"Nâng chất" cho xây dựng nông thôn mới

13:03' - 06/04/2018
BNEWS Hiện, Bộ đang hoàn tất lấy ý kiến để xây dựng đề án hỗ trợ thôn, bản xây dựng nông thôn mới nhằm hỗ trợ cho các tỉnh miền núi, hải đảo triển khai Chương trình hiệu quả hơn.

Ngày 6/4, tại Ninh Bình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức Hội nghị toàn quốc Văn phòng điều phối nông thôn mới các cấp năm 2018. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho rằng, trong giai đoạn 2018 - 2020, sẽ tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Vũ Sinh /TTXVN
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng đề nghị các địa phương khẩn trương xây dựng đề án huyện nông thôn mới kiểu mẫu. Hiện, Bộ đang hoàn tất lấy ý kiến để xây dựng đề án hỗ trợ thôn, bản xây dựng nông thôn mới nhằm hỗ trợ cho các tỉnh miền núi, hải đảo triển khai Chương trình hiệu quả hơn.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2018, Chương trình sẽ tập trung vào nội dung sản xuất và cải thiện môi trường; đề án mỗi xã một sản phẩm; chương trình khoa học công nghệ trong nông thôn mới, gắn với các doanh nghiệp tại địa phương để áp dung khoa học công nghệ vào sản xuất.
"Hiện nay, đề tài này tại nhiều địa phương vẫn còn ít. Do đó, cần phải đẩy mạnh hơn nữa đề tài này trong giai đoạn 2 của Chương trình xây dựng nông thôn mới", Thứ trưởng Nam nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng Chánh văn phòng điều phối nông thôn mới trung ương đánh giá, đến thời điểm này, mục tiêu về số lượng của Chương trình đã vượt so với tiến độ, tính khả thi cũng đạt được so với yêu cầu mà Quốc hội đặt ra đến 2020. Do đó, nội dung chính của Ban chỉ đạo là tập trung vào nâng cao chất lượng và hiệu quả của Chương trình xây dựng nông thôn mới trong những năm còn lại từ 2018 - 2020.
Theo đó, Chương trình sẽ tập trung vào 2 nội dung là Chương trình mỗi xã một sản phẩm, hiện Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương và trong Quý II sẽ ban hành Đề án. Ngoài tỉnh Quảng Ninh thì hiện nay tỉnh Hà Giang cũng đã phê đuyệt đề án. Đây là một chương trình trọng tâm để nâng cao thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, thúc đẩy mạng lưới tiêu thụ sản phẩm nông sản một cách bền vững nhằm tránh trình trạng "giải cứu" nông sản như đã diễn ra thời gian qua.
"Qua đó, đề xuất với Ban chỉ đạo trung ương cho phép triển khai đề án Phát triển hệ thống cung ứng nông sản Việt Nam hiện đại đến năm 2030, với mong muốn hình thành được các hệ thống, trung tâm cung ứng, chợ đầu mối tiêu thụ nông sản... để đảm bảo các mặt hàng sản phẩm chủ lực sẽ kết nối được cung - cầu. Từ đó, đảm bảo cho việc tiêu thụ nông sản một cách hiệu quả hơn trong thời gian tới", ông Tiến nói.
Nội dung trọng tâm thứ hai là vấn đề môi trường, bởi tiêu chí về môi trường là khó khăn nhất. Trên cơ sở đề án thí điểm đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hiện Chương trình đang triển khai các mô hinh về xử lý chất thải, xử lý chất thải chăn nuôi. Hiện đã có nhiều doanh nghiệp trong nước có những công nghệ đáp ứng được đảm bảo từ chăn nuôi gắn với trồng trọt tạo ra chuỗi sản xuất khép kín.
Ngoài ra, còn có mô hình xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật, bởi đến thời điểm này trên cả nước chưa có nhà máy nào về xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật. Do đó, dự kiến mô hình này sẽ được triển khai tại một địa phương và từ đó sẽ nhân rộng. Bên cạnh đó, các địa phương cũng quan tâm đến nguồn nước cho người dân nông thôn, đây cũng là một nội dung có khả năng thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Hướng tới mục tiêu cung cấp nước đạt chuẩn chứ không chỉ dừng lại ở việc cung cấp nước hợp vệ sinh.
Hội nghị toàn quốc Văn phòng điều phối nông thôn mới các cấp năm 2018. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Chia sẻ về kinh nghiệm mà Ninh Bình đã triển khai xây dựng nông thôn mới thời gian qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Trung Phụng cho hay, trong giai đoạn 2011 - 2017, Ninh Bình tập trung cao sự lãnh đạo của các cấp, các ngành phối hợp trong xây dựng nông thôn mới.
Qua đó, đến hết năm 2017, Ninh Bình đã có 80/119 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Vấn đề quan trọng nhất trong xây dựng nông thôn mới tại Ninh Bình là đổi mới cách thực hiện gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, qua đó giúp tăng thu nhập của người dân. Đến nay, Ninh Bình đã tập trung chỉ đạo xây dựng được hàng trăm mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng quan tâm đến bảo vệ môi trường sinh thái, bởi đây là một trong những tiêu chí khó thực hiện hiệu quả bền vững. Khó khăn nhất là thay đổi tập quán của người dân. Giải quyết vấn đề này Ninh Bình đã hỗ trợ cho mỗi xã 70 triệu đồng/năm để thực hiện chương trình làm sạch vệ sinh môi trường nông thôn từ trong nhà đến ngoài đường. Nhờ đó, đến nay hầu hết trên các cánh đồng đã không còn vỏ thuốc trừ sâu, bảo vệ thực vật.
Ông Đinh Trung Phụng cũng đề xuất với Trung ương sớm thực hiện điều chỉnh bổ sung Nghị định 210 nhằm thu hút thêm nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Bởi hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư vào nông nghiệp nhưng cơ chế chính sách chưa phù hợp. Đồng thời, cần có cơ chế phù hợp để thúc đẩy các HTX nông nghiêp hoạt động hiệu quả hơn; có chính sách về thị trường, định hướng cho người dân sản xuất theo thị trường.
Theo Văn phòng điều phối nông thông mới trung ương, đến hết quý I năm 2018, cả nước có 3.289 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 220 xã so với cuối năm 2017 và tăng 929 xã so với cuối năm 2016. Bình quân cả nước đạt 14,25 tiêu chí/xã, tăng 0,07 tiêu chí so với cuối năm 2017, tăng 0,78 tiêu chí so với cuối năm 2016. Còn 121 xã dưới 5 tiêu chí, giảm 136 xã so với cuối năm 2016.
Có 49 đơn vị cấp huyện thuộc 26 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (tăng 6 đơn vị cấp huyện so với cuối năm 2017 và tăng 19 đơn vị cấp huyện so với cuối năm 2016); trong đó, có 12 huyện đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục