ASEAN thống nhất lộ trình xây dựng AEC

17:36' - 26/08/2015
BNEWS Các Bộ trưởng đã thông qua về nguyên tắc Lộ trình tổng thể xây dựng AEC từ năm 2016 đến năm 2025 nhằm xây dựng ASEAN trở thành một nền kinh tế thống nhất và có tính liên kết cao.

Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 47 (AEM-47) và các hội nghị liên quan đã diễn ra từ ngày 22-25/8/2015 tại thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia.

Hội nghị bộ trưởng ASEAN (Ảnh:THX/TTXVN)

Đây là sự kiện thường niên quan trọng để các Bộ trưởng Kinh tế của 10 nước ASEAN và 9 nước đối tác trao đổi về tình hình hợp tác kinh tế trong nội khối ASEAN cũng như giữa ASEAN và các nước đối tác, chuẩn bị nội dung cho Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 27 và các hội nghị liên quan vào tháng 11 tới.


Tham dự hội nghị này, đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú dẫn đầu gồm đại diện Văn phòng Chính phủ và các Bộ Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia.
Tại Hội nghị, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN khẳng định quyết tâm thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm 2015, mặc dù ASEAN đang phải đối mặt với những biến động kinh tế khu vực và toàn cầu.

Đến hết tháng Bảy năm 2015, ASEAN đã thực hiện được 91,5% các biện pháp ưu tiên. Việt Nam là một trong các nước đứng đầu về tỷ lệ thực hiện (94,5%), thể hiện chủ trương nhất quán của Chính phủ là tích cực và chủ động đóng góp cho việc xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN.
Trong lĩnh vực thương mại hàng hóa, Hội đồng Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) khẳng định ưu tiên của ASEAN trong thời gian tới là thúc đẩy thuận lợi hoá thương mại trong khu vực, phù hợp với nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ Việt Nam.
Trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, các Bộ trưởng hoan nghênh việc tất cả các nước ASEAN đã hoàn thành Gói cam kết dịch vụ thứ 9 thuộc Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ (AFAS) và chỉ đạo thúc đẩy việc hoàn thành Gói 10 vào cuối năm nay.
Trong lĩnh vực đầu tư, các Bộ trưởng ghi nhận tình hình triển khai Hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA) với nhiều sáng kiến cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường công tác rà soát, minh bạch hóa khuôn khổ pháp lý về đầu tư trong ASEAN.
Về hợp tác với các nước ngoài khối, chủ trương của ASEAN là tăng cường quan hệ kinh tế với các nước và khu vực đối thoại. Thực hiện chủ trương này, ASEAN đang tích cực thảo luận về việc nâng cấp và rà soát các Hiệp định thương mại tự do (FTA) để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vận dụng và hưởng lợi từ các FTA này.
Đối với các đối tác đối thoại quan trọng là Mỹ, EU và Nga, ASEAN đang tích cực thảo luận các nội dung hợp tác có ý nghĩa vì lợi ích chung. Chẳng hạn, với Mỹ, ASEAN đẩy mạnh việc đối thoại về minh bạch hóa, bảo vệ môi trường và đảm bảo thương mại bền vững.

Với EU là việc xúc tiến các dự án xây dựng năng lực hội nhập cho ASEAN trên cơ sở kinh nghiệm của EU; với Nga là các dự án hợp tác cụ thể trong các lĩnh vực mà hai bên có lợi thế như dầu khí, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp và xây dựng mạng lưới thương mại ngày càng mở rộng.
Tại Hội nghị lần này, các Bộ trưởng cũng đã thông qua về nguyên tắc Lộ trình tổng thể xây dựng AEC từ năm 2016 đến năm 2025 nhằm xây dựng ASEAN trở thành một nền kinh tế thống nhất và có tính liên kết cao, đảm bảo sự phát triển năng động, sáng tạo và toàn diện, đồng thời chú trọng yếu tố con người và sẽ tiếp tục tích cực hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu.

Hội nghị Bộ trưởng Asean (Ảnh: THX/TTXVN)

Bên cạnh các hoạt động chính thức, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú đã có các cuộc gặp song phương bên lề với một số Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và Bộ trưởng các nước đối tác như Nhật Bản, Campuchia, Lào, Myanmar (Mi-an-ma)... để thúc đẩy hợp tác về kinh tế - thương mại song phương.


Sau 20 năm kể từ khi Việt Nam gia nhập ASEAN, ASEAN hiện đã trở thành một trong những đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam, chiếm hơn 14% tổng giá trị thương mại của Việt Nam.

Năm 2014, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam với thị trường ASEAN đạt 42,12 tỷ USD. Các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu hàng hóa sang khu vực thị trường ASEAN đạt trị giá 19 tỷ USD và chiếm 12,7% kim ngạch xuất khẩu của cả nước ra thế giới.

Dẫn đầu về đóng góp vào tăng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN bao gồm các nhóm hàng sau: dầu thô, sắt thép, máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng, gạo, hàng dệt may và hàng thủy sản.
Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp Việt Nam đã nhập khẩu xấp xỉ 23 tỷ USD hàng hóa có xuất xứ từ các nước ASEAN, chiếm 15,5% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước từ tất cả các thị trường.
Về đầu tư, tính đến cuối tháng 6/2015, ASEAN, đứng đầu là Singapore, Malaysia và Thái Lan đã có 2.632 dự án FDI còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký 54,6 tỷ USD, tập trung nhiều nhất trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, kinh doanh bất động sản, xây dựng. Trong khi đó, ASEAN (đứng đầu là Lào, Campuchia) cũng là thị trường truyền thống của các nhà đầu tư Việt Nam.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục