Bộ Giao thông Vận tải chưa trình được phương án giải quyết cho trạm BOT Cai Lậy

19:38' - 05/01/2018
BNEWS Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải khẳng định cần ít nhất 2 tháng nữa mới có thể chốt đề xuất giải pháp căn cơ giải quyết các bất cập tại trạm BOT Cai Lậy lên Chính phủ.
Trạm thu phí BOT Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang). Ảnh: Nam Thái - TTXVN

Đã tròn 1 tháng trạm thu phí BOT Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) phải dừng thu phí vì gặp sự phản đối của người dân. Tuy nhiên đến thời điểm này, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải khẳng định cần ít nhất 2 tháng nữa mới có thể chốt đề xuất giải pháp căn cơ giải quyết các bất cập tại trạm BOT Cai Lậy lên Chính phủ.

Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, về phía Bộ Giao thông Vận tải đã nhiều lần đưa ra các giải pháp cho BOT Cai Lậy nhưng không khả thi.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng sẽ phải áp dụng 2 giải pháp là quyết toán dứt điểm dự án và áp dụng thu phí không dừng, tuy nhiên đây cũng chỉ là giải pháp phần ngọn. Chính vì sự phức tạp, liên quan đến kinh tế - xã hội, liên quan đến nhiều bộ, ngành nên ít nhất phải 2 tháng nữa mới có thể đưa ra giải pháp tối ưu cho BOT Cai Lậy.

Về tình hình phức tạp chung của các dự án BOT hiện nay, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ Giao thông Vận tải cùng các bộ, ngành, địa phương sẽ phối kết hợp để tham mưu cho Chính phủ xử lý những vấn đề vướng mắc hiện nay của BOT theo chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ.

Năm 2018, với trách nhiệm của Bộ Giao thông Vận tải, trong vài tháng tới Bộ Giao thông Vận tải sẽ đề xuất với Chính phủ để xem xét việc này.

Trạm thu phí BOT Cai Lậy đã phải dừng thu phí từ ngày 15/8/2017 sau 15 ngày thu phí bởi sự phản ứng quyết liệt của người dân. Đầu tháng 12/2017, BOT Cai Lậy tiếp tục thu phí, thế nhưng chỉ sau 1 buổi sáng, họ lại phải xả trạm liên tục vì người dân phản đối và cuối cùng họ phải ngừng thu phí lần 2…

Theo chủ đầu tư BOT Cai Lậy, tính riêng tiền trả lãi cho ngân hàng từ tháng 8/2017 đến nay thì dự án này đã phải trả gần 10 tỷ đồng, đó là chưa kể số tiền gốc. Chủ đầu tư vẫn bảo lưu quan điểm, bất cứ điều chỉnh nào cũng phá vỡ phương án tài chính của họ và tất nhiên, đối với doanh nghiệp khi phương án tài chính không hợp lý thì họ sẽ thiệt hại.

Ông Lưu Văn Hào, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang - chủ đầu tư BOT Cai Lậy cho hay, khi thống nhất vị trí đặt trạm thì mới có khả năng hoàn vốn và nhà đầu tư trên cơ sở đó mới quyết định đầu tư. Mặt khác, trên cơ sở vị trí đặt trạm để tính toán lưu lượng nếu thấy khả năng thu hồi vốn được thì ngân hàng mới cho vay vốn.

“Hiện giờ xảy ra việc không được thu phí thì nhà đầu tư chỉ trông chờ vào Bộ Giao thông Vận tải, sau đó là cơ quan nhà nước giải quyết hài hòa lợi ích”, ông Hào chia sẻ.

Trong khi chờ đợi quyết sách đúng đắn cho BOT Cai Lậy nói riêng và tổng thể BOT nói chung, những ngày qua, nhiều trạm thu phí BOT khác như trạm thu phí Cần Thơ – Phụng Hiệp, trạm thu phí BOT Ninh An (Khánh Hòa)…vẫn xảy ra tình trạng người dân trả phí bằng tiền lẻ hoặc sử dụng các biện pháp hư hỏng phương tiện ngay tại trạm thu phí gây ách tắc giao thông để phản ứng.

Việc xảy ra xung đột giữa người dân và chủ đầu tư tại các trạm thu phí BOT đang trực tiếp gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông, nhất là sắp đến cao điểm đi lại cuối năm của người dân, vì vậy, để làm sao hài hòa lợi ích trong khi chờ đợi quyết sách cho BOT đang đòi hỏi trách nhiệm rất lớn từ phía Bộ Giao thông Vận tải và các bộ, ngành liên quan./.

>>> Kịch bản nào xử lý vấn đề tại trạm BOT Cai Lậy?

>>> Bộ Giao thông Vận tải nói gì về vị trí đặt trạm thu phí BOT Cai Lậy?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục