Bí quyết giúp nông dân bảo vệ cây trồng, vật nuôi trước rét hại

22:00' - 27/01/2016
BNEWS Gieo mạ nền đất cứng che phủ nilon, dùng lưới che cho cây cảnh, thắp điện sưởi ấm cho gia súc, dùng đệm lót sinh học cho gia cầm... là các biện pháp của nông dân Hưng Yên để chống chọi với rét hại.
Rau màu của bà con nông dân cũng ngập chìm trong tuyết. Ảnh: Quỳnh Trang/TTXVN
Gieo cấy lúa trà muộn, gieo mạ nền đất cứng che phủ nilon, dùng lưới che cho cây cảnh, thắp điện sưởi ấm cho gia súc, dùng đệm lót sinh học cho gia cầm... là những cách làm thiết thực đang được nông dân tỉnh Hưng Yên thực hiện để tránh rét và chống chọi với rét hại, bảo vệ cây trồng vật nuôi trong những ngày thời tiết khắc nghiệt này. 

Đối với đàn vật nuôi, những hộ chăn nuôi ở các huyện Tiên Lữ, Phù Cừ, Yên Mỹ, thành phố Hưng Yên cũng đang gồng mình chống rét bằng mọi cách để giữ ấm cho gia súc gia cầm. 

Ông Nguyễn Văn Mý và nhiều người dân xã Tân Hưng (thành phố Hưng Yên) cho biết, họ coi đàn vật nuôi là tài sản chính nên phải giữ ấm cho chúng như giữ ấm cho con người mình. Ngay từ đầu mùa rét, các nhà đều sửa sang làm chuồng trại kiên cố, che chắn kín gió để giữ ấm, bảo đảm thoáng, sạch, cung cấp đủ thức ăn, nước uống đun nóng, tăng nhiệt độ trong chuồng như thắp bóng điện, ủ than củi hoặc trấu cho đàn gia súc, khoác thêm bao tải cho trâu bò. 

Anh Vũ Văn Điều, hộ chăn nuôi lợn ở xã Dị Chế (Tiên Lữ) chia sẻ cách nuôi lợn rất khoa học để chống chọi với giá rét: ngoài việc đảm bảo khẩu phần dinh dưỡng, bổ sung vitamin và khoáng chất, trong những ngày mùa Đông, gia đình anh luôn chuẩn bị củi và trấu để sẵn sàng sưởi cho lợn khi trời quá rét. Riêng với chuồng nuôi lợn nái và lợn con, anh sử dụng sàn gỗ và đèn sưởi để giữ ấm cho lợn, đồng thời tiêm vắc xin khi lợn đến tuổi, nhằm tăng sức đề kháng không để xảy ra dịch bệnh. Vậy nên đàn lợn đều khỏe mạnh, sức ăn tốt, không có con nào bị đói, rét; đàn lợn thịt hơn 60 con đang chuẩn bị xuất bán phục vụ dịp Tết. 

Đối với gia cầm, nhiều hộ chăn nuôi ở xã Yên Hòa (Yên Mỹ) và Quang Hưng (Phù Cừ) bật mí kinh nghiệm dùng đệm lót sinh học trong nuôi gà, để nền chuồng luôn được khô ráo, gà không bị lạnh chân. 

Theo anh Nguyễn Văn Hiển và các hộ chăn nuôi gà ở xã Yên Hòa (Yên Mỹ), đệm lót sinh học có khả năng khử trùng tốt nên không cần phun thuốc sát trùng định kỳ. Vào những tháng mùa Đông người chăn nuôi hoàn toàn yên tâm vì lớp lót này sẽ làm tăng nhiệt độ trong chuồng nuôi, gà ít bị bệnh, phát triển tốt. Đặc biệt, loại đệm lót này rất thích hợp với chăn nuôi giống gà Đông Tảo lai, bởi giống gà này ít lông nên về mùa Đông có thể giữ ấm cho gà rất tốt, giúp tiết kiệm điện sưởi ấm cho đàn gà. 

Đối với lĩnh vực trồng trọt, bà Đoàn Thị Chải, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hưng Yên cho biết, trước tình hình mưa và rét đậm rét hại kéo dài, Sở đã đề nghị các huyện, thành phố chỉ đạo bà con nông dân thực hiện "3 không" một cách tuyệt đối: không gieo mạ trong những ngày giá rét, không gieo mạ dược, không cấy lúa trà sớm, chuyển toàn bộ diện tích sang cấy lúa trà muộn. Vì đây là cách làm hiệu quả nhất để tránh gặp rét. 

Theo kinh nghiệm, lúa trà muộn thường cấy vào sau Tết Ngyên đán, sau khi lập Xuân nên không gặp ngày rét. Mạ cấy được gieo trên nền cứng theo cách che phủ nilon chỉ trong 15 ngày nên rất an toàn dù ở nhiệt độ nào. Mặt khác, lúa trà muộn thời gian sinh trưởng và phát triển ngắn ngày hơn lúa trà sớm, lại tránh được rất nhiều bất thuận của thời tiết nên cho năng suất hiệu quả cao hơn. 

Nếu như những năm trước, ở các huyện Phù Cừ, Tiên Lữ vẫn còn tập quán gieo cấy lúa trà sớm trước Tết Nguyên đán bằng mạ dược nên hay bị chết mạ và lúa do gặp rét, thì năm nay, các huyện này kiên quyết chỉ đạo bà con bỏ hẳn lúa trà sớm bằng cách không bơm nước cho các chân ruộng làm mạ dược. Do vậy, sau đợt rét này bà con nông dân sẽ gieo mạ trà muộn trên nền đất cứng, che phủ nilon khi nhiệt độ xuống thấp dưới 15oC. Hiện tại, các huyện, thành phố tập trung lấy nước làm đất phục vụ gieo cấy sau Tết Nguyên đán và tổ chức diệt chuột. 

Tại những vùng trồng hoa cây cảnh phục vụ Tết ở các huyện Văn Giang, Khoái Châu, Văn Lâm các chủ vườn cho biết, rét hại kéo dài dễ làm cho hoa, lá bị héo, rụng, hoa không nở. Để đối phó với thời tiết khắc nghiệt, các nhà vườn đã thực hiện nhiều biện pháp rất hiệu quả như: di chuyển hoa vào nhà kính, nhà lưới, che chắn nilon, thắp điện để làm tăng nhiệt độ. 

Đối với cây cảnh như cam, bưởi, quất cảnh, di chuyển vào nơi kín gió hoặc sử dụng lưới, nilon che phủ và chắn gió, dùng vòi nước rửa lá vào mỗi buổi sáng đề phòng sương muối. Theo chị Vũ Thị Lan và nhiều hộ chuyên trồng hoa cây cảnh ở xã Xuân Quan (Văn Giang) thì đây là cách mà bà con áp dụng từ nhiều năm nay, nhằm hạn chế ảnh hưởng của giá rét. 

Với kinh nghiệm và cách làm hữu hiệu nói trên, trong những ngày rét hại như hiện nay, tỉnh Hưng Yên chưa có nơi nào xảy ra tình trạng cây trồng, vật nuôi bị thiệt hại do giá rét. Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hưng Yên đã chỉ đạo các ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến rét đậm, rét hại; thông báo và hướng dẫn đến các cấp chính quyền và người dân biết để thực hiện chống rét an toàn cho cây trồng, vật nuôi; đồng thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất cho phù hợp, không để xảy ra những thiệt hại đáng tiếc do trời rét./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục