Đàm phán hiệp ước rác thải nhựa toàn cầu bước vào giai đoạn quan trọng

15:02' - 24/04/2024
BNEWS Đại diện từ 175 quốc gia bắt đầu đàm phán từ 23/4 về đề xuất hiệp ước toàn cầu để giảm ô nhiễm nhựa, vốn hiện diện ở khắp mọi nơi từ đỉnh núi đến đáy đại dương, cũng như trong máu người và sữa mẹ.

Ông Luis Valdivieso, người đứng đầu các cuộc đàm phán sẽ kéo dài đến ngày 29/4 do Liên hợp quốc (LHQ) dẫn đầu ở Ottawa, Canada, cho biết thế giới đang chờ đợi một hiệp ước mới nhằm xúc tác và hướng dẫn các hành động, cũng như định hướng các hợp tác quốc tế cần thiết để mang lại một tương lai không ô nhiễm nhựa.

Hồi năm 2022, các quốc gia đã nhất trí hoàn tất một hiệp ước đầu tiên trên thế giới vào cuối năm 2024 với các biện pháp cụ thể để chống ô nhiễm nhựa.

Cuộc họp ở Ottawa được coi là rất quan trọng, vì đây là phiên áp chót trước vòng đàm phán cuối cùng tại Hàn Quốc vào cuối năm nay.

Trong một cuộc phỏng vấn với báo giới trước cuộc đàm phán, Bộ trưởng Môi trường Canada Steven Guilbeault cho biết mục tiêu là đạt được 60-70% các yếu tố được các đại biểu đề xuất.

Mặc dù có sự đồng thuận rộng rãi về việc cần có một hiệp ước chung, nhưng lời kêu gọi cắt giảm 75% sản lượng nhựa vào năm 2040 của các nhà hoạt động môi trường lại mâu thuẫn với các quốc gia sản xuất dầu và ngành công nghiệp nhựa.

Sản lượng nhựa hàng năm đã tăng hơn gấp đôi trong 20 năm lên 460 triệu tấn và đang trên đà tăng gấp ba trong vòng bốn thập kỷ. Nhưng chỉ 9% số nhựa này được tái chế. Theo một báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), đóng góp của lượng nhựa này vào quá trình nóng lên toàn cầu có thể tăng hơn gấp đôi vào năm 2060. Hồi năm 2019, chúng chiếm 3,4% lượng khí thải toàn cầu.

Trong các cuộc đàm phán ở Kenya vào trung tuần tháng 11/2023, độ dài của dự thảo thỏa thuận đã tăng từ 30 lên 70 trang. Trong đó, các quốc gia sản xuất dầu như Saudi Arabia đã phản đối việc hạn chế sản xuất nhựa. Thay vào đó, họ nhấn mạnh tới việc tái chế.

Ông Chris Jahn thuộc Hội đồng Hiệp hội Hóa chất Quốc tế (ICCA) cho biết đối với ngành nhựa và hóa chất, tái chế là cách hiệu quả nhất để chấm dứt ô nhiễm nhựa với chi phí kinh tế và môi trường ít nhất.

Trong khi đó, 65 thành viên của "liên minh tham vọng cao" do Rwanda và Na Uy làm chủ tịch và bao gồm phần lớn các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), muốn giải quyết vấn đề sản xuất nhựa. Bộ trưởng Môi trường Canada Steven Guilbeault cũng cho hay thế giới phải thừa nhận rằng không thể lựa chọn giữa tái chế, cấm hoặc ứng dụng đổi mới công nghệ trong xử lý rác thải nhựa - các nước phải làm cả ba việc này.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục