Quốc hội thảo luận về dự thảo nghị quyết xử lý nợ xấu

13:04' - 07/06/2017
BNEWS Sáng 7/6, Quốc hội làm việc tại hội trường, cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội. Ảnh: Doãn Tấn – TTXVN

Cần thiết ban hành Nghị quyết về xử lý nợ xấu

Cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, các đại biểu khẳng định đây là thời điểm cần thiết ban hành Nghị quyết để phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong điều kiện chưa có văn bản pháp lý đồng bộ về xử lý nợ xấu.

Những vấn đề đặt ra trong dự thảo Nghị quyết về nguyên tắc, những vấn đề giải quyết nợ xấu, xử lý tài sản mang tính khả thi, phù hợp với thực tiễn, không trái với quy định của Hiến pháp năm 2013 và các luật có liên quan.

Để Nghị quyết đi vào cuộc sống, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương cần tăng cường chỉ đạo thực hiện ngay khi Nghị quyết có hiệu lực thi hành; quan tâm đặc biệt đến việc các tổ chức tín dụng phải tuân thủ các quy định để không đòi nợ, không tùy tiện chuyển nợ thường thành nợ xấu; quyền thu giữ tài sản bảo đảm chỉ được thực hiện trên cơ sở tự do thực hiện cam kết, thỏa thuận giữa các bên và khi có sự vi phạm cam kết của bên đảm bảo; cấm các tổ chức tín dụng lạm quyền thu giữ, lạm dụng cơ quan Nhà nước trong việc thu giữ tài sản đảm bảo.

Đồng tình về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, nhưng các đại biểu đề nghị cần quy định rõ các khoản nợ xấu phát sinh đến hết thời hạn của Nghị quyết. Việc xử lý nợ xấu phải tuân thủ hai nguyên tắc cơ bản là không dùng ngân sách xử lý nợ xấu; xử lý nghiêm trách nhiệm của người hoặc tổ chức gây ra nợ xấu. Về thủ tục rút gọn, Chính phủ cần hướng dẫn đồng bộ với Bộ luật Dân sự và phối hợp với cơ quan công quyền khi thực hiện thu giữ tài sản.
Để hạn chế nợ xấu trong thời gian tới, các đại biểu đề nghị, nợ xấu phải được quản lý, giám sát xử lý chặt chẽ, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần định hướng tín dụng phục vụ tái cơ cấu nền kinh tế, tránh ''bơm'' vốn cho bong bóng bất động sản để dẫn đến rủi ro tăng nợ xấu, phá vỡ dây chuyền của nền kinh tế.

Đại biểu Phạm Phú Quốc (Thành phố Hồ Chí Minh) phân tích: Hiện tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế là 5,5 triệu tỷ đồng, nợ xấu chiếm 10,08%. Hướng đi phù hợp và cấp thiết là bán từng món nợ xấu có tài sản bảo đảm để lành mạnh thị trường; tạo được thị trường mua bán nợ với sự tham gia của các thành phần kinh tế.
Một số ý kiến nhận định việc Quốc hội giao cho Ngân hàng Nhà nước quy định nợ xấu trong khi ngành ngân hàng được hưởng cơ chế đặc thù là chưa thỏa đáng.

Do đó, Quốc hội cần quy định cụ thể về nợ xấu để tránh việc lạm dụng tùy tiện. Về điều kiện thu giữ tài sản, cần làm rõ tranh chấp về quyền giao tài sản đảm bảo giữa tổ chức tín dụng và người vay; tranh chấp về quyền sử dụng, quyền sở hữu tài sản giữa người vay với người thứ ba.

Bởi đây là mấu chốt của quyền thu giữ tài sản nợ xấu. Đại biểu Hoàng Thị Thu Trang (Nghệ An) nêu ý kiến: Về cơ chế thu hồi và xử lý tài sản, việc xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ là quá trình khó khăn, phức tạp, do luôn gặp sự chống đối quyết liệt của người có tài sản và người có liên quan.

Quốc hội cần có cơ chế rõ ràng, phù hợp để xử lý những vấn đề này, nhất là chi nhánh ngân hàng nước ngoài tiến hành thu giữ tài sản của người Việt Nam, nếu không sẽ không lường hết hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến trật tự xã hội.

Bảo đảm đồng bộ hệ thống pháp luật

Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân đề nghị ban soạn thảo cần rà soát để sửa đổi toàn diện Luật, khắc phục triệt để các lỗ hổng của Luật hiện hành, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, bảo đảm tính đồng bộ với hệ thống pháp luật, tránh sửa đổi, bổ sung Luật nhiều lần, gây tốn kém, bức xúc dư luận xã hội.
Liên quan đến đối tượng áp dụng, đại biểu đề nghị rà soát toàn diện để phù hợp với các Luật có liên quan, trong đó có dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Đại biểu Quốc hội Thành phố Cần Thơ Nguyễn Thanh Xuân phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn – TTXVN

Dự thảo cần quy định cụ thể về nguyên tắc làm cơ sở xác định các tổ chức tín dụng để đặt vào kiểm soát đặt biệt, bảo đảm tính khả thi, bảo đảm công khai, minh bạch, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư, tránh việc áp dụng tùy tiện.

Bên cạnh đó, quy định rõ cơ chế xác định trách nhiệm của các tổ chức tín dụng trong việc không thực hiện đầy đủ các giải pháp phòng ngừa rủi ro dẫn đến nợ xấu.
Đối với quy định về việc miễn trách nhiệm đối với người tham gia cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, đại biểu tán thành với quy định tại khoản 12 Điều 1 của dự án Luật (điều 147 của Luật hiện hành).

Tuy nhiên, để quy định của Luật được chặt chẽ, không tạo sơ hở để tổ chức, cá nhân trục lợi, đề nghị bổ sung quy định cụ thể và căn cứ trách nhiệm, tránh lạm dụng khi thực hiện, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục