“Biến” ngô giả thành thật, cán bộ Viện Nghiên cứu Ngô lĩnh án tù

20:52' - 04/06/2018
BNEWS Hội đồng xét xử xác định, hành vi của hai bị cáo đã phạm vào tội buôn bán hàng giả là giống cây trồng.
“Biến” ngô giả thành thật, cán bộ Viện Nghiên cứu Ngô lĩnh án tù. Ảnh minh họa: Reuters
Ngày 4/6, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở Phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên án phạt 2 bị cáo: Vũ Việt Cường (sinh năm 1961, cán bộ Viện Nghiên cứu Ngô, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) 15 tháng tù và Bùi Duy Hòa (sinh năm 1977, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật Ngô, Viện Nghiên cứu Ngô) 18 tháng tù về cùng tội “Buôn bán hàng giả là giống cây trồng” theo quy định tại Điều 158, khoản 1 – Bộ luật Hình sự. 

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội, tháng 1/2016, Viện Nghiên cứu Ngô nhận thấy một số đại lý, cửa hàng giống cây trồng trên địa bàn tỉnh Yên Bái và tỉnh Lào Cai bày bán mặt hàng ngô giống mang nhãn hiệu LVN 885 (nhãn hiệu độc quyền sản xuất, kinh doanh của Viện Nghiên cứu Ngô). Nghi giống ngô này là giả nên Viện Nghiên cứu Ngô đã đề nghị cơ quan công an tiến hành điều tra, làm rõ. 

Kết quả điều tra xác định, sau khi được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép, Viện Nghiên cứu Ngô giao cho Trung tâm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật Ngô thực hiện việc sản xuất, kinh doanh ngô giống nhãn hiệu LVN 885. Trung tâm này đã ký hợp đồng với Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hoằng Trung (huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) để sản xuất trên diện tích 8 ha, đồng thời giao cho Vũ Việt Cường chịu trách nhiệm giám sát sản xuất, thu hoạch, thu mua lại sản phẩm và thanh lý hợp đồng. 

Giữa tháng 1/2015, Cường thu hoạch sản lượng ngô giống trên diện tích 8 ha ở Thanh Hóa, tương ứng với 60.776 kg và kiểm tra sơ bộ, trước khi chuyển về Phòng Kiểm nghiệm của Viện Nghiên cứu Ngô. Kết quả hậu kiểm tra lần 1 xác định, ngô giống do Cường phụ trách không đạt tiêu chuẩn do tỷ lệ lẫn tạp lên tới 22,3%. Đề xuất cho sàng lọc, kiểm nghiệm lần 2, số ngô giống của Cường thu được chỉ còn lại 24.010 kg và vẫn không đạt chuẩn vì tỷ lệ lẫn tạp di truyền là 17,7%. Do không đạt tiêu chuẩn nên Trung tâm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật Ngô không nhập số ngô giống nói trên. Để thu hồi vốn, ngày 7/8/2015, Cường có đơn đề nghị Ban lãnh đạo Viện Nghiên cứu Ngô cho thanh lý số ngô giống không đạt tiêu chuẩn này và cam kết chỉ sử dụng vào mục đích làm thức ăn trong chăn nuôi. 

Sau khi được Ban lãnh đạo Viện Nghiên cứu Ngô đồng ý, thay vì thực hiện theo quy định thì Cường lại thỏa thuận với Bùi Duy Hòa (nguyên Phó Giám đốc Trung tâm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật Ngô) để “biến” hơn 2,4 tấn ngô giống không đạt chuẩn thành ngô giống mang nhãn hiệu độc quyền LVN 885 và đưa vào thị trường với tổng giá trị hợp đồng là hơn 900 triệu đồng. Tính đến thời điểm vụ án xảy ra, Hòa đã tiêu thụ trót lọt 2,1 tấn ngô giống không đạt yêu cầu tại 3 cửa hàng ở Yên Bái, Lào Cai và thu lời hơn 40 triệu đồng. Số ngô giống không đạt chuẩn còn lại bị thu giữ là 954 kg (có giá trị hơn 51 triệu đồng). Để tiêu thụ dễ dàng số ngô đã được “phù phép” này, Hòa đã thuê người đóng gói, thuê in bao bì giả nhãn hiệu ngô giống LVN 885 độc quyền của Viện Nghiên cứu Ngô. 

Tại phiên tòa, hai bị cáo Cường và Hòa đã thừa nhận hành vi phạm tội như trên. Hội đồng xét xử xác định, hành vi của hai bị cáo đã phạm vào tội buôn bán hàng giả là giống cây trồng./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục