Kỳ họp Quốc hội khóa XIV: Hoàn thiện cơ sở pháp lý về bảo vệ, phát triển rừng

18:48' - 06/06/2017
BNEWS Chiều 6/6, các đại biểu đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi); thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Cảnh vệ.
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

* Hoàn thiện cơ sở pháp lý về bảo vệ, phát triển rừng
Tờ trình về dự án Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi) của Chính phủ cho thấy Luật Bảo vệ và Phát triển rừng được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XI. Qua 12 năm thực hiện, Luật đã tạo khuôn khổ pháp lý quan trọng điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực bảo vệ, phát triển rừng theo mục tiêu quản lý chuyển từ nền lâm nghiệp lấy quốc doanh là chủ yếu sang nền lâm nghiệp nhân dân, đa dạng hóa các thành phần kinh tế tham gia; kinh tế lâm nghiệp từ chủ yếu dựa vào khai thác, lợi dụng rừng tự nhiên sang bảo vệ, phục hồi rừng tự nhiên và trồng rừng mới, gắn phát triển kinh tế lâm nghiệp với phát huy vai trò môi trường sinh thái, quốc phòng an ninh và an sinh xã hội. Nhưng đến nay, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004 đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế, cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.
Dự kiến, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi) có 12 chương, 97 điều, so với Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004, bổ sung 4 chương mới: Chế biến, thương mại lâm sản; hợp tác quốc tế trong lâm nghiệp; giá rừng, đầu tư, tài chính trong lâm nghiệp; quản lý nhà nước về lâm nghiệp. Dự thảo Luật kế thừa 8 điều; sửa đổi 60 điều; bổ sung mới 29 điều; bỏ 19 điều.
Báo cáo thẩm tra dự án Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi) khẳng định việc sửa đổi Luật là rất cần thiết nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất các hoạt động quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, kinh doanh, chế biến và thương mại lâm sản theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế và phát triển ngành lâm nghiệp bền vững; thể chế hóa được các quy định của Hiến pháp năm 2013 về sở hữu tài nguyên thiên nhiên, đường lối chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội liên quan bảo vệ và phát triển rừng. Trong đó, đáng chú ý là sửa đổi những quy định về nghĩa vụ chung của chủ rừng về bảo tồn đa dạng sinh học rừng, động vật rừng, thực vật rừng; chấp hành sự quản lý, kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền...
* Đề nghị giữ nguyên quy định về đối tượng cảnh vệ
Cho ý kiến về dự án Luật Cảnh vệ, liên quan đến quy định về đối tượng cảnh vệ, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cảnh vệ đề nghị giữ nguyên 18 chức danh được cảnh vệ như dự án Luật Chính phủ trình, bởi thực tế cho thấy các đối tượng cảnh vệ tại dự án Luật là kế thừa Pháp lệnh Cảnh vệ, đã thực hiện ổn định, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ và điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước. Góp ý về nội dung này, một số ý kiến đề nghị dự án Luật bổ sung chức danh Chánh án Tòa án nhân dân tối cao là đối tượng được cảnh vệ.
Đại biểu Trịnh Ngọc Thúy (Thành phố Hồ Chí Minh) dẫn chứng: Nhìn nhận trong xu hướng cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền hội nhập kinh tế quốc tế, việc quy định Chánh án Tòa án nhân dân tối cao vào đối tượng cảnh vệ là hợp lý. Bởi, lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến, Hiến pháp năm 2013 đã xác định rõ vị trí, vai trò của Tòa án nhân dân tối cao; nguyên tắc phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan thực hiện các quyền Lập pháp của Quốc hội, Hành pháp của Chính phủ và Tư pháp của Tòa án trong việc thực hiện thống nhất quyền lực của Nhà nước. Quy định của Hiến pháp và một số văn bản quy phạm pháp luật cho thấy việc nâng cao vị thế, vai trò của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và các thẩm phán.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam là thành viên của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và Cộng đồng kinh tế - xã hội ASEAN, cho thấy Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Vì thế vấn đề đặt ra, yêu cầu về môi trường pháp lý thuận lợi để bảo đảm quyền tự do kinh doanh và môi trường cạnh tranh công bằng là vấn đề vô cùng quan trọng, liên quan chặt chẽ đến vai trò của Tòa án, vì thế việc nâng cao vai trò, vị trí của Tòa án nhân dân tối cao đặc biệt là Chánh án Tòa án nhân dân tối cao là bước thực hiện quan trọng, tạo lòng tin cho các chủ thể của nền kinh tế có thể yên tâm đầu tư phát triển kinh tế ở Việt Nam.
Cùng ý kiến, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nhấn mạnh: Việc bổ sung chức danh Chánh án Tòa án nhân dân tối cao vào đối tượng cảnh vệ trong dự án Luật là thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự kỳ vọng của nhân dân đối với cơ quan hoạt động tư pháp nói chung, đối với Tòa án nói riêng để Tòa án thực hiện nghiêm túc, tận tụy chức năng hộ pháp nền kinh tế - xã hội của đất nước.
Giải trình về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết: Ủy ban đã tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm để thảo luận, góp ý về nội dung này. Trong đó, có ba khuynh hướng. Khuynh hướng thứ nhất đề nghị tăng thêm đối tượng cảnh vệ đối với các chức danh: Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Tổng Kiểm toán Nhà nước, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Công an... ; thậm chí một số tỉnh cũng đề nghị bổ sung chức danh Bí thư, Chủ tịch tỉnh vào đối tượng cảnh vệ. Các khuynh hướng khác là đề nghị giảm đi và giữ nguyên các chức danh đã được quy định tại dự án Luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt nhấn mạnh: Sau khi thảo luận, tiếp thu các ý kiến và tổng kết Pháp lệnh Cảnh vệ cho thấy việc giữ nguyên như dự thảo Chính phủ trình là phù hợp. Cần phân biệt rõ ''hoạt động cảnh vệ'' với ''hoạt động bảo vệ'' là hai khái niệm khác nhau. Hoạt động cảnh vệ là tập trung vào những đối tượng đặc biệt quan trọng, yếu nhân là cá nhân hoặc khu vực trọng điểm... Việc mở rộng hay thu hẹp đối tượng cảnh vệ cần xem xét trên các nội dung, tiêu chí cụ thể. Vì vậy, Ủy ban đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ nguyên quy định này và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý, trình ra Quốc hội.
* Cần có quy định cụ thể về trường hợp được nổ súng
Liên quan đến việc sử dụng vũ khí để thực hiện nhiệm vụ, các đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Hà Nội), Đỗ Văn Bình (Hải Phòng) cơ bản thống nhất với nguyên tắc nổ súng của cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ do dự án Luật đề ra; đó là việc nổ súng phải tuân thủ các nguyên tắc về sử dụng vũ khí quân dụng quy định tại Luật sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, vì các nguyên tắc của Luật sử dụng vũ khí là những nguyên tắc bao trùm, áp dụng cho mọi trường hợp khi sử dụng vũ khí quân dụng. Tuy nhiên cần quy định cụ thể những trường hợp nổ súng của lực lượng cảnh vệ để chủ động trong các tình huống vì yêu cầu phải bảo vệ tuyệt đối an toàn đối tượng cảnh vệ, đồng thời tránh được việc lạm dụng sử dụng vũ khí.
Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Hà Nội) đề nghị ban soạn thảo bổ sung quy định khi thi hành nổ súng cần tuân thủ các quy định của Bộ luật Hình sự về phòng vệ chính đáng và tình thế cấp thiết. Mặt khác, cần nghiên cứu để có quy định cụ thể về những trường hợp nổ súng cụ thể để phù hợp với Luật Sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Đưa ra hai trường hợp cụ thể, đại biểu phân tích: Khoản 1 điều 21 về trường hợp nổ súng, dự án Luật quy định: Cảnh báo đối tượng đang đột nhập vào khu vực mục tiêu cảnh vệ là chưa đầy đủ. Đây là đối tượng mới chỉ thực hiện hành vi đột nhập vào khu vực mục tiêu cảnh vệ, chưa thực hiện bất cứ hành vi nào liên quan đến việc tấn công đối tượng cảnh vệ. Hành vi đột nhập của đối tượng không phải là đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của chiến sĩ hoặc đối tượng cảnh vệ, do vậy trong trường hợp này không thể áp dụng biện pháp cảnh báo bằng hình thức nổ súng, bắn chỉ thiên, chỉ có thể áp dụng bằng hình thức cảnh báo khác. Nếu thực hiện bắn chỉ thiên sẽ sai nguyên tắc; cần căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi mà đối tượng thực hiện để quyết định sử dụng vũ khí quân dụng theo quy định tại Luật Quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Ngoài ra, đối với quy định gây thương tích cho đối tượng đang đột nhập vào khu vực cảnh vệ sau khi đã ra lệnh dừng lại và bắn cảnh cáo nhưng không hiệu quả, quy định này cũng chưa phù hợp. Đây là trường hợp đối tượng đang thực hiện hành động đột nhập vào khu vực mục tiêu mặc dù đã được cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ cảnh báo nhưng đối tượng vẫn thực hiện. Điều này thể hiện ý thức của đối tượng là cố tình thực hiện hành động đột nhập, xâm phạm của mình. Trong trường hợp này, hành vi của đối tượng cũng mới chỉ dừng lại ở mức độ đột nhập vào khu vực mục tiêu của lực lượng cảnh vệ, chưa thực hiện hành vi tấn công, đe dọa tính mạng, sức khỏe của cán bộ, chiến sĩ và đối tượng cảnh vệ. Nếu nổ súng gây thương tích trong trường hợp này là chưa phù hợp với quy định của Luật Quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Mặt khác theo quy định của Luật, chỉ được nổ súng gây thương tích cho đối tượng, nếu nổ súng để xảy ra hậu quả chết người có nghĩa là chiến sĩ cảnh vệ đó đã vi phạm pháp luật. Súng là vũ khí quân dụng có khả năng sát thương, gây nguy hại rất lớn đến tính mạng, sức khỏe cho con người, như vậy không thể bảo đảm được việc nổ súng như quy định của điều này là trong mọi trường hợp chỉ gây thương tích, nhất là trong trường hợp đối tượng đột nhập khu vực cảnh vệ vào buổi tối, tầm quan sát kém, vị trí ngắm bắn không rõ, hậu quả chết người có thể xảy ra. Quyết định như vậy là vô tình tạo nguy cơ phải chịu trách nhiệm hình sự cho cán bộ, chiến sĩ khi thực hiện việc nổ súng trong trường hợp pháp luật cho phép được nổ súng. Cần sửa đổi quy định này cho phù hợp với lý luận và thực tiễn - đại biểu Nguyễn Hữu Chính nhấn mạnh.
Cũng tại phiên họp, các đại biểu đã thảo luận, cho ý kiến về quyền hạn của Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Cục trưởng Cục Bảo vệ An ninh Quân đội, cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ; về huy động người, phương tiện để thực hiện công tác cảnh vệ.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục