lập trường quyết liệt hơn, cho rằng ECB nên can thiệp mạnh tay hơn để đối phó với áp lực lạm phát.

Từ đầu năm đến nay, kinh tế thế giới có nhiều biến động khó lường, nhiều ngân hàng trung ương tăng lãi suất, áp lực lạm phát gia tăng. Dù vậy, kinh tế Việt Nam vẫn có những kết quả tăng trưởng nhất định: kinh tế vĩ mô duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số CPI bình quân 10 tháng tăng 2,89%. Đóng góp vào thành công đó có vai trò quan trọng của chính sách tiền tệ.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, bối cảnh quốc tế đặt ra áp lực không chỉ đối với Việt Nam mà với tất cả các quốc gia trên thế giới. Theo Thống đốc, khi chúng ta hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới là chúng ta đã sẵn sàng tâm thế, chủ động ứng phó với những biến động của thị trường quốc tế. Thực tế thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã rất chủ động, phản ứng kịp thời. Nhờ đó, tâm lý thị trường đã được ổn định.

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, với áp lực Fed tăng lãi suất thì việc đầu tiên và quan trọng nhất là giữ ổn định kinh tế vĩ mô; trong đó giữ ổn định tiền tệ là cốt lõi. Nếu duy trì tương đối tỷ giá VND/USD thì chỉ số lạm phát cơ bản sẽ ở mức thấp, kìm giữ giá các hàng hóa khác, bảo đảm chỉ số CPI tăng thấp từ nay đến cuối năm và cả những năm tiếp theo.

Để duy trì tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước đã kịp thời điều chỉnh biên độ tỷ giá từ +-3% lên +-5%, đồng thời bán ra đồng USD trong thời gian gần đây. Thực tế, với dự trữ ngoại hối khá dồi dào, Ngân hàng Nhà nước có đủ nguồn lực can thiệp thị trường để duy trì tỷ giá tương đối. Trong dài hạn, đồng USD sẽ sớm ổn định. Giữ tỷ giá bảo đảm lạm phát cơ bản ổn định, từ đó, hoàn toàn có thể đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát chung dưới 4% đi đôi với bảo đảm mục tiêu tăng trưởng.

Theo Ngân hàng Nhà nước, trong quý III/2022, tỷ giá và thị trường ngoại tệ chịu nhiều áp lực do thị trường quốc tế diễn biến phức tạp, khó lường, nguy cơ suy thoái gia tăng…

Theo TS Lê Đạt Chí, Trưởng bộ môn Tài chính, Đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh, những lo ngại về nhập khẩu lạm phát thời gian qua vào châu Á nói chung, Việt Nam nói riêng gần như là khá nhỏ. Do hàng hóa nhu yếu phẩm của Việt Nam được cung cấp trong nước, có thể kiểm soát được, không như những nước có mức lạm phát cao gần như phụ thuộc vào năng lượng, thực phẩm từ nước ngoài. TS Lê Đạt Chí nhấn mạnh Việt Nam lại có lợi thế khi chủ động được nguồn cung lương thực và giá lương thực ổn định. Do đó, Việt Nam không cần quá lo ngại trước tác động từ lạm phát trên thế giới.

Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa. Ảnh: BNEWS/TTXVN

Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, nhận định áp lực lạm phát đối với Việt Nam đã giảm xuống thấp. Lạm phát ở nhiều nước trên thế giới vừa là do cầu kéo, vừa là do chi phí đẩy. Còn ở Việt Nam, lạm phát chủ yếu do chi phí đẩy. Việt Nam tự tin có thể kiểm soát lạm phát ở mức Quốc hội đề ra, khoảng trên dưới 4%.

Để tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tiền tệ, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng Ngân hàng Nhà nước đã nâng lãi suất điều hành ở mức độ hợp lý.

Theo ông Lê Xuân Nghĩa, nếu không tăng lãi suất đồng nghĩa với việc tự phá giá đồng tiền của mình. Điều này ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến giá hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam do tỷ giá hối đoái cao lên, từ đó lạm phát tăng lên.

Thời gian tới, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng một trong những vấn đề quan trọng là Ngân hàng Nhà nước cũng như các bộ, ngành phải chủ động, tăng cường dự báo, phân tích tình hình, cập nhật liên tục những diễn biến mới để chủ động điều hành đồng thời cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các chính sách. Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã và đang chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh đầu tư công, thực hiện chính sách tài khóa mở rộng, có trọng tâm trọng điểm, điều đó sẽ giảm bớt áp lực đối với tiền tệ, tín dụng từ hệ thống ngân hàng.

Lạm phát thế giới tác động ra sao tới Việt Nam?

Nhiều nước trên thế giới đang phải đối mặt với lạm phát tăng cao thì lạm phát của Việt Nam vẫn trong tầm kiểm soát. Đây là thành công của nhà điều hành nhờ nhiều biện pháp đã được triển khai; trong đó chính sách tài khóa, tiền tệ đã được phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng và phát huy hiệu quả nhất định.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà trả lời câu hỏi của các cơ quan báo chí. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để bảo đảm kiểm soát tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm ở mức khoảng 4% theo mục tiêu Quốc hội đề ra thì Chính phủ và các bộ ngành cần tiếp tục có sự điều hành hài hòa, hiệu quả, hợp lý chính sách tài khóa, tiền tệ với các chính sách kinh tế vĩ mô chung.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà cho biết, trước bối cảnh lạm phát gia tăng tại nhiều nền kinh tế, về điều hành chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải giải bài toán tổng thể với nhiều yếu tố khác nhau như lãi suất, tỷ giá… với mục tiêu đặt ra là kiểm soát lạm phát, đồng thời đảm bảo an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và thanh khoản cho các thị trường tiền tệ, ngoại hối.

Năm 2022, tình hình thế giới phức tạp và khó lường chưa từng có tiền lệ; rủi ro của các nền kinh tế, hệ thống tài chính, ngân hàng là rất lớn. Trước tình thế tiềm ẩn nhiều rủi ro này, kìm hãm lạm phát là ưu tiên hàng đầu của nhiều nền kinh tế lớn.

Nhiều ngân hàng trung ương của nhiều nước trên thế giới đã chần chừ do đánh giá lạm phát là tạm thời do đứt gãy chuỗi cung ứng, tuy nhiện lạm phát kéo dài hơn dự kiến cho thấy vấn đề thực sự phức tạp hơn, các ngân hàng trung ương liên tục tăng lãi suất cao từ đầu năm và chưa có dấu hiệu sẽ dừng lại. Để ứng phó với thực trạng này, chính sách tiền tệ của Việt Nam gần đây phải điều chỉnh cả lãi suất điều hành và nới rộng biện độ tỷ giá.

Ngân hàng Nhà nước từ nửa cuối tháng 10 đã quyết định nới biên độ biên độ tỷ giá giữa USD/VND từ mức ±3% lên ±5%. Việc điều chỉnh tăng biên độ này sẽ giúp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ động thích ứng, có thêm dư địa điều hành trước diễn biến khó lường của thị trường quốc tế.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất cơ bản thêm 1%/năm. Đây là lần nâng lãi suất điều hành thứ hai trong vòng một tháng của cơ quan điều hành chính sách tiền tệ quốc gia.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu. Ảnh: BNEWS/TTXVN

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, các động thái này của Ngân hàng Nhà nước cho thấy chính sách tiền tệ của Việt Nam đang phát huy sự chủ động, linh hoạt trong điều hành chính sách nhằm ổn định thị trường tiền tệ, giữ vững cân đối vĩ mô, ứng phó tốt hơn với vòng xoáy lạm phát trên thế giới.

Tuy nhiên, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho rằng, áp lực lạm phát còn lớn và kéo dài, còn nhiều áp lực trong việc kìm hãm lạm phát trong năm 2023 sắp tới, nên Ngân hàng Nhà nước hết sức quan tâm theo dõi tình hình.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh. Ảnh: BNEWS/TTXVN

Cùng với việc điều hành chính sách tiền tệ, theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cũng cần theo dõi sát diễn biến kinh tế thế giới, tình hình lạm phát chung, diễn biến giá cả các mặt hàng nhiên liệu và vật tư chiến lược để kịp thời ứng phó trong điều hành sản xuất trong nước. Cùng đó, các cơ quan quản lý có sự cân đối cung cầu và chính sách xuất nhập khẩu phù hợp, tạo điều kiện cho việc kiểm soát lạm phát trong nước xuyên suốt năm 2022.

Trước những tác động từ đại dịch COVID-19 và những biến động chính trị quốc tế đến kinh tế - xã hội trong nước, Bộ Tài chính đã chủ động điều hành chính sách tài khóa mở rộng, linh hoạt, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội và kiềm chế lạm phát

Trụ sở Bộ Tài chính. Ảnh: BNEWS/TTXVN

Để kiểm soát lạm phát, Bộ Tài chính với vai trò Thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan chủ động tính toán và dự báo các yếu tố tác động đến lạm phát, xây dựng các kịch bản, giải pháp điều hành giá và đưa ra các giải pháp phù hợp để kiểm soát lạm phát.

Việc quản lý điều hành giá được thực hiện thận trọng, giá các mặt hàng Nhà nước định giá cơ bản được giữ ổn định từ đầu năm đến nay như giá bán lẻ điện bình quân, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo lộ trình giá dịch vụ sự nghiệp công.

Nhờ vào việc ổn định giá nhiều loại thực phẩm, rau xanh; tác động từ chính sách hỗ trợ người dân; việc giữ ổn định giá nhiều mặt hàng trong diện nhà nước quản lý giá; các chính sách tiền tệ, tín dụng được triển khai linh hoạt giúp lạm phát cơ bản trong tầm kiểm soát.

Theo Tổng cục Thống kê, CPI 10 tháng của năm 2022 tăng 2,89% so với cùng kỳ 2021; lạm phát cơ bản tăng 2,14% không quá 4% như mục tiêu đề ra, vẫn “còn dư địa tương đối lớn”.

Bộ Tài chính cho biết, thời gian tới cần tiếp tục thực hiện tốt các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá, đảm bảo yếu tố cung - cầu và xử lý ngay nếu có yếu tố biến động về giá; điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, kết hợp với chính sách tài khóa mở rộng có trọng tâm, trọng điểm.

Bộ cũng chủ động đề xuất theo lộ trình, đánh giá kỹ tác động trong điều hành giá các hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá; sử dụng các công cụ về điều hành giá, như kê khai giá, niêm yết giá, tổ chức thanh kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về giá.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi. Ảnh: BNEWS/TTXVN

Cùng với kiểm soát tốt giá cả, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Bộ Tài chính đã thực hiện nhiều giải pháp chính sách tài khóa như: thực hiện miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, đề xuất giảm thuế xăng dầu hỗ trợ sản xuất và người tiêu dùng.

Theo Bộ Tài chính, thực hiện các giải pháp nêu trên trong năm 2022 sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân với giá trị tiền thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí là khoảng 233 nghìn tỷ đồng. Đây là số tiền giãn, giảm thuế, phí, lệ phí “lớn nhất trong lịch sử ngành tài chính”, như Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã từng nói.

Thời gian tới, Bộ Tài chính cho biết đã chuẩn bị sẵn các kịch bản, không chỉ thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu mà đề xuất giảm thuế nhập khẩu ưu đãi, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, để ứng phó kịp thời, giữ giá các mặt hàng chiến lược.

Song, theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi thì sẽ còn nhiều thách thức, do đó không thể chủ quan, cần điều hành nhịp nhàng chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác để đạt được các mục tiêu về tăng trưởng kinh tế vĩ mô và lạm phát./.

  • Nguồn: BNEWS/TTXVN
  • Tác giả: BNEWS/TTXVN