Bộ Công Thương sẽ trực tiếp thẩm định và giám sát dự án thép Cà Ná

15:47' - 13/09/2016
BNEWS Thay vì chỉ góp ý thiết kế cơ sở thì theo quy định mới, với các dự án lớn, bộ Công thương sẽ trực tiếp thẩm định thiết kế cơ sở và yêu cầu chủ đầu tư phải tuân thủ việc thẩm định đó.
Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) Trương Thanh Hoài. Ảnh:moit.gov.vn

Liên quan đến những lo ngại khi dự án thép Cà Ná – Ninh Thuận do Tập đoàn Hoa Sen làm chủ đầu tư được đưa vào quy hoạch và tiến hành xây dựng, vận hành sẽ gây ra những tác hại về môi trường như trường hợp của Formosa, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) Trương Thanh Hoài cho hay, về môi trường, với trình độ hiện nay, công nghệ để giải quyết môi trường tại các dự án thép là không có gì khó khăn.

Song nếu dự án được triển khai, thì quan trọng là sự tuân thủ của chủ đầu tư và sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình triển khai dự án.

Do đó, ông Hoài cho rằng, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước sẽ phải phối hợp tốt hơn, triển khai giám sát chặt chẽ hơn; cộng đồng người dân cũng có thể tham gia giám sát dự án.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng phải xem lại quy trình xử lý thải đảm bảo tiêu chuẩn môi trường để không gây ra những tác hại đến môi trường và phát triển bền vững.

"Hiện nay, các văn bản pháp luật về môi trường, về đầu tư xây dựng tương đối đầy đủ và chặt chẽ. Và từ bài học Formosa, chúng ta đã rút ra nhiều kinh nghiệm, kể cả trong quá trình đánh giá tác động môi trường và vận hành các dự án thép.

Theo luật, thì Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ trì giám sát vấn đề môi trường của các dự án này, nhưng Bộ Công Thương cũng sẽ tham gia để đảm bảo tuân thủ theo đúng quy hoạch ngay ở giai đoạn lập thiết kế cơ sở.

Cụ thể, thay vì chỉ góp ý thiết kế cơ sở thì theo quy định mới, với các dự án lớn, bộ sẽ trực tiếp thẩm định thiết kế cơ sở và yêu cầu chủ đầu tư phải tuân thủ việc thẩm định đó" - ông Hoài cho hay.

Theo đánh giá của Vụ Công nghiệp nặng, thực tế thời gian qua Việt Nam mới chỉ sản xuất được thép xây dựng, chưa sản xuất được thép phục vụ ngành công nghiệp hỗ trợ, chế tạo và phải nhập khẩu hoàn toàn loại thép này với số lượng khoảng 13 triệu tấn mỗi năm. Theo đó, nhập siêu của ngành thép mỗi năm vào khoảng 7 tỷ USD.

Theo Quyết định 2146 ngày 1/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành công thương giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 sẽ hình thành các doanh nghiệp có quy mô trên 3 triệu tấn, tập trung sản xuất một số loại thép mà ngành công nghiệp trong nước còn thiếu như thép tấm, thép chế tạo phục vụ ngành công nghiệp hỗ trợ.

Vụ Công nghiệp nặng cũng cho hay, định hướng của Thủ tướng Chính phủ rất rõ ràng, phải hình thành doanh nghiệp thép có quy mô lớn để đảm bảo sức cạnh tranh và tận dụng nguồn quặng sắt hàng tỷ tấn mà Việt Nam đang có. Chính phủ cũng định hướng hình thành các Tổ hợp thép lớn mà chỉ có công nghệ lò cao mới sản xuất được.

Theo ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, từ sự việc của Formosa, Hiệp hội cho rằng, Việt Nam có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn về thép như Hoa Sen, Hoà Phát, VnSteel... đủ năng lực để có thể làm những dự án thép lớn.

Do vậy, Chính phủ có thể chọn những vùng phù hợp, ưu tiên cho các doanh nghiệp trong nước. Bởi lẽ, hiện nay, các thiết bị, công nghệ hiện đại, giải quyết các vấn đề môi trường, các doanh nghiệp có thể đáp ứng được hoặc nhập từ các hãng uy tín thế giới mà không cần thiết phải doanh nghiệp nước ngoài.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn đang bày tỏ lo ngại, khi dự án thép Cà Ná đi vào triển khai không những sẽ gây thừa thép, mà quan trọng hơn là sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường, khó tránh khỏi các vấn đề về chất thải, không khí, tiếng ồn; đồng thời sẽ ngốn một lượng nước, điện năng không nhỏ, dẫn đến phá vỡ quy hoạch ngành điện.

Theo Vụ Công nghiệp nặng, hiện dự án thép Cà Ná – Ninh Thuận còn phải xin ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định lại, nếu dự án tiền khả thi thì sau đấy mới chấp thuận chủ trương đầu tư dự án và còn nhiều bước tiếp theo. Như vậy là còn nhiều bước để đến khâu xây dựng, khởi công nhà máy.

Hiện nay Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn chưa thẩm định vì theo quy định của Luật Đầu tư, tỉnh Ninh Thuận phải nộp hồ sơ, thẩm định xong hồ sơ sẽ trình lên Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến. Dự án có được Chính phủ chấp thuận hay không còn phải xem hồ sơ, khả năng chứng minh năng lực tài chính, báo cáo đánh giá tác động môi trường…

Tập đoàn Hoa Sen cho biết, dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận có công suất 16 triệu tấn một năm, vốn đầu tư dự kiến hơn 10 tỷ USD (hơn 230.000 tỷ đồng). Dự án cũng được bổ sung vào Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối thép giai đoạn 2020, xét đến 2025.

Theo kế hoạch, Tập đoàn Hoa Sen sẽ triển khai dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận theo 5 giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2031, chia làm nhiều phân kỳ. Khi hoàn thành, dự án có thể tạo công ăn việc làm cho khoảng 45.000 lao động.

Trong đó, phân kỳ 1 thuộc giai đoạn I của Dự án được thực hiện trong năm 2017-2018 dự kiến sử dụng 240 ha đất, công suất dự kiến 1,5 triệu tấn/năm và sẽ chính thức đi vào hoạt động trong năm 2019.

Nếu dự án được triển khai, Việt Nam sẽ trở thành công xưởng sản xuất thép của khu vực với hàng loạt công trình lớn do doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đầu tư.

Lãnh đạo Tập đoàn Hoa Sen cho biết sẽ ứng dụng công nghệ hiện đại, đồng bộ nhằm tối ưu hóa năng lực sản xuất, tiết kiệm nguyên vật liệu và giảm thiểu tối đa tác động đối với môi trường thông qua nhiều biện pháp./.

Xem thêm:

>> Đầu tư các dự án thép: Cần cân nhắc nhiều yếu tố

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục