Blockchain tạo bước tiến mới trong xây dựng nền tảng kinh tế số

12:53' - 08/06/2018
BNEWS Công nghệ blockchain sẽ góp phần quan trọng xây dựng nền tảng kinh tế số và tạo ra cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. nâng cao và nâng cao hiệu quả dịch vụ logicstic hay truy xuất nguồn gốc...

Tới năm 2025 sẽ có tới 10% GDP toàn cầu được lưu giữ nhờ công nghệ blockchain và sẽ có những nước thu thuế thông qua công nghệ này. Đây là một trong những nhận định đáng chú ý tại Diễn đàn “VietNam Blockchain Summit 2018 với chủ đề “Từ công nghệ tới chính sách” do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức sáng 8/6 tại Hà Nội.

Ông Đặng Hoàng Hải-Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) phát biểu khai mạc diễn đàn. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, blockchain là một chuỗi các khối (block) thông tin kéo dài liên tục sử dụng công nghệ mã hóa để liên kết và đảm bảo an toàn, nhờ đó chống lại việc sửa đổi dữ liệu một cách hiệu quả.
Theo ông Đặng Hoàng Hải, công nghệ blockchain sẽ góp phần quan trọng xây dựng nền tảng kinh tế số và tạo ra cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Ngoài ra, blockchain còn giúp nâng cao hiệu quả một số lĩnh vực Việt Nam còn yếu như dịch vụ logicstic hay truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, hỗ trợ hiệu quả cho việc triển khai chính phủ điện tử. Tuy nhiên, hiện nay, mọi người mới chỉ biết blockchain qua tiền mã hóa hay tiền kỹ thuật số nhưng ứng dụng còn lớn hơn nhiều.
Vì vậy, để công nghệ blockchain có thể phát triển có hiệu quả, cần sớm có những sản phẩm ứng dụng blockchain tốt và thiết thực mới có thể phát triển bền vững và hiệu quả.

Ông Đỗ Văn Long và ông Nguyễn Thanh Hưng cùng chia sẻ về công nghệ blockchain. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS

Ông Đỗ Văn Long, Giám đốc chiến lược IBL (Infinity Blockchain Lab) cho hay, có thể hiểu, blockchain được thiết kế để chống lại sự thay đổi dữ liệu, bởi lẽ thông tin trong blockchain không thể bị thay đổi và chỉ được bổ sung thêm khi có sự đồng thuận của tất cả các nút trong hệ thống.
Ngay cả khi nếu một phần của hệ thống blockchain sụp đổ, những máy tính và nút khác sẽ tiếp tục hoạt động để bảo vệ thông tin. Blockchain hứa hẹn sẽ tạo ra sự đột phá cho kinh tế- xã hội, những hoạt động liên quan tới giao dịch và dữ liệu cần tới tính minh bạch, chia sẻ và an toàn thông tin.
Cũng theo ông Đỗ Văn Long cho biết, công nghệ blockchain có thể ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Chẳng hạn, blockchain có thể giúp nâng cao hiệu quả một số lĩnh vực Việt Nam còn non yếu như dịch vụ logistics hay truy xuất nguồn gốc.
Cùng đó, blockchain cũng hỗ trợ hiệu quả cho việc triển khai Chính phủ điện tử. Các cơ sở sản xuất, chế biến, phân phối cũng như cơ quan, tổ chức nhà nước liên quan tới sản xuất kinh doanh nông sản, thực phẩm ở Việt Nam cần khai thác tiềm năng của blockchain để có thể phát triển hiệu quả trong tương lai.
“Với sự nỗ lực của nhà nước, của cộng đồng chuyên gia, các doanh nghiệp đang nghiên cứu blockchain..., chúng tôi hy vọng đến năm 2020, song song với việc thế giới sẽ có chính thức các dự án blockchain hoàn thiện thì tại Việt Nam cũng sẽ chứng kiến sự thay đổi đột phá về công nghệ này giống như sự ra đời của Internet trước đây”, ông Đỗ Văn Long, Giám đốc Chiến lược IBL kỳ vọng.
Ông Bùi Minh Cần, Phó Giám đốc hợp tác xã xoài Mỹ Xương chia sẻ, việc ứng dụng hiệu quả công nghệ blockchain trong truy xuất nguồn gốc nông sản, thực phẩm của hợp tác xã xoài Mỹ Xương.
Với diện tích xoài khoảng 95 ha, khó khăn lớn của hợp tác xã này là trong tiêu thụ, dù gắn tem nhưng vẫn bị làm giả và các con tem không thể hiện rõ nguồn gốc xuất sứ khiến người tiêu thụ không biết nguồn gốc, không thể hiện trái xoài được thu hoạch khi nào.
Tuy nhiên, sau khi hợp tác với công ty IBL để vận dụng tối đa đặc tính minh bạch của blockchain. Các khâu vận chuyển là bài toán khó trước đây đã được giải quyết đưa từng công đoạn lưu trữ trên blockchain và thể hiện trên con tem định danh của trái xoài.
“Hệ thống quản lý blockchain sẽ được kích hoạt thông tin từ thu hoạch, ra đại lý và thông tin không thể thay đổi được, giả mạo tem rất khó khăn. Minh bạch hơn trong đổi trả hàng hóa với đại lý và hợp tác xã. Với người tiêu dùng sẽ hài lòng vì chỉ cần sử dụng smartphone có thể quét mã định danh trên trái xoài có thể biết nguồn gốc, thời điểm thu hoạch, biết cách bảo quan, thời gian sử dụng và thời điểm nào ăn ngon nhất. Tất cả đều được thể hiện trên con tem dán trên trái xoài”, ông Bùi Minh Cần nhấn mạnh.

Toàn cảnh diễn đàn Vietnam Blockchain sumit 2018-Từ công nghệ đến chính sách. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS


Ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử (VECOM) khẳng định: Công nghệ blockchain được thiết kế nhằm chống lại sự thay đổi dữ liệu, bởi lẽ thông tin trong blockchain không thể bị thay đổi và chỉ được bổ sung thêm khi có sự đồng thuận của tất cả các nút trong hệ thống. Đặc biệt là ngay cả khi nếu một phần của hệ thống blockchain sụp đổ, những máy tính và nút khác sẽ tiếp tục hoạt động để bảo vệ thông tin.
Ngày 4/5/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16 về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Tuy nhiên tới nay, hầu như chưa có định hướng ở tầm vĩ mô dẫn dắt hoạt động nghiên cứu, đào tạo và ứng dụng công nghệ Blockchain trong các lĩnh vực kinh tế.
Đứng trước những thách thức cũng như cơ hội lớn của Blockchain với nền kinh tế số toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) đã khuyến nghị Việt Nam cần đẩy nhanh nghiên cứu và ứng dụng công nghệ Blockchain vào các lĩnh vực kinh tế, coi đây là một trong những công nghệ nền tảng cho sự phát triển kinh tế số.
Theo giới phân tích, thị trường công nghệ blockchain toàn cầu năm 2024 kỳ vọng sẽ tăng gấp 70 lần so với năm 2015 với giá trị lên lến 20 tỷ USD. Tại Việt Nam, các doanh nghiệp đang bắt đầu triển khai các nhóm nghiên cứu hay dự án thử nghiệm về blockchain có thể kể tới Viettel, Napas, TMA Solutions...
Các chuyên gia cho biết thêm, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo.
Một trong các mục tiêu của đề án là các đề xuất chính sách và pháp luật không được ảnh hưởng đến sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo, đảm bảo tính linh hoạt để phù hợp với sự thay đổi trong sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin, thương mại điện tử.
Đề cập tới vấn đề này, các diễn giả cho rằng, việc hoàn thiện khung pháp lý cần tham khảo ý kiến của cộng đồng kinh doanh trực tuyến và các bên liên quan./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục