Bên lề Quốc hội khóa XIV: Nhiều giải pháp đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017

14:17' - 09/06/2017
BNEWS Để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% trong năm 2017, Chính phủ phải có những giải pháp đồng bộ, nâng cao hiệu quả trong đầu tư công, tập trung xử lý dứt điểm nợ xấu,...

Sáng 9/6, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2017.

Chia sẻ bên lề Kỳ họp, các đại biểu Quốc hội cho rằng, để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% trong năm 2017, Chính phủ phải có những giải pháp đồng bộ, nâng cao hiệu quả trong đầu tư công, tập trung xử lý dứt điểm nợ xấu, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân...

Nâng cao hiệu quả đầu tư công và xử lý nợ xấu

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) cho rằng, năm 2016, ảnh hưởng lớn nhất đối với nền kinh tế vĩ mô là chỉ tiêu tăng trưởng GDP không đạt, dẫn đến chỉ số về nợ công, bội chi ngân sách tăng lên. Nhiều vấn đề về kinh tế - xã hội trong năm 2016 cũng chưa được giải quyết rốt ráo, kéo theo hệ lụy sang năm 2017.

Đại biểu cho biết, nếu liên kết các giải pháp ngắn hạn và dài hạn trong năm 2017 có thể thấy, nhóm giải pháp nâng cao hiệu quả, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế vẫn chủ yếu dựa vào đầu tư công. Những giải pháp gần nhất là cần nhanh chóng triển khai các dự án: Cảng Hàng không quốc tế Long Thành; giải quyết chống ngập khu vực Thành phố Hồ Chí Minh; đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam...

Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng Nguyễn Đức Kiên. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên phân tích, nỗ lực nâng cao hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp, khả năng cạnh tranh của hàng Việt Nam thông qua các sản phẩm nội địa chưa đúng như mong muốn của nền kinh tế và dư luận xã hội. Bên cạnh giải pháp về đầu tư công, giải pháp căn cơ là: sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng, ban hành Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng sẽ góp phần giúp hệ thống tổ chức tín dụng thật sự lành mạnh, hạ lãi vay của nền kinh tế, làm cho giá vốn của Việt Nam có khả năng cạnh tranh, tương đương với các nước trong khu vực. Đây cũng chính là hỗ trợ rất quan trọng, dài lâu giúp doanh nghiệp phát triển.

“Đã có 610.000 tỷ đồng nợ xấu được xử lý trong 4 năm qua, trong đó có 65% các tổ chức tín dụng tự xử lý và 44% là thông qua các hoạt động của Ngân hàng Nhà nước cho thấy nhận định của Chính phủ về thực trạng nền kinh tế Việt Nam rất chuẩn xác”, đại biểu Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh.

Phân tích những yếu tố tác động đến chỉ tiêu tăng trưởng, đại biểu cho biết, trước đây, Chính phủ vẫn tính đến năm 2017, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực sẽ thúc đẩy nền kinh tế phát triển, nhưng khi Mỹ rút khỏi TPP là một yếu tố bất ngờ không nằm trong bài toán tăng trưởng mà Việt Nam đã đưa ra.

Đại biểu cho rằng, để đạt được tốc độ như mong muốn, bên cạnh nhiều giải pháp, một phần không nhỏ phụ thuộc vào sự khách quan của nền kinh tế thế giới. Nếu tình hình Syria ổn định, giá dầu vẫn ở mức cao, chỉ cần nâng cao năng suất ngành dầu khí và tiết kiệm thêm là Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được tốc độ tăng trưởng. Trong trường hợp bối cảnh quốc tế không thuận lợi, Chính phủ không nên cố dốc mọi nguồn lực trong khi có thể quay lại phát triển thị trường nội địa.

Thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) cho biết, nền kinh tế của Việt Nam bị suy thoái từ năm 2008 – 2014, bắt đầu khôi phục từ năm 2015 và đã đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,28%, sau đó giảm sút, quý 1/2017 chỉ đạt được 5,1%. Chính vì vậy, để đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đề ra trong những tháng cuối năm, Chính phủ phải đặt quyết tâm cao.

Đại biểu cho biết, nguồn vốn thường được giao muộn vào quý III và IV hàng năm và đến nay, vốn trung hạn đã giao xong, các công trình đã đi vào vận hành cũng được coi là tín hiệu khởi sắc cho việc đảm bảo mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa Bùi Sỹ Lợi phát biểu ý kiến. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Các giải pháp tiếp theo là Nhà nước tiếp tục khai thác thêm nguồn dầu để đảm bảo ổn định kinh tế; chuyển lợi nhuận của các doanh nghiệp Nhà nước để đầu tư cho tăng trưởng với mục tiêu giải phóng nguồn vốn. Đặc biệt, Chính phủ cần quyết liệt trong việc xử lý dứt điểm các dự án chậm tiến độ, giải quyết vấn đề nợ xấu...

Theo đại biểu Bùi Sỹ Lợi, một trong những chính sách gần đây được nhân dân tin tưởng là Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa dù chưa được ban hành nhưng có tác động rất lớn đến sự phát triển của kinh tế tư nhân, khu vực được coi là tế bào rất quan trọng quyết định phát triển kinh tế - xã hội. Hiện tại, Chính phủ đang rất tạo điều kiện để phát triển kinh tế tư nhân nhằm khơi thông sự tăng trưởng cho nền kinh tế của đất nước.

Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được ban hành không chỉ giúp kinh tế tư nhân phát triển mà còn khuyến khích các hộ gia đình chuyển sang doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế, thu hút việc làm. Khả năng để đạt mức tăng trưởng 6,7% hoàn toàn có thể thực hiện được nhưng Chính phủ phải quyết liệt hơn và các địa phương phải vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao, phát huy mọi khả năng có được để vận hành./.

>>> Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV: Tạo thuận lợi cho người dân sử dụng dịch vụ thủy lợi

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục