Bệnh viện Nhi đồng 2 thực hiện thành công ca ghép gan trẻ em lần thứ 10

20:54' - 04/10/2016
BNEWS Sau gần 10 tiếng đồng hồ tiến hành phẫu thuật, vào 18 giờ 30 phút ngày 4/10, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 Thành phố Hồ Chí Minh đã kết thúc thành công ca ghép gan cho bệnh nhi mắc xơ gan.
Tp. Hồ Chí Minh thực hiện thành công ca ghép gan trẻ em lần thứ 10. Ảnh minh họa: TTXVN

Đây là ca ghép gan trẻ em lần thứ 10 được thực hiện tại bệnh viện này.

Bệnh nhi được ghép gan là bé Nguyễn Võ Trí Hào 13 tháng tuổi và người hiến gan là cha ruột của bé, anh Nguyễn Thành Hiệp 38 tuổi. Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết hiện bệnh nhi và người hiến gan đã được đưa về Khoa hồi sức cấp cứu trong tình trạng ổn định.

Trong ca phẫu thuật này, các bác sĩ đã cắt 230gr gan thùy trái của người cha để ghép thay thế cho phần gan bị xơ hóa của bệnh nhi. Trong một tuần tới, bệnh nhi sẽ được theo dõi sát sao nhằm phát hiện sớm hiện trạng thải ghép gan cũng như nguy cơ nhiễm trùng sau phẫu thuật.

Lúc 7 tuần tuổi bệnh nhi được chẩn đoán teo đường mật và phẫu thuật chuẩn điều trị teo đường mật (phẫu thuật Kasai) tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Đến 5 tháng tuổi, bé được phát hiện xơ gan sau mổ Kasai.

Sau 5 lần hội chẩn, Bác sĩ Trần Thanh Trí, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết chỉ có ghép gan mới đảm bảo tiếp tục kéo dài sự sống cho bệnh nhi.

Ê kíp thực hiện phẫu thuật ca ghép gan này có 40 người gồm Giáo sư Trần Đông A, các bác sĩ đến từ Bệnh viện Nhi đồng 2 và các bệnh viện khác trên địa bàn Thành phố.

Đặc biệt, lần này có sự trở lại của 2 chuyên gia đến từ Trường Đại học Saint-Luc thuộc vương quốc Bỉ - những người đã thực hiện ca ghép gan trẻ em đầu tiên tại Bệnh viện Nhi đồng 2.

Theo Giáo sư Trần Đông A, ghép gan trẻ em dưới 2 tuổi từ người cho sống là kỹ thuật khó nhất trong tất cả các kỹ thuật ghép tạng. Việc gây mê hồi sức, khâu nối các mạch máu ở bệnh nhi càng nhỏ tuổi càng khó khăn, phức tạp.

Bên cạnh đó, việc tiến hành phẫu thuật song song để vừa làm sao đảm bảo an toàn cho người hiến tạng, vừa ghép tạng cho bệnh nhi một cách nhanh nhất cũng gây nên áp lực không nhỏ cho ekip phẫu thuật.

Giáo sư Trần Đông A cũng đánh giá hiện kỹ thuật ghép gan của các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 Thành phố Hồ Chí Minh không thua kém với các các nước tiên tiến trên thế giới. Thực tế trong 9 ca ghép gan đã thực hiện trước đây tất cả các bệnh nhi đều sống sót trên 1 năm sau phẫu thuật, trong khi trên thế giới tỉ lệ này mới chỉ đạt 80%.

Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch cho biết nhu cầu ghép gan tại Bệnh viện Nhi đồng 2 nói riêng và của Việt Nam hiện nay là rất lớn, nhất là ở những bệnh nhi có bệnh lí suy gan mãn tính.

Bệnh viện Nhi đồng 2 bắt đầu thực hiện ghép gan trẻ em từ năm 2005, nhưng đến nay đơn vị này mới thực hiện ca ghép gan thứ 10. Nguyên nhân phần lớn là do chi phí cho mỗi ca phẫu thuật vẫn còn quá cao.

“Hiện mỗi ca ghép gan có chi phí khoảng 500 triệu đồng, chưa kể chi phí điều trị, theo dõi kéo dài sau phẫu thuật, con số có thể lên đến 1,5 tỉ đồng. Mặc dù chi phí này chỉ bằng 1/6 của thế giới nhưng vẫn quá lớn so với thu nhập của đại bộ phận người dân Việt Nam hiện nay” – Bác sĩ Thạch nói.

Giáo sư Trần Đông A cho rằng thiếu nguồn hiến tạng cũng là vấn đề khó khăn của ngành ghép tạng Việt Nam, đặc biệt là ghép gan trẻ em.

Đa phần nguồn tạng được ghép từ trước đến nay là từ người cho sống và do người thân trong gia đình hiến tặng. Hiện Việt Nam vẫn chưa cho phép sử dụng tạng của trẻ em chết não nên chưa có nhiều trẻ em được thực hiện ghép tạng để duy trì sự sống.

Các chuyên gia cho biết gan là cơ quan nội tạng duy nhất trong cơ thể con người có khả năng tái sinh. Sau khi cho đi một phần gan, trong vòng 2 đến 3 tháng gan sẽ phát triển trở lại và đạt khoảng 60-80% so với thể tích gan ban đầu. Tỉ lệ sống sau ghép gan rất khả quan./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục