Bàn cách xây dựng hình ảnh du lịch Lâm Đồng văn minh, thân thiện và an toàn

17:48' - 20/07/2018
BNEWS Màu xanh Đà Lạt không còn nhiều như trước, đường xá không còn... mềm mại như xưa, người đông đúc, tình trạng kẹt xe xảy ra.
Khách thăm quan triển lãm Hoa Đà Lạt và Sinh vật cảnh ở Đà Lạt. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Ngày 20/7, tại thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng), Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng và UBND thành phố Đà Lạt phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Phát huy văn hóa ứng xử người Đà Lạt-Lâm Đồng, góp phần xây dựng hình ảnh du lịch Lâm Đồng văn minh- thân thiện- an toàn”.

Tại hội thảo, tham luận của các chuyên gia, nhà quản lý, nghiên cứu về Đà Lạt đã đưa ra những giải pháp nhằm xây dựng hình ảnh du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng văn minh, thân thiện và an toàn.

Bà Nguyễn Thị Nguyên – Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng cho rằng: Trong những năm gần đây, du lịch Đà Lạt, phong cách Đà Lạt có sự biến đổi. Bên cạnh chiều hướng tích cực còn có những biểu hiện tiêu cực, xuất hiện tình trạng “cò”, “ép khách” trong hoạt động buôn bán, dịch vụ; hình thức kinh doanh mang tính cơ hội, thiếu bền vững. Trong khi đó, việc phát huy văn hóa người Đà Lạt vào xây dựng hình ảnh du lịch Lâm Đồng chưa có tiêu chí, quy định cụ thể.

Cũng tại hội thảo, các đại biểu đã phản ánh nhiều góc nhìn khác nhau về phong cách và văn hóa ứng xử của người Đà Lạt xưa và nay, những tác động tích cực, tiêu cực của môi trường sống hiện đại, từ đó đưa ra những giải pháp, định hướng để bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hóa ứng xử của người Đà Lạt.

Theo ông Nguyễn Hữu Tranh - nguyên cán bộ Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng cho rằng: Một trong những nguyên nhân giúp du lịch Thái Lan phát triển nhanh và bền vững là người Thái Lan thực hiện hai chữ smooth và smile (hiền dịu và mỉm cười). Đây là điều người Đà Lạt nên học hỏi để phát triển du lịch.

Đề cập về những tác động tiêu cực đến du lịch Đà Lạt, ông Nguyễn Vũ Hoàng - Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Lâm Đồng lại cho rằng: Không thể có một thành phố du lịch văn minh khi chúng ta phải đối diện với tình trạng phố xá với tiếng còi xe inh ỏi, kẹt xe; ngoài ra là thực trạng những cánh rừng bị chặt phá, những kiến trúc bị xâm hại, phố xá ô nhiễm,"chặt, chém" du khách trở thành phổ biến.

Ông Nguyễn Vũ Hoàng nhấn mạnh: Có một thực tế là không ít cư dân Đà Lạt không đồng tình với thực trạng lộn xộn, phát triển tự phát của du lịch Đà Lạt hiện nay. Ở đâu cũng xây dựng khu du lịch, khách sạn, nhà hàng ...

Để phố núi Đà Lạt "nhỏ nhắn" trong ký ức của nhiều người, cần tạo lập môi trường sống văn minh cho Đà Lạt, tính toán xem xét việc họp chợ tại trung tâm thành phố; cần có lực lượng Cảnh sát du lịch; cần tạo lập không gian sống văn minh cho Đà Lạt. Môi trường sống văn minh quyết định hành vi ứng xử văn minh của cư dân Đà Lạt.

Trong khi đó ông Lê Văn Tòa - cán bộ Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Lâm Đồng cho rằng: Màu xanh Đà Lạt không còn nhiều như trước, đường xá không còn... mềm mại như xưa, người đông đúc, tình trạng kẹt xe xảy ra.

Đà Lạt đã nóng dần lên, sương mù loãng đi nhiều, không còn giăng kín như xưa. Nhịp sống hối hả hơn... Chúng ta tiếc vì những gì đã diễn ra nhưng cũng phải chấp nhận và cần phải khôi phục một phần những gì vốn rất đẹp của Đà Lạt.

Năm 2017, lượng du khách đến tham quan và nghỉ dưỡng tại Lâm Đồng ước đạt 5,9 triệu lượt. Toàn tỉnh hiện có 1.280 cơ sở lưu trú du lịch, 35 khu, điểm du lịch, 58 doanh nghiệp lữ hành và nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, dịch vụ, tạo việc làm cho hơn 10.000 lao động trực tiếp phục vụ trong ngành du lịch và khoảng 25.000 lao động gián tiếp ngoài xã hội có liên quan đến hoạt động du lịch.

Tỉnh Lâm Đồng đề ra mục tiêu đến năm 2020 tỷ trọng ngành du lịch dịch vụ chiếm khoảng 35% tổng sản phẩm trên địa bàn toàn tỉnh; lượng du khách đến tỉnh tăng 9-10% hằng năm. Tỉnh xây dựng du lịch Đà Lạt- Lâm Đồng trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao và là điểm đến “an toàn, văn minh, thân thiện " .

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp; văn minh du lịch chính là tiêu chí đánh giá hình ảnh, vị thế quốc gia và địa phương trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế.

Vì vậy việc ứng xử văn minh trong hoạt động du lịch là yếu tố rất quan trọng, cần thiết để phát triển du lịch bền vững, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam nói chung và Lâm Đồng nói riêng.

Do đó, các cấp, các ngành liên quan cần có những giải pháp để khai thác, sáng tạo những giá trị di sản văn hóa, tài nguyên du lịch nhân văn trở thành những sản phẩm du lịch độc đáo, phong phú và đa dạng cho du lịch Đà Lạt – Lâm Đồng./.

>>>Trình làng dự án Hometel Sun Garden Đà Lạt

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục