Trà sữa Âm 18 độ C: Từ thức uống trendy trở thành cũ kỹ
Fanpage chính thức của thương hiệu trà sữa -18 độ C mới đây đã thông báo sẽ chính thức đóng cửa vào tháng 6 sắp tới. Điều này khiến cộng đồng mạng trở nên xôn xao, tiếc nuối một thương hiệu "huyền thoại" gắn liền với ký ức của bao thế hệ 7x, 8x Sài Thành gần 20 năm qua. Từ một món thức uống trendy, điều gì đã khiến -18 độ C phải rút lui khỏi thị trường như vậy?
Thức uống thương nhớ một thời gọi tên Âm 18 độ C
“Sau 19 năm, giờ đây thị trường Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng, đã quá quen thuộc với trà sữa, và quán Âm 18 Độ C cũng xin phép được rút lui khỏi cuộc chơi... Vâng khoảng trong tháng 6, chúng tôi sẽ dừng hoạt động, rất cám ơn quý khách hàng đã đồng hành trên con đường chật. Đây không phải là lời chia tay, chúng tôi vẫn hoạt động đến giữa tháng 6, đây chỉ là một lời cảm ơn gửi đến quý khách hàng. Rất mong được phục vụ quý khách đến khi chúng tôi ngừng hoạt động. Xin cảm ơn quý khách!".
Đây là bài đăng trên Fanpage chính thức của thương hiệu trà sữa -18 độ C cách đây vài ngày. Hàng ngàn lượt tương tác với những icon mặt buồn, những bình luận nuối tiếc nhắc nhớ đến kỷ niệm một thời để lại dưới bài đăng: "Cả một thời thanh xuân của tui", "Mê nhất món cơm cuộn trứng, trà sữa trân châu", "Những điều đẹp và kỷ niệm luôn tan biến như thế này đây"...
Không khó để nhận ra sự hụt hẫng, tiếc nuối của không ít khách hàng khi thương hiệu này bất ngờ nói lời tạm biệt. Cũng có người lạc quan cho rằng biết đâu quán sẽ trở lại theo một diện mạo mới sau tuyên bố đóng cửa lần này. Nhiều bạn trẻ còn kháo nhau đi ăn uống lần cuối, ôn lại kỷ niệm trước khi chính thức tạm biệt thương hiệu “huyền thoại” một thời.
Nhắc nhớ lại những ngày đầu xuất hiện, -18 độ C từng là chuỗi trà sữa rất nổi tiếng, ra đời năm 2005 với nhiều chi nhánh tại các quận trung tâm Tp. Hồ Chí Minh. Tại thời điểm mà trà sữa được biết đến phổ biến với những chiếc xe bán dọc đường thì sự xuất hiện của mô hình "trà sữa máy lạnh" với khuôn viên mát mẻ, rộng rãi như -18 độ C không khó để thu hút khách hàng tìm đến.Với mức giá bình dân chỉ khoảng 18.000 đồng/ly thời đó cùng với không gian thoáng mát, thường là cả căn nhà lớn, được trang trí đẹp mắt và có máy lạnh, -18 độ C nhanh chóng trở thành điểm đến lý tưởng cho giới trẻ để giải trí, thư giãn sau giờ học, hay đơn giản là để trò chuyện, tán gẫu cùng bạn bè.
Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, các quán trà sữa này còn bán thêm nhiều món ăn khác như cơm, mì Ý, khoai tây chiên... giúp thực đơn thêm phong phú và đa dạng. Nhờ vậy, các quán trà sữa này không chỉ thu hút những tín đồ trà sữa mà còn cả những ai muốn tìm kiếm một không gian để thưởng thức bữa trưa ngon miệng hoặc đơn giản là để nghỉ ngơi trước khi vào học buổi chiều.Đến nay, đồ uống của -18 độ C có giá từ 25.000 - 50.000 đồng, đi kèm các loại topping như thạch thủy tinh, thạch trái cây, pudding, sôcôla vụn... đồng giá 6.000 đồng. Bên cạnh đó, thương hiệu trà sữa này còn phục vụ nhiều món ăn với giá từ 48.000 - 55.000 đồng. Trong đó, món cơm cuộn trứng và khoai tây cuộn trứng được coi là signature của quán.Sau thông báo rút lui khỏi thị trường, cơ sở cuối cùng của -18 độ C nằm trên đường Võ Văn Tần (Quận 3, Tp. Hồ Chí Minh) bỗng trở nên đông nghịt khách hàng. lượng đơn đặt ship cũng tăng "chóng mặt". Có thời điểm quán phải ngưng nhận khách, tạm khóa các ứng dụng giao hàng vì quá đông, không đủ nguyên liệu phục vụ. Có vẻ như ai cũng muốn được thưởng thức lại thức uống thương nhớ của một trong những thương hiệu trà sữa "đời đầu" trước khi đóng cửa vĩnh viễn.
Cũ kỹ giữa thị trường cạnh tranh
Từng là thương hiệu trà sữa đình đám một thời như vậy, trải qua bao biến động và khó khăn về kinh tế, những tưởng trụ lại đến giờ này đã là kỳ tích và sẽ tiếp tục phát triển, nhưng không, -18 độ C dường như đã "đuối sức" và đang đánh mất vị thế trên thị trường.
Theo những người có kinh nghiệm trong ngành F&B, mặt bằng lớn, chi phí đầu tư cao, khó nhân rộng chuỗi cửa hàng có lẽ là những yếu tố chính khiến -18 độ C khó trụ lại. Trong khi đó, xu hướng của các thương hiệu trà sữa hiện đại lại ưu tiên mở những chi nhánh nhỏ để tối ưu chi phí và phát triển theo chiều rộng, đưa cửa hàng vào các trung tâm thương mại.
Tuy có lợi thế về mặt bằng nhưng -18 độ C không đủ nhanh nhạy để bắt kịp xu hướng giới trẻ khi những thiết kế, trang trí của quán dần trở nên lỗi thời, thực đơn quán chủ yếu tập trung vào các loại trà sữa truyền thống, không có nhiều sáng tạo và đổi mới. Trong khi đó, các thương hiệu trà sữa khác liên tục tung ra các sản phẩm mới, đa dạng và bắt kịp xu hướng, thu hút khách hàng trẻ tuổi, xu hướng chuyển dịch sang các mô hình trà sữa pha máy, trà sữa đặc sản. Logo và nhận diện thương hiệu của -18 độ C cũng đã trở nên cũ kỹ, không còn phù hợp với thị hiếu của giới trẻ và ngày càng mờ nhạt trong mắt khách hàng.
Một yếu tố quan trọng khác nữa cần nhắc tới là vốn. Sau giai đoạn đầu tư mạnh mẽ, -18 độ C không còn nhiều tiềm lực về vốn để phát triển rộng rãi. Điều này khiến họ khó có thể cạnh tranh với các thương hiệu trà sữa khác, đặc biệt là các thương hiệu quốc tế có nguồn lực tài chính dồi dào.
Thông báo rút lui khỏi thị trường của -18 độ C là một sự tiếc nuối nhưng với người trong nghề, đây là tất yếu với bất kỳ một thương hiệu nào, không riêng gì -18 độ C nếu doanh nghiệp không tự làm mới mình thường xuyên, thiếu nghiên cứu sản phẩm và nhu cầu khách hàng để cập nhật xu hướng, nhận diện thương hiệu phù hợp mỗi giai đoạn.Dù thế nào đi nữa, đối với nhiều người thuộc thế hệ 7x, 8x ở Tp. Hồ Chí Minh, -18 độ C vẫn là một phần ký ức thanh xuân tươi đẹp, một thức uống thương nhớ một thời dù từ lâu nó đã trở nên cũ kỹ giữa thị trường đầy cạnh tranh và liên tục vận động, thay đổi.
Tin liên quan
-
Phân tích doanh nghiệp
Cocoon – Mỹ phẩm thuần chay mang nét đẹp thuần Việt
10:43' - 27/04/2024
Cái tên Cocoon đã và đang gây chú ý trên thị trường làm đẹp nội địa, không chỉ bởi bao bì được đổi mới hết sức đẹp mắt, mà còn bởi những thông điệp nhân văn được khắc họa ngày một rõ nét.
-
Phân tích doanh nghiệp
Chuỗi nhà thuốc An Khang ở đâu trong “chặng đua” về đích?
09:59' - 13/04/2024
Tuy dư địa tăng trưởng thị trường thuốc bán lẻ còn lớn, nhưng cuộc cạnh tranh giành giật thị phần vẫn rất khốc liệt và trong “chặng đua” về đích, Thế giới Di động đang có dấu hiệu chững lại.
Tin cùng chuyên mục
-
Phân tích doanh nghiệp
Chuyển mình khó khăn của doanh nghiệp thép
13:23' - 07/11/2024
Nhu cầu về tôn mạ và ống thép tăng cao cả ở thị trường trong nước và xuất khẩu đã giúp các doanh nghiệp trong ngành có doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng vượt trội trong quý III năm nay.