BNEWS
Tập đoàn công nghệ Apple thông báo sẽ tăng cường tính năng an ninh đối với các dòng điện thoại iPhone, không cho phép lực lượng cảnh sát tự động mở khóa các thiết bị này.
Nhằm giúp nâng cao tính riêng tư và bảo mật của người dùng, ngày 14/6, tập đoàn công nghệ Apple thông báo sẽ tăng cường tính năng an ninh đối với các dòng điện thoại iPhone, không cho phép lực lượng cảnh sát tự động mở khóa các thiết bị này.
Động thái mới nhất của Apple trong "cuộc đối đầu" với lực lượng thực thi pháp luật được đưa ra trong bối cảnh xuất hiện những thông tin về sự gia tăng việc sử dụng một công cụ GrayKey của công ty Cellebrite có thể giúp lực lượng cảnh sát vượt qua các tính năng an ninh và bảo mật của iPhone.
Trong tuyên bố của mình, Apple xác nhận sẽ thay đổi phần cài đặt trong hệ điều hành iOS của iPhone nhằm giảm bớt các công cụ phổ biến nhất mà lực lượng thực thi pháp luật có thể sử dụng để mở khóa các thiết bị này.
Sau khi được triển khai trên thiết bị, phiên bản iOS mới sẽ chặn giao tiếp thông qua cổng USB nếu iPhone không được mở khóa trong vòng 1 giờ đồng hồ trước đó.
Điều này giúp ngăn chặn lực lượng thực thi pháp luật và cả tội phạm sử dụng những công cụ từ các hãng GrayShift hay Cellebrite để kết nối với iPhone và can thiệp vào tính năng giới hạn số lần nhập mật khẩu của iOS trước khi thiết bị tự động xóa toàn bộ dữ liệu khi nhập sai mật khẩu quá nhiều lần.
Mặc dù sự thay đổi mới mà Apple áp dụng cho iOS không thể ngăn chặn hoàn toàn mọi nguy cơ mở khóa iPhone, song có thể đảm bảo mức độ an toàn lên tới 90% vì cảnh sát hay các tin tặc sẽ chỉ có 1 giờ đồng hồ để mở khóa.
Apple chia sẻ rằng sự thay đổi này nhằm mục đích bảo vệ tốt hơn cho các khách hàng đang sử dụng thiết bị iOS, đồng thời nhấn mạnh phương châm của hãng là "lấy khách hàng là trung tâm của mọi thứ mà chúng tôi thiết kế".
"Đại gia" công nghệ này cũng khẳng định sẽ liên tục củng cố các biện pháp tăng cường bảo mật trong mọi sản phẩm của Apple nhằm bảo vệ khách hàng trước sự tấn công của tin tặc, những đối tượng đánh cắp danh tính, và các vụ xâm phạm dữ liệu cá nhân trái phép.
Tuy nhiên, Apple cũng không quên "xoa dịu" sự giận dữ của các nhà thực thi pháp luật khi khẳng định "luôn có sự tôn trọng ở mức cao nhất với công tác thực thi pháp luật và không thiết kế những tính năng bảo mật nhằm chống lại những nỗ lực của họ trong việc hoàn thành nhiệm vụ".
Hồi năm 2016, Apple đã phải ra tòa sau khi từ chối hỗ trợ Cục Điều tra liên bang Mỹ "bẻ khóa" chiếc iPhone 5c của kẻ khủng bố đã xả súng tại San Bernadino, bang California.
Tuy nhiên, giới chức Mỹ sau đó đã rút đơn kiện sau khi được công ty Cellebrite, một công ty con của Sun Corporation (Nhật Bản), cung cấp công cụ mở khóa thành công chiếc điện thoại này./.