Biểu tình và đình công quy mô lớn tại Pháp phản đối cải cách luật lao động

16:59' - 12/09/2017
BNEWS Ngày 12/9, các tổ chức công đoàn của Pháp đã phát động nhiều cuộc biểu tình và bãi công nhằm phản đối những sắc lệnh mà chính quyền của Tổng thống Emmanuel Macron vừa đưa ra về cải cách luật lao động.

Theo kế hoạch, hơn 180 cuộc biểu tình diễn ra trên cả nước Pháp nhằm phản đối những cải cách lao động nói trên. Tổng Liên đoàn lao động Pháp (CGT) đã kêu gọi khoảng 4.000 cuộc đình công, đồng thời hối thúc những nhân viên đường sắt, sinh viên và công nhân viên chức xuống đường biểu tình tại nhiều thành phố từ thủ đô Paris đến các thành phố Marseille và Toulouse.

Tại Paris, khoảng 50-80% các tuyến ngoại ô của hệ thống đường sắt hoạt động bình thường, trong khi 2 tuyến ngoại ô của hệ thống xe điện ngầm bị ảnh hưởng. Nhiều tuyến cao tốc dẫn đến Paris cũng như các tuyến đường trong thủ đô, trong đó có đại lộ Champs-Elysees đã bị những người biểu tình phong tỏa.

Trong bối cảnh các tổ chức công đoàn kêu gọi cả các kiểm soát viên không lưu tham gia đình công, hãng hàng không giá rẻ Ireland Ryanair cho biết đã hủy 110 chuyến bay dự kiến cất cánh trong ngày 12/9. Hãng hàng không này cũng hối thúc chính quyền của Tổng thống Macron và Ủy ban châu Âu lập tức tiến hành biện pháp cần thiết nhằm tránh tình trạng không phận châu Âu bị đóng cửa. Dự kiến, CGT tiếp tục các hoạt động phản đối những sắc lệnh cải cách lao động trong ngày 21/9 tới.

Cải cách luật lao động là một trong những kế hoạch cải tổ sâu rộng nhằm tự do hóa nền kinh tế mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron theo đuổi nhằm thúc đẩy tăng trưởng và đảo chiều tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức 9,5%, gần gấp 2 lần so với các nước là đối thủ cạnh tranh của Pháp ở châu Âu. Tuy nhiên, những cải cách nói trên ngay khi được đưa ra hồi năm ngoái đã vấp phải sự phản đối của các tổ chức công đoàn và người lao động Pháp.

Những người phản đối cho rằng luật mới quá ưu ái giới chủ và đe dọa các quyền cơ bản của người lao động, theo đó các chủ doanh nghiệp có thêm nhiều lý do để biện minh cho việc sa thải người lao động, trong khi quyền lợi của người lao động bị thu hẹp và họ luôn sống trong tình trạng bấp bênh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục