23.000 ha lúa được bao tiêu nhờ Dự án VnSAT

18:02' - 22/03/2018
BNEWS Sau 2 năm thực hiện Dự án “Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam” (VnSAT), tổng diện tích lúa được doanh nghiệp bao tiêu là 23.000 ha trên tổng số 50.000 ha mục tiêu của dự án.

Lợi nhuận tăng 14% so với chưa áp dụng.

23.000 ha lúa được bao tiêu nhờ Dự án VnSAT. Ảnh: TTXVN

Thông tin trên được ông Đặng Minh Cường, Phó Giám đốc Dự án VnSAT cho biết tại hội nghị tổng kết năm 2017, triển khai kế hoạch năm 2018 của dự án do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 22/3 tại thành phố Cần Thơ.

Cụ thể, theo ông Cường, các diện tích lúa tham gia Dự án VnSAT áp dụng kỹ thuật “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, lợi nhuận so với năm 2015 (chưa áp dụng) tại 8 tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long bình quân tăng 14%, từ 33,1 triệu đồng/ha lên 37,1 triệu đồng/ha.

Năm 2017, hơn 60.000 nông dân tham gia dự án đã được đào tạo về quy trình canh tác lúa bền vững áp dụng “3 giảm 3 tăng” và “1 phải 5 giảm”. Cùng với đó, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cũng đã đề xuất và được Ngân hàng Thế giới (WB) “không phản đối” danh mục đầu tư cho 44 tổ chức nông dân, với tổng mức đầu tư khoảng 307 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, nông dân trong dự án ở địa phương này được tập huấn nhiều nhưng tỉ lệ áp dụng vào sản xuất lúa lại thấp; trong đó áp dụng “3 giảm 3 tăng” chỉ khoảng 50%. Ông Hùng kiến nghị dự án cần tập trung truyền thông các giải pháp để nâng cao tỉ lệ nông dân áp dụng kiến thức vào canh tác lúa.

Đồng thời, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp cũng đề xuất bổ sung máy móc nông nghiệp vào dự án. Ông Hùng cho biết, hiện Đồng Tháp đang liên kết với một công ty chuyên về máy nông nghiệp áp dụng máy 3 trong 1 gồm cấy lúa, bón phân tan chậm, phun thuốc điều khiển qua điện thoại di động, giúp giảm lượng giống sử dụng, chỉ khoảng 70 – 80 kg/ha, thấp hơn mức mục tiêu của Dự án VnSAT từ 30 – 40 kg/ha.

Đồng tình với ý kiến của Đồng Tháp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho rằng việc ứng dụng cơ giới vào sản xuất lúa như máy cấy, máy phun hạt là cơ hội xem xét để kiến nghị với Ngân hàng Thế giới trong thời gian tới.

Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, nội dung hoạt động của dự án trong 3 năm còn lại (2018 - 2020) rất lớn, đây cũng là giai đoạn gấp rút mà ngành nông nghiệp phải tập trung cao độ thực hiện thắng lợi Đề án tái cơ cấu đã được Chính phủ phê duyệt. Do đó, Dự án VnSAT cần tăng tốc để về đích đúng mục tiêu kế hoạch, đóng góp tích cực cho công cuộc tái cơ cấu chung của toàn ngành, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh chỉ đạo.

Dự án VnSAT có hiệu lực từ ngày 3/12/2015, thực hiện từ 2015 – 2020 tại 8 tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long là An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng và Tiền Giang và 5 tỉnh Tây Nguyên là Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng với mục tiêu: 200.000 ha sản xuất lúa của 140.000 hộ nông dân tại Đồng bằng sông Cửu Long áp dụng công nghệ tiên tiến, lợi nhuận trên mỗi ha có thể tăng 30%, tổng giá trị tăng thêm cho toàn vùng khoảng 40 – 60 triệu USD/năm; 69.000 ha cà phê của 63.000 hộ nông dân vùng Tây Nguyên canh tác bền vững, lợi nhuận mỗi ha có thể tăng 15 triệu đồng, tổng giá trị tăng thêm cho toàn vùng khoảng 48 – 50 triệu USD/năm.

Dự án có tổng số vốn 301 triệu USD; trong đó vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) là 238 triệu USD, vốn đối ứng Chính phủ 28 triệu USD và vốn tư nhân 35 triệu USD, VnSAT được kỳ vọng sẽ mang lại sự chuyển biến tích cực đối với quá trình tái cơ cấu toàn ngành nông nghiệp thông qua các hoạt động rà soát và xây dựng chiến lược tái cơ cấu đối với 10 ngành hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD của Việt Nam gồm: lúa gạo, cà phê, tiêu, cao su, điều, gỗ, sắn, trái cây, cá tra và tôm.

Ở Đồng bằng sông Cửu Long, Dự án VnSAT góp phần triển khai đề án tái cơ cấu nông nghiệp thông qua tăng cường năng lực thể chế, đổi mới phương thức canh tác bền vững và nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo.

Năm 2018, Dự án VnSAT tiếp tục tổ chức đào tạo tập huấn quy trình 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm và thúc đẩy các hoạt động đào tạo về sản xuất lúa VietGAP tại Đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, dự án cũng tiếp tục hỗ trợ, tăng cường năng lực cho các tổ chức nông dân trong công tác điều hành; sàng lọc, đánh giá, đề xuất các tổ chức nông dân tiên tiến đợt 2 để đề xuất WB xem xét hỗ trợ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục