Bình Dương lên kế hoạch “giải cứu” thịt lợn

18:42' - 10/05/2017
BNEWS Cũng giống như các địa phương trong cả nước, giá lợn hơi tại Bình Dương liên tục sụt giảm vì cung vượt cầu.
Tỉnh Bình Dương lên kế hoạch "giải cứu" lợn. Ảnh: TTXVN

Người chăn nuôi không xuất bán được lợn thịt khiến số lượng lợn tồn đọng tại Bình Dương khoảng 234.000 con, rất cần có biện pháp tiêu thụ để hỗ trợ người chăn nuôi.

Ngày 10/5, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương họp bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiêu thụ thịt lợn

cho người chăn nuôi. Theo ông Trần Phú Cường, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, thú y và thủy sản tỉnh Bình Dương, cuối năm 2016, đàn lợn trên địa bàn tỉnh đạt gần 600.000 con.

Từ cuối năm 2016 đến nay, thương lái thu mua ít khiến giá heo hơi liên tục sụt giảm .

Hiện giá lợn hơi đang dao động 20.000 - 26.000 đồng/kg. Để có được 1kg lợn hơi, phải tốn 4kg thức ăn (bình quân 9.000 đồng/kg thức ăn chăn nuôi). Như vậy, người chăn nuôi cầm chắc lỗ từ 6.000 - 16.000 đồng/kg thịt lợn hơi xuất chuồng. Vì vậy, nhiều người nuôi lợn thua lỗ và mắc nợ tiền ngân hàng, đại lý thức ăn.

Tuy giá lợn hơi rất thấp nhưng khảo sát giá lợn thịt bán cho người tiêu dùng không giảm, tại các chợ trên địa bàn tỉnh hiện đang dao động từ 70.000 - 120.000 đồng/kg. Thực tế này cho thấy trong khi người chăn nuôi lỗ nặng thì các tư thương ở khâu trung gian lại lãi lớn.

Ông Dương Văn Phần, Giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi CP-CM Bình Dương bày tỏ sự bất bình với n hững điểm bán thịt lợn lẻ ở chợ vì công ty đã giảm giá thịt xuống khoảng 50% giá, còn 23.000 đến 25.000 đồng /kg thậm chí giá thịt lợn quá lứa xuất chuồng giá bán chỉ 16.000 đồng /kg .

Vừa rồi công ty có thí điểm 4 quầy bán thịt lợn sạch, có truy xuất nguồn gốc thịt với giá cả hợp lý nhằm đảm bảo an toàn và an tâm cho người tiêu dùng nhưng bị phá hỏng mất 1 quầy.

Dù vậy, công ty vẫn quyết tâm muốn tăng gấp đôi, hoặc gấp 3 số lượng lớn các quầy ở những địa điểm chợ lớn trong tỉnh và cần được hỗ trợ sự bảo vệ , cũng như một số dụng cụ để trưng bày thịt heo nhằm đảm bảo vệ sinh và các động thái tuyên truyền, quảng cáo , ông Phần nói.

Ông Kinh Long, chủ trại lợn ở huyện Bầu Bàng cho biết: “Cái bất hợp lý hiện nay là các thương lái ở khâu trung gian và các lò mổ họ đang hưởng lợi rất cao. Cần phải giảm ngay khâu này. Các trang trại, hộ nuôi heo cần được kết nối với cơ sở giết mổ hoặc có những cơ sở giết mổ của nhà nước thu mua thì giá lợn thịt sẽ giảm được 20 - 30%”.

Để có thể “giải cứu” thịt lợn thành công, nhiều ý kiến đề xuất lập các điểm bán thịt lợn thấp hơn so với thương lái để kích cầu tiêu thụ; tạo điều kiện cho người chăn nuôi được giết mổ lợn đem thịt ra chợ bán.

Các ngân hàng có kế hoạch khoanh, giãn nợ cho người chăn nuôi; vận động các lực lượng công an, bộ đội tham gia tiêu thụ thịt lợn ; liên đoàn lao động sẽ vận động các bếp ăn công nhân mua trực tiếp thịt lợn hơi sạch để kích cầu tiêu thụ và cải thiện chất lượng bữa ăn cho người lao động…/.

>>> Đồng Nai còn hơn 300.000 con lợn cần được “giải cứu”

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục