Bên lề Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV: Giao thông đường sắt có vai trò quan trọng

16:15' - 30/05/2017
BNEWS Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, sáng 30/5, Quốc hội đã nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Đường sắt (sửa đổi).
Toàn cảnh họp phiên toàn thể. Ảnh: Văn Điệp – TTXVN

Bên lề Kỳ họp, nhiều đại biểu đã bày tỏ quan điểm của mình, nhấn mạnh vai trò quan trọng của đường sắt đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Các đại biểu cho rằng, vận tải đường sắt là bộ phận quan trọng trong hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.

Giao thông đường sắt có lợi thế so với các phương thức vận tải khác là khối lượng vận tải lớn, năng suất cao, tạo ra giá trị cạnh tranh trong nền kinh tế của đất nước.

Đến nay, hệ thống này không chỉ lạc hậu, xuống cấp mà còn phải đối mặt với tình trạng xâm lấn hành lang, gây mất an toàn cho giao thông đường sắt.
Đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Hồng Hà (Hà Nội) cho biết, để phát triển ngành Đường sắt, Nhà nước cần tập trung giải quyết đồng bộ nhiều giải pháp mà quan trọng nhất là công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức để các ngành, các cấp thấy được hiệu quả, tầm quan trọng của đường sắt đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Quốc hội khóa XIV sẽ thông qua Luật Đường sắt, trong đó có những thể chế quan trọng giúp phát triển hệ thống giao thông đường sắt sớm thoát khỏi tình trạng trì trệ nhiều năm.

Ông Hà cho rằng, khi Luật được ban hành, các cơ quan liên quan phải phối hợp tổ chức thực thi có hiệu quả, khoa học nếu không muốn tiếp tục dậm chân tại chỗ.

Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư phải mạnh, thỏa đáng, đủ sức thay đổi toàn diện bộ mặt ngành Đường sắt như kết cấu hạ tầng, công nghệ… cùng đội ngũ cán bộ vận hành chuyên nghiệp, có trình độ cao.
Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) nhận định, hệ thống giao thông đường sắt rất tiện ích, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.

Những năm gần đây, ngành Đường sắt trên thế giới đang phát triển rất mạnh, nhưng đường sắt của Việt Nam vẫn trì trệ hàng trăm năm nay và không được quan tâm đầu tư đúng mức. Những năm qua, tỷ lệ đầu tư cho ngành đường sắt chỉ chiếm khoảng 2-3% tổng mức đầu tư phát triển giao thông.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa giải trình làm rõ các vấn đề Đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Ông Bùi Sỹ Lợi phân tích, một trong những trở ngại là hệ thống đường sắt trải dài cả nước được thiết kế đi qua những địa bàn phức tạp, nhiều đường ngang, đường tắt dân sinh nên rất khó cải tạo.

Trước đây, Quốc hội đã bàn và đưa ra mục tiêu xây dựng tuyến đường sắt cao tốc, nhưng do chưa đủ kinh phí nên tạm thời phải dừng lại.

Giai đoạn qua, Nhà nước đã tập trung nguồn lực dành cho đường bộ nhiều hơn nên việc phát triển đường sắt bị hạn chế. Nếu giai đoạn tới, việc đầu tư cho ngành Đường sắt vẫn tiếp tục không được ưu tiên, tương lai của ngành Đường sắt sẽ không có sự thay đổi.

Trong khi đó, phát triển ngành Đường sắt hiện đại không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế mà còn góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng, bảo vệ hòa bình cho đất nước và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Theo ông Lợi, Luật Đường sắt (sửa đổi) phải căn cứ dựa trên tổng kết thực tiễn của những năm thực hiện luật hiện này, đồng thời phân tích những yếu kém, hạn chế của ngành đường sắt, tìm ra đâu là nguyên nhân do cơ chế, chính sách hay pháp luật để điều chỉnh cho hợp lý.

Bên cạnh sự nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành, bản thân ngành Đường sắt phải nỗ lực vươn lên để thực hiện nhiệm vụ của mình, đáp ứng yêu cầu phát triển của toàn xã hội.
Đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) nhận định, đặc thù của đường sắt là kinh tế kỹ thuật nên phải coi việc đầu tư như là cách để phát triển một ngành khoa học, mới có được cách nhìn nhận toàn diện. Năm 2005, Luật Đường sắt đã được soạn thảo nhưng những quy định về đường sắt đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu.

Luật Đường sắt (sửa đổi) lần này đã có thêm một chương về đường sắt tốc độ cao; những ưu đãi, hỗ trợ trong hoạt động đường sắt, trong đó có các quy định miễn tiền sử dụng đất, thuê đất; cho phép ngành Đường sắt cơ cấu tổ chức lại theo hướng tách bạch kinh doanh và vận tải công cộng ở thành phố…

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên cho rằng, Luật Đường sắt sau khi được Quốc hội thông qua sẽ tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất cho ngành Đường sắt, vấn đề còn lại là trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước và đơn vị được giao tài sản đó để việc vận hành đạt hiệu quả cao.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục