Ảnh hưởng của bão số 1: Hà Nội khẩn trương "cứu" rau màu ngập úng

10:30' - 29/07/2016
BNEWS Chi cục Thủy lợi Hà Nội cho biết, tính đến 07h ngày 29/7/2016, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 2.300,8 ha lúa bị sâu trong nước do ảnh hưởng của bão số 1.
Hà Nội khẩn trương "cứu" rau màu ngập úng. Ảnh minh họa: Mai Ngoan-TTXVN

Cụ thể là các huyện: Đan Phượng 33ha, Chương Mỹ 360ha, Hoài Đức 199ha, Mỹ Đức 61,8 ha, Thường Tín 853 ha, Quốc Oai 292 ha, Thạch Thất 338 ha, Ba Vì 96, Phúc Thọ 68 ha. Nhiều diện tích bị ngập trắng là 538,5 ha; trong đó, huyện Đan Phượng 34ha, Hoài Đức 167ha, Chương Mỹ 130ha, Quốc Oai 118ha, Thạch Thất 28 ha, Ba Vì 51,5; Phúc Thọ 10 ha.

Trước tình hình này, các doanh nghiệp Thủy lợi đã vận hành 105 trạm bơm tiêu với 473 máy bơm; tổng lưu lượng bơm khoảng 1.431.000m3/h để khắc phục các diện tích ngập úng; trong đó, Công ty Thủy lợi Sông Tích đã vận hành 19 trạm bơm với 63 máy bơm (loại máy bơm 1000m3/h), Công ty Thủy lợi Sông Đáy 28 trạm bơm và 137 máy bơm, Công ty Thủy lợi Sông Nhuệ 42 trạm bơm và 174 máy bơm, Công ty Thủy lợi Hà Nội 16 trạm bơm và 99 máy bơm, riêng Công ty Thủy lợi Mê Linh chưa phải vận hành trạm bơm tiêu.

Để khắc phục tình trạng này, các chuyên gia nông nghiệp khuyến cáo cần phân loại diện tích bị ngập úng, ưu tiên cho những diện tích lúa mới cấy, gieo thẳng muộn, những chân ruộng trũng.

Đồng thời, huy động mọi nguồn lực để tiêu úng, khơi thông các dòng chảy như mương máng, sông ngòi, nếu cần sử dụng các máy bơm để thoát nước nhanh. Bên cạnh đó, tuyệt đối không để cây lúa bị ngập lâu, nếu gặp nắng nóng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sinh trưởng phát triển của cây lúa, thậm chí gây thối và chết lúa.

Tính đến 07h ngày 29/7/2016, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 2.300,8 ha lúa bị sâu trong nước do ảnh hưởng của bão số 1. Ảnh minh họa: Đức Tuấn-TTXVN

Trong khi thoát nước nếu ruộng có rong rêu cần té nước lên lá lúa để rong rêu không bám trên mặt lá tạo điều kiện thuận lợi cho cây lúa quang hợp tốt hơn sau ngập úng. Sau khi tháo nước, thấy lá lúa lộ ra bà con nên phun ngay các chế phẩm như KH, ET, siêu lân, PennacP... giúp cây phục hồi nhanh.

Khi cây lúa đã hồi phục, những ruộng chưa bón hết phân thúc cần khẩn trương bón hết lượng phân thúc. Ưu tiên sử dụng phân NPK chuyên dùng có hàm lượng đạm và kali cao tương đương. Không sử dụng đạm đơn và không bón phân lai rai nhằm né tránh sâu bệnh hại và đổ ngã cuối vụ.

Chi cục Thủy lợi Hà Nội cũng đề nghị Công ty Điện lực Hà Nội đảm bảo cấp điện cho các trạm bơm tiêu úng.

Ngoài ra, Chi cục cũng đề nghị các doanh nghiệp thủy lợi, các quận, huyện trên địa bàn Thành phố thường xuyên theo dõi diễn biến mưa và tình hình ngập úng để có biện pháp chống úng kịp thời, tăng cường công tác kiểm tra đảm bảo an toàn hồ đập và các công trình thủy lợi; cử cán bộ thường trực, tổng hợp số liệu báo cáo về Sở Nông nghiệp và Phát triẻn nông thôn qua Chi cục thủy lợi để báo cáo Thành phố theo quy định./.

>>> Thống kê những thiệt hại sau bão số 1

>>> Ảnh hưởng của bão số 1: Sử dụng mọi biện pháp giảm thiểu thiệt hại nông nghiệp

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục